Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác phòng cháy, chữa cháy: Sớm khắc phục những “lỗ hổng”

Tiến Thành| 10/08/2019 06:54

(HNM) - Mặc dù được quan tâm nhưng thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội vẫn còn những “lỗ hổng” về quản lý địa bàn, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị. Sớm khắc phục những bất cập này là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô trong thời gian tới.

Phân cấp quản lý địa bàn sẽ giúp công tác kiểm tra, xử lý về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện tốt hơn.

Bất cập về quản lý địa bàn, phương tiện

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), từ khi sáp nhập vào Công an thành phố đến nay, đơn vị đã lập 6 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, 1 đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông. Bên cạnh đó, 30 đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được thành lập trực thuộc công an 30 quận, huyện, thị xã.

Dù những thay đổi trên đã mang lại một số hiệu quả tích cực nhưng vẫn còn những bất cập đặt ra. Theo Trung úy Nghiêm Xuân Bách, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Ba Đình), với quân số còn hạn chế nên đội chỉ có thể phân công mỗi phường một cán bộ theo dõi, phụ trách.

“Trong khi mỗi phường có đến hàng nghìn hộ dân, hàng trăm cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy thì việc chỉ có một cán bộ phụ trách sẽ rất khó nắm vững địa bàn, có thể dẫn đến việc chậm kiểm tra, xử lý, để sót lọt các cơ sở vi phạm” - Trung úy Nghiêm Xuân Bách nói.

Từ thực tế đó, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố số 4 (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) Nguyễn Hữu Tạo cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đến địa bàn dân cư không được thực hiện thường xuyên, khó có hiệu quả sâu rộng.

Cùng với đó, hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị phục vụ huấn luyện, chiến đấu của lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng còn nhiều hạn chế.

Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ chín, HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố cho biết, đơn vị vẫn thiếu nhiều phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đơn cử như xe thang cao nhất hiện nay của Công an thành phố là 32m, nhưng do tác động của nhiều yếu tố nên chỉ vươn tới được tầng 15 của các chung cư cao tầng...

Anh Vũ Đình Trung (trú tại tầng 25 tòa HH4C, tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho biết, mỗi khi có báo cháy, các gia đình trên tầng cao đều chủ động thoát hiểm bằng cầu thang bộ bởi khó có thể trông chờ xe thang cứu nạn, cứu hộ do những hạn chế như hiện nay. 

Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa) cho biết, mặc dù cơ sở vật chất của đơn vị được đánh giá là chuyên nghiệp nhất trong các quận, huyện, thị xã, nhưng hạ tầng phục vụ công tác huấn luyện hầu như không có vì diện tích trụ sở chật hẹp, đơn vị phải đi mượn địa điểm tập luyện.

Ghi nhận thực tế tại Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông… cũng cho thấy khó khăn tương tự.

Tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực, đầu tư trang thiết bị

Để khắc phục bước đầu những “lỗ hổng” nêu trên, vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã phân cấp công tác này cho lực lượng công an phường, xã, thị trấn. Theo Thượng tá Phạm Tùng Vân, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an thành phố Hà Nội), công an các phường, xã, thị trấn; trực tiếp là lực lượng cảnh sát khu vực và công an phụ trách xã phải nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra cơ bản, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở...

Đồng thời, lực lượng này cũng trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tại chỗ tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ giai đoạn ban đầu, phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Chủ tịch UBND phường Khâm Thiên (quận Đống Đa) Nguyễn Quý Tùng đánh giá, cảnh sát khu vực là những người nắm rõ địa bàn, là lực lượng gần dân nhất nên việc quản lý phòng cháy, chữa cháy sẽ có nhiều thuận lợi. Bên cạnh đó, quy mô quản lý được chia nhỏ theo từng địa bàn nên cảnh sát khu vực sẽ dễ dàng nắm bắt, xử lý nhanh hơn lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp.

Đứng trước nhiệm vụ mới, Thiếu úy Nguyễn Thế Anh, cảnh sát khu vực Công an phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, bản thân anh đã được tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, quá trình công tác nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc, lực lượng cảnh sát khu vực sẽ được cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quận Hoàng Mai hướng dẫn nghiệp vụ nên có thể đảm đương tốt nhiệm vụ này.

Để nâng cao năng lực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã kiểm tra, rà soát lại các phương tiện, trang thiết bị phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đề xuất, báo cáo UBND thành phố.

Trong đó, Công an thành phố đã đề xuất UBND thành phố đầu tư trang thiết bị, phương tiện gồm 12 xe chữa cháy; 3 xe cứu nạn, cứu hộ; 5 xe thang chữa cháy 32m; 13 máy nạp khí thở; gần 200 mặt nạ phòng độc cách ly.

Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có sẵn nhân lực, phương tiện về chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tham gia chi viện khi cần, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng cháy, chữa cháy: Sớm khắc phục những “lỗ hổng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.