Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần sự tự giác, nâng cao ý thức của mỗi người dân

Linh Nhi - Hoài Thanh| 13/07/2019 06:51

(HNM) - Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện được hơn 2 năm, nhưng đến nay, không ít hành vi phản cảm vẫn diễn ra. Trước thực trạng này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành Văn bản 2313/SVHTT-NSVH, đề nghị các sở, ngành, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền để ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn...

Để những quy tắc này đi vào cuộc sống, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng, đòi hỏi mỗi người dân cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Tuân thủ quy định khi tham gia giao thông - Hình ảnh đẹp nơi công cộng. Ảnh: Thái Hiền

Ông Ngô Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội):

Cần biện pháp mạnh

Qua hơn 2 năm thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn xuất hiện những hành vi ứng xử chưa phù hợp với các quy tắc trên. Cá biệt có những sự việc rất đáng phê phán như: Một cô gái bị người đàn ông lạ cưỡng hôn trong thang máy khu chung cư Golden Palm (quận Thanh Xuân); hành vi phản cảm trên tuyến xe buýt số 01 gần đây; hay sự việc hai phụ nữ đi tiểu ngay trong thang máy chung cư Gelexia Riverside (quận Hoàng Mai)...

Sau những sự việc này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kịp thời có văn bản gửi một số sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, ngăn chặn hành vi ứng xử không phù hợp nơi công cộng. Đồng thời, đề nghị UBND quận, huyện, thị xã yêu cầu ban quản lý khu chung cư, tòa nhà lắp camera giám sát tại khu vực có nguy cơ xảy ra hành vi không phù hợp chuẩn mực văn hóa để ngăn ngừa, đồng thời là chứng cứ xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, khu chung cư cũng phải xây dựng quy tắc ứng xử chung, phổ biến cho nhân dân và niêm yết ở nơi dễ quan sát.

Anh Chu Tiến Hoàng, chung cư HH2A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai):

Lắp camera trong thang máy chung cư là việc cần làm ngay

Tôi không thể tin nổi hành vi đi tiểu trong thang máy lại diễn ra ngay tại Thủ đô Hà Nội. Mức xử phạt 2 triệu đồng đối với chủ nhà - nơi hai người phụ nữ ghé thăm, thực hiện theo quy chế quản lý tạm thời của khu chung cư này là cần thiết. Tuy nhiên, cần đưa tên cụ thể người có hành vi thiếu ý thức thì mới có tác dụng răn đe. Đây không phải lần đầu tiên vụ việc phản cảm, thiếu ý thức như trên xảy ra tại chung cư ở Hà Nội.

Việc phóng uế bừa bãi, vứt rác không đúng nơi quy định, ném rác từ nhà chung cư xuống đất, cho con nhỏ tiểu bậy… không còn là chuyện lạ. Thực trạng này một phần bắt nguồn từ việc quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhưng văn hóa ứng xử chưa theo kịp nên đã gây ra nhiều chuyện bi hài, phản cảm. Để hạn chế bớt những hành vi thiếu văn hóa cũng như có thêm căn cứ để xử lý vi phạm, việc lắp camera ở thang máy tòa nhà chung cư là rất cần thiết.

Ông Phạm Ngọc Thạch, đảng viên Chi bộ 7, phường Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm):

Văn bản phải đi vào cuộc sống

Phụ nữ xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ bảy hằng tuần.           Ảnh: Thái Hiền

Tôi cũng như nhiều người dân đều bức xúc trước hành vi thiếu ý thức và phản cảm của một số người mà báo chí đã phản ánh. Về vấn đề này, tôi nhận thấy có bất cập từ nguyên nhân chủ quan. Đó là hiện nay văn bản điều chỉnh những hành vi thiếu văn hóa đã được ban hành, song cơ chế giám sát, chế tài xử phạt còn chưa phát huy tác dụng nhiều. Bên cạnh đó, số lượng nhà vệ sinh công cộng còn quá ít và chưa được bố trí hợp lý; trong khi số người lao động ngoại tỉnh đổ về Hà Nội ngày càng nhiều, dân số cơ học tăng nhanh; ý thức của một bộ phận người dân trong giữ gìn môi trường chung chưa tốt.

Tôi theo dõi trên phương tiện truyền thông, thấy ngày 1-7 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có Văn bản 2313/SVHTT-NSVH về việc tăng cường công tác tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi ứng xử không phù hợp nơi công cộng có những quy định cụ thể như tuyên truyền trên loa phát thanh các phương tiện vận tải công cộng nội dung quy tắc ứng xử; đưa nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào nội quy của chung cư... Đó là những quy định có ý nghĩa thiết thực, song để việc thực hiện đạt kết quả, rất cần sự hưởng ứng, đồng thuận của mỗi người dân Thủ đô.

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền, thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm):

Cần lên án, tẩy chay người có hành vi xấu

Những hành vi như xô đẩy, chen ngang tại những nơi công cộng, phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông, xả rác tùy tiện... mặc dù đã bị lên án nhiều, song vẫn diễn ra trong cuộc sống. Theo tôi, thực trạng trên là do giá trị đạo đức truyền thống bị tác động của cơ chế thị trường, nhiều người coi trọng vật chất, không chú trọng trau dồi tư cách đạo đức; đa số chúng ta dễ dàng làm ngơ hoặc bỏ qua khi bắt gặp hành vi ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng... Và một điều rất quan trọng là các quy định, chế tài của chúng ta chưa phát huy được hết tác dụng...

Để ngăn chặn hiệu quả các hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, cần tăng chế tài xử phạt với người vi phạm và tính vào tiêu chí thi đua đối với những người thực thi nhiệm vụ. Tiếp đến là, tuyên truyền sâu rộng để mọi người tích cực đấu tranh, phê phán, bài trừ hành vi xấu ra khỏi đời sống xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sự tự giác, nâng cao ý thức của mỗi người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.