Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng cháy, chữa cháy tại các nhà nghỉ, khách sạn: Không chủ quan, lơ là

Tiến Thành| 20/07/2019 07:33

(HNM) - Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng mạnh nên công suất sử dụng phòng của các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn cũng tăng theo. Điều này dẫn đến nguy cơ cao về cháy, nổ nếu không thực hiện đầy đủ các quy định trong lĩnh vực này. Do vậy, hơn ai hết, chủ các nhà nghỉ, khách sạn và người lao động phải chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy, không chủ quan, lơ là.

Hướng dẫn quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho nhân viên khách sạn.

Chủ cơ sở chưa quan tâm, đầu tư đúng mức

Kiểm tra tại nhà nghỉ Ba Tư (ngõ 50 phố Nguyễn Thị Định, phường Nhân Chính), Công an quận Thanh Xuân phát hiện cơ sở có nhiều vi phạm về phòng cháy, chữa cháy khi chỉ có một lối lên xuống duy nhất, không có lối thoát nạn thứ hai. Bên cạnh đó, thiết bị chữa cháy cũng bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng nhưng không được sửa chữa, thay mới… Tại quận Đống Đa, lực lượng chức năng khi kiểm tra khách sạn Blue 29 (ngõ 325 phố Giảng Võ, phường Cát Linh) phát hiện, ngoài việc thiếu lối thoát nạn, cơ sở này cũng chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Đáng lo là trên địa bàn thành phố còn khá nhiều nhà nghỉ, khách sạn vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Quận Hoàn Kiếm là địa bàn thu hút đông lượng khách du lịch nên có gần 500 nhà nghỉ, khách sạn. Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, qua kiểm tra có khá nhiều cơ sở không thực hiện đầy đủ quy định về phòng cháy, chữa cháy, trong đó phổ biến là tình trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị không bảo đảm. Các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn quận chủ yếu tập trung ở khu vực phố cổ nên không đáp ứng được yêu cầu về đầu tư xây dựng, khoảng cách an toàn chống cháy lan, không có lối thoát nạn an toàn. Đường giao thông tại khu vực lại nhỏ hẹp nên việc triển khai phương tiện khi có sự cố cháy, nổ gặp nhiều khó khăn.

Trên địa bàn quận Ba Đình hiện cũng có khoảng 170 nhà nghỉ, khách sạn. Qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2019, Công an quận đã xử phạt vi phạm hành chính 24 cơ sở với số tiền gần 45 triệu đồng. Thiếu tá Phạm Việt Dũng, Đội phó Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Ba Đình) cho biết, địa bàn quận có nhiều nhà nghỉ, khách sạn có dạng nhà ống cao tầng được chuyển đổi công năng từ nhà ở, tuy nhiên, các thiết bị điện không được cải tạo lại nên dễ xảy ra chập cháy. Bên cạnh đó, nguy cơ gây cháy, nổ tại nhà nghỉ, khách sạn cũng cao do đặc thù của các cơ sở này là tập trung đông người, khó kiểm soát hành vi cá nhân. “Chỉ cần một người thiếu ý thức trong việc hút thuốc hay sử dụng thiết bị điện cũng có thể dẫn đến thảm họa nghiêm trọng”, Thiếu tá Phạm Việt Dũng cảnh báo.

Theo Thiếu tá Vũ Đức Hưng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), từ đầu năm 2019 đến nay, qua kiểm tra, các đơn vị đã phát hiện hơn 100 lượt nhà nghỉ, khách sạn vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Lỗi vi phạm thì nhiều nhưng nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với việc phòng cháy, chữa cháy, do đó chưa đầu tư đúng mức cho công tác này. “Thậm chí, có cơ sở hầu như không quan tâm đến quy định về phòng cháy, chữa cháy”, Thiếu tá Vũ Đức Hưng nói.

Khách sạn A25 trên phố Lương Ngọc Quyến (Hà Nội) xảy ra vụ cháy, ngày 17-6. Ảnh: Phạm Tùng

An toàn là điều kiện tiên quyết

Vì chưa quan tâm đúng mức nên ngày 17-6-2019, khách sạn A25 (phố Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm) xảy ra cháy tại tầng hầm. Do đây là nơi cất giữ nhiều vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa lan nhanh, khói khí độc dày đặc. Khách sạn này nằm giữa các tuyến phố cổ nên dù vụ cháy sớm được dập tắt, không gây thiệt hại về tính mạng nhưng đã khiến nhiều người dân, du khách hoảng sợ. Anh Bùi Tuấn Hiệp, quản lý khách sạn A25, cho biết, sau vụ cháy, khách sạn đã được đầu tư sửa chữa, bổ sung mới những thiết bị, bộ phận báo cháy bị hỏng. Những bình chữa cháy được kiểm tra, thay thế để có thể sử dụng ngay. “Bản thân chúng tôi, từ người quản lý đến nhân viên cũng có thêm bài học kinh nghiệm, nâng cao hơn ý thức phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”, anh Hiệp nói.

Từ vụ cháy tại khách sạn A25, Trung tá Lã Tiến Đông, Đội phó Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, các nhà nghỉ, khách sạn cần đặt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm thoát nạn là điều kiện tiên quyết trong quản lý, vận hành. Bởi với số lượng lớn khách lưu trú, chỉ cần sự cố cháy, nổ nhỏ cũng có thể gây thiệt hại về người. Điều đó đồng nghĩa với uy tín của cơ sở, địa bàn đó nói riêng và rộng hơn là của cả thành phố nói chung giảm sút trong mắt khách du lịch.

Để hạn chế cháy, nổ xảy ra tại các nhà nghỉ, khách sạn, Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho rằng, các cơ sở cần đầu tư đầy đủ trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương tiện cứu hộ, thoát nạn. Đồng thời, các nhà nghỉ, khách sạn cần thành lập, duy trì hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, phân công người thường trực ban đêm và các dịp lễ, Tết, khi số lượng khách tăng cao. Bên cạnh đó, các cơ sở phải xây dựng và thường xuyên thực tập phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn nhằm chủ động đối phó khi xảy ra sự cố để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng cháy, chữa cháy tại các nhà nghỉ, khách sạn: Không chủ quan, lơ là

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.