Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng ngừa “bà hỏa” tại các nhà hàng, quán ăn

Tiến Thành| 06/07/2019 08:13

(HNM) - Là nơi thường tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chủ động nâng cao ý thức tự phòng ngừa là biện pháp quan trọng nhất nhằm ngăn chặn "bà hỏa" gây họa.

Hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng bình gas công nghiệp nhưng chưa lường trước được hậu quả cháy, nổ có thể xảy ra.

Nguy cơ cháy nổ luôn thường trực

Bước vào quán phở tại số 5 phố Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), thực khách có thể dễ dàng nhìn thấy hai bình gas công nghiệp loại 45kg được đặt ngay dưới ổ cắm điện gần cửa ra vào. Không chỉ vậy, nhân viên của quán còn vô tư cắm phích điện vào ổ khiến tia lửa điện phát sáng ngay trên van khóa của bình gas. Chứng kiến cảnh tượng này, chị Nguyễn Thị Linh (trú ở phường Giáp Bát), là thực khách ở quán cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến nguy cơ tia lửa điện bắt vào khí gas gây cháy, nổ. “Quán lại chỉ có một lối vào duy nhất, nếu xảy ra cháy thì khó mà thoát ra kịp”, chị Nguyễn Thị Linh bày tỏ.

Không chỉ riêng ở địa điểm trên, qua khảo sát một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Hà Nội có thể nhận thấy, rất nhiều nơi chưa chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, theo Trung tá Lã Tiến Đông, Đội phó Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội), phần lớn các cơ sở này đều là nhà ở chuyển đổi mục đích, công năng sử dụng thành nhà hàng, quán ăn. Đường điện thiết kế ban đầu dành cho gia đình, nhưng nay phải chịu tải nhiều thiết bị tiêu hao điện năng lớn cùng lúc như điều hòa, bếp điện, bếp điện từ... rất dễ dẫn tới quá tải gây chập cháy. Có những cơ sở thì lại được xây dựng tạm bợ bằng khung thép, quây tôn, không lối thoát hiểm khi xảy ra cháy rất dễ gây thiệt hại về người.

“Một số chủ cơ sở còn cho nhân viên lưu trú tại nơi làm việc, khi có cháy không thể thoát ra ngoài. Đơn cử như vụ cháy tại quán bia ở số 92 đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) khiến 1 người tử vong vào ngày 21-7-2018 là điển hình”, Trung tá Lã Tiến Đông nói.

Theo cơ quan chức năng, hiện nay có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sử dụng bình gas công nghiệp nhưng do mặt bằng nhỏ hẹp nên không bảo đảm đúng quy định về khoảng cách, vị trí an toàn. Thậm chí, có những nơi sử dụng bình gas trôi nổi, không bảo đảm chất lượng. Nhiều cơ sở sử dụng bếp gas mi ni, bếp cồn để nấu ngay tại bàn ăn; chỉ cần khách hoặc nhân viên sơ ý hay bình gas mi ni bỗng nhiên phát nổ, hỏa hoạn sẽ xảy ra. 

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chủ nhà hàng, quán ăn chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng ngừa. Nhiều cơ sở có trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ, nhưng bố trí chưa đúng quy định hoặc chỉ để đối phó. Nhất là trong những ngày thời tiết nắng nóng, nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra tại quán bia ở số 91 đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) vào ngày 27-5.

Cần chủ động phòng ngừa

Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa) cho biết, trên địa bàn quận có hơn 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây là loại hình được đơn vị chú trọng kiểm tra, các trường hợp vi phạm đều được lập biên bản xử lý, đồng thời hướng dẫn biện pháp khắc phục. Với trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc mắc phải những vi phạm trực tiếp phát sinh nguy cơ cháy, nổ, đơn vị kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. “Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức tập huấn cho đối tượng là chủ cơ sở, nhân viên của các nhà hàng, quán ăn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy”, Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh nói.

Bình gas trong một quán ăn đặt gần hệ thống điện, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, đơn vị đã đề nghị Công an các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và nhân viên về những quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy theo luật định. Đồng thời, các địa phương cũng cần thường xuyên tổ chức xây dựng, rà soát và diễn tập phương án chữa cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. “Cháy nổ tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vừa có nguy cơ gây thiệt hại về người, tài sản, vừa ảnh hưởng đến chính uy tín của cơ sở. Do vậy, người đứng đầu cơ sở cần tự ý thức rằng không thể lơ là với công tác phòng cháy, chữa cháy”, Thượng tá Ngô Thanh Lâm nói.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Việc sắp xếp hợp lý, sử dụng đúng cách các thiết bị điện, gas sẽ giảm thiểu tình trạng chập cháy, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và thực khách. Điều quan trọng nhất vẫn là từ chủ cơ sở cho đến nhân viên cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa và xử lý sớm khi có sự cố xảy ra.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 11 vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố, xếp thứ 5 trong số các loại hình cơ sở xảy ra cháy nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng ngừa “bà hỏa” tại các nhà hàng, quán ăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.