Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà trọ bình dân: Cần chủ động phòng cháy

Tiến Thành| 24/08/2019 07:06

(HNM) - Là nơi ở, sinh hoạt của rất đông người lao động, học sinh, sinh viên... có ưu điểm giá thuê rẻ nhưng nhiều nhà trọ bình dân trên địa bàn Hà Nội lại có nguy cơ xảy ra cháy. Chủ động phòng ngừa là điều rất cần được lưu tâm.

Lực lượng chức năng kiểm tra một dãy phòng trọ tại quận Hoàng Mai.

Ẩn họa chực chờ

Sau giờ làm việc, vòng vèo qua những ngõ, ngách chỉ đủ hai xe máy tránh nhau, chị Lê Thị Thanh (quê Thanh Hóa) đi về khu nhà trọ ở ngách 118, ngõ 230 Định Công Thượng (quận Hoàng Mai). Dãy nhà này có 10 phòng xây sát nhau, diện tích chỉ khoảng 10m2-15m2/phòng, giá thuê khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đáng lưu ý, ở dãy phòng trọ này không hề có bóng dáng của một bình chữa cháy nào và nếu xảy ra sự cố cháy thì chỉ trông chờ vào một bể nước dùng chung chừng 3m3. “Chúng tôi ra Hà Nội làm thuê theo thời vụ, tuy biết điều kiện an toàn không bảo đảm, nhưng vì giá thuê rẻ nên vẫn phải ở tạm”, chị Lê Thị Thanh chia sẻ.

Với chi phí eo hẹp, Vũ Thu Hiền (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) cũng thuê một phòng trọ rộng chừng 15m2 tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì). Trong phòng trọ của Hiền, hệ thống điện khá sơ sài và qua nhiều năm sử dụng, đã xuống cấp. Hiền cho biết, bên cạnh việc chủ phòng trọ không đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện hoặc cung cấp các thiết bị chữa cháy, bản thân nhiều người thuê nhà cũng thiếu ý thức khi thường xuyên vứt tàn thuốc lá bừa bãi, sử dụng bếp gas mini để nấu nướng…

Thống kê của Công an huyện Thanh Trì cho thấy, toàn huyện có 1.059 hộ cho thuê phòng trọ thì riêng xã Tân Triều đã chiếm hơn 530 hộ. Trưởng Công an xã Tân Triều Đỗ Vân Long cho rằng, sự lơ là của chủ cơ sở và những người thuê trọ dẫn đến nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ bất cứ lúc nào, đặc biệt vào mùa nắng nóng, hanh khô.

Thượng úy Vũ Văn Sơn, cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàng Mai), cho biết: Qua kiểm tra, có thể thấy các phòng trọ bình dân thường được làm bằng vật liệu dễ cháy, thiết kế sát vách nhau, liền thành một dãy nên không bảo đảm an toàn khi xảy ra sự cố vì ngọn lửa dễ lan rộng. “Tuy ẩn họa cháy, nổ luôn rình rập nhưng việc trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy ở tại những phòng trọ bình dân là con số 0”, Thượng úy Vũ Văn Sơn nói.

Theo Trung tá Lã Tiến Đông, Đội phó Đội Công tác chữa cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội), các phòng trọ bình dân chủ yếu nằm ở ngõ, ngách nhỏ hẹp nên khi có sự cố, xe chữa cháy rất khó tiếp cận. Những khu vực này cũng không có họng nước chữa cháy. Bên cạnh đó, nếu xảy ra cháy, nổ, nơi đây dễ sẽ xảy ra tình trạng hoảng loạn, xô đẩy, chen lấn khi tìm cách thoát nạn. Có thể nói, ở nhiều địa bàn, nhà trọ bình dân đang là “khoảng trống” về phòng cháy, chữa cháy.

Nâng cao ý thức tự phòng

Theo Công an thành phố Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 16.000 nhà trọ, tập trung ở gần các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện, khu công nghiệp… Trong đó, phần lớn là nhà trọ bình dân, phù hợp với mức sống, thu nhập của lao động thời vụ, công nhân, học sinh, sinh viên. Nhận thức rõ những nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra ở khu vực này, nhiều địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, phòng ngừa...

Một buổi tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy cho các chủ nhà trọ tại phường Cống Vị (quận Ba Đình).

Đại úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng Công an quận Ba Đình cho biết: Trên địa bàn quận, có một số khu vực tập trung nhiều phòng trọ cho thuê tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy. Điển hình như vụ cháy ngày 17-9-2018 tại ngõ 879 Đê La Thành (phường Ngọc Khánh) khiến 2 người chết, thiệt hại tài sản ước tính 3 tỷ đồng. Do đó, thời gian qua Công an quận Ba Đình đã tham mưu UBND quận tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn phòng cháy, chữa cháy cho chủ các cơ sở cho thuê trọ bình dân nhằm nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy tại chỗ.

Tương tự, với hàng nghìn công nhân đang tạm trú để làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) cũng là địa bàn có số lượng lớn nhà trọ bình dân. Ý thức rõ nguy cơ có thể xảy ra cháy nổ, ông Lê Văn Dũng (thôn Thanh Tước, xã Thanh Lâm) đã trang bị cho mỗi phòng trọ một bình chữa cháy và hướng dẫn người thuê cách sử dụng. Bên cạnh đó, ông và gia đình thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra người thuê trọ nâng cao ý thức trong sử dụng điện, gas để bảo đảm an toàn. Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm Nguyễn Văn Giỏi cho biết, chính quyền và Công an xã đã tổ chức nhiều mô hình điểm về phòng cháy, chữa cháy tại nhà trọ để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn địa bàn.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, gần đây đơn vị đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra theo các chuyên đề hoặc đột xuất đối với các chủ phòng trọ và người thuê trọ. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện, thị xã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy, không chấp hành các kiến nghị, yêu cầu của cơ quan chức năng… Bên cạnh việc tuyên truyền cho người thuê trọ, công an các địa phương cũng mời các chủ phòng trọ dự các buổi tuyên truyền tại khu dân cư, hướng dẫn các biện pháp an toàn, tạo chuyển biến trong nhận thức của hai đối tượng này... Đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để ngăn ngừa cháy, nổ có thể xảy ra ở các nhà trọ bình dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà trọ bình dân: Cần chủ động phòng cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.