Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đi đầu trong công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

Tin, ảnh: Hà Hiền| 12/07/2019 17:44

(HNMO) - Đó là đánh giá của ông Triệu Thế Hùng, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố vào ngày 12-7.

Tham gia buổi làm việc, về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương...

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, sau hơn 2 năm tổ chức đào tạo nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm, hệ thống 365 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 người, vượt kế hoạch đề ra, qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội đạt 63,8%, dự kiến tăng lên 70% đến 75% vào năm 2020.

Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Một số cơ sở được đầu tư về nhiều mặt để đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Mối quan hệ giữa người học với nhà trường và doanh nghiệp ngày càng hình thành rõ nét, bảo đảm cho hơn 70% người lao động tham gia học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng bộc lộ những bất cập như: Một số quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp còn chung chung, gây khó khăn cho các cơ sở có ngành, nghề đào tạo đặc thù nâng cao chất lượng giảng dạy, huy động nguồn lực xã hội hóa; công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh còn thiếu tính gắn kết, hiệu quả chưa cao, Hà Nội mới có khoảng 8% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn học nghề...

 Hà Nội thực hiện tốt công tác đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường.

Để khắc phục những bất cập nêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý kiến nghị Đoàn giám sát đề xuất với các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa hợp lý trong hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp hiện hành; sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước theo hướng phân bổ cơ sở đào tạo nghề phù hợp với từng vùng, tính đặc thù của địa phương, làm căn cứ cho các địa phương thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp khách quan, khoa học.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động; cũng là nơi tập trung nhiều lao động trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ hội nhập, phát triển toàn diện.

Vì vậy, thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; nghiên cứu, đưa ra dự báo về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong những năm tới, tránh tình trạng đào tạo lãng phí... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động thực hiện cơ chế tự chủ; lấy chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút nhiều người lao động tham gia học nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đi đầu trong công tác đào tạo nghề gắn với thị trường lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.