Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương triển khai các biện pháp sớm ổn định cuộc sống người dân

Trang - Hạnh - Khánh - Mai| 10/09/2019 06:45

(HNM) - Tiếp tục thông tin về việc xử lý, khắc phục hậu quả vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, chiều 9-9, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, đã phối hợp với Bộ Tư lệnh hóa học (Bộ Quốc phòng) lấy 23 mẫu môi trường tại khu vực bị cháy... để phân tích, đánh giá hiện trạng, làm cơ sở xây dựng phương án tiêu, tẩy độc môi trường nếu cần.

Trong khi đó, kết quả phân tích chất lượng nước tại Nhà máy nước Hạ Đình trong các ngày lấy mẫu kiểm tra: 30-8, 3-9, 4-9, 5-9 cho thấy, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh ổn định và đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT. Đặc biệt, chỉ tiêu thủy ngân qua các ngày luôn đạt dưới ngưỡng quy chuẩn cho phép...

Tiếp tục lấy mẫu đánh giá để có hướng xử lý hữu hiệu

Chiều 9-9, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã báo cáo về công tác tổ chức, chỉ đạo, ứng phó, phối hợp khắc phục hậu quả vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Theo đó, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự quận Thanh Xuân tham mưu UBND quận tổ chức lực lượng, phương tiện phối hợp với Công an thành phố Hà Nội chữa cháy và phân luồng giao thông; sơ tán, vận chuyển các thiết bị điện, hàng hóa ra khỏi khu vực cháy; giúp đỡ các gia đình liền kề công ty vận chuyển tài sản ra khỏi khu vực cháy, bảo đảm an toàn.

Bộ Tư lệnh Thủ đô cũng đã tham mưu UBND thành phố khảo sát, quan trắc, lấy mẫu môi trường để phân tích, đánh giá chất lượng môi trường tại khu vực cháy và khu vực xung quanh bị ảnh hưởng bởi vụ cháy. Trong các kết quả quan trắc của các cơ quan chức năng và thành phố Hà Nội cho thấy: Nồng độ thủy ngân trong không khí ở ngưỡng an toàn; hóa chất amalgam phục vụ sản xuất đèn huỳnh quang, đèn compact chứa trong 3 tủ lạnh đã được lực lượng cứu hỏa phun nhiều bọt chống cháy nên không bị cháy; các thông số khí hậu so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh (QCVN 05:2013/BTNMT) và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất độc hại trong không khí (QCVN 06:2009/BTNMT) như: Vi khí hậu, Pb (chì), Zn (kẽm)... đều nằm trong giới hạn cho phép.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin với báo chí (chiều tối 4-9) về kết quả quan trắc liên quan đến vụ cháy, chiều 6-9, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư lệnh hóa học (Bộ Quốc phòng) lấy 23 mẫu môi trường tại khu vực bị cháy và cống nước thải của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty cổ phần Động Lực, nước sông Tô Lịch... để phân tích, đánh giá hiện trạng ô nhiễm, làm cơ sở xây dựng phương án tiêu, tẩy độc môi trường. Tuy nhiên, đến cuối ngày 9-9, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chưa nhận được báo cáo kết quả phân tích, xét nghiệm của Bộ Tư lệnh hóa học và các cơ quan khác.

Khẳng định dù đã triển khai quan trắc không khí và nước thải khu vực xung quanh Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông và có báo cáo kết quả quan trắc trong ngày 8-9 (kết quả các chỉ số, bao gồm cả thủy ngân tại các vị trí quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép), tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố (tại Văn bản số 3840 ngày 5-9-2019), ngày 9-9, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (đơn vị quan trắc độc lập) tiến hành lấy mẫu nhằm đánh giá, xác định rõ lượng thủy ngân tồn đọng để có cơ sở tính toán lượng thủy ngân thất thoát ra môi trường. Đây cũng là căn cứ để thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh hóa học lập phương án tiêu độc toàn bộ khu vực.

Trong khi đó, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đang tổng hợp từ các cơ quan liên quan để có báo cáo sớm nhất gửi Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về công tác khắc phục hậu quả vụ cháy này.

Trước băn khoăn của người dân về việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất đang tồn tại trong khu dân cư, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khẳng định: Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông không nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020.

Từ vụ cháy này, theo chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Sở Công Thương rà soát các đơn vị kinh doanh, sử dụng hóa chất, yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án phòng, chống sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật.

Các vấn đề dân sinh luôn được quan tâm kịp thời

Từ khi xảy ra vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đến nay, những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân quanh khu vực cháy vẫn tiếp tục được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội quan tâm. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (Công ty Nước sạch Hà Nội) vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội về chất lượng nước tại Nhà máy nước Hạ Đình (quận Thanh Xuân).

Cụ thể, Nhà máy nước Hạ Đình là nhà máy khai thác nước ngầm thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội, nằm trong bán kính 500m từ tâm vụ cháy kho sản phẩm của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Tuy nhiên, các giếng của nhà máy đều cách xa đám cháy hàng kilômét và khai thác ở độ sâu hơn 700m; các nhà giếng đều có mái che. Khu xử lý nước của nhà máy gồm bể lắng, bể lọc, bể chứa đều có mái che, đậy nắp kín. Do vậy, ảnh hưởng của vụ cháy đến Nhà máy nước Hạ Đình là rất hạn chế.

Trong các ngày 30-8, 3-9, 4-9, 5-9, Nhà máy nước Hạ Đình liên tục lấy mẫu nước để Phòng Kiểm tra chất lượng thuộc Công ty Nước sạch Hà Nội phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước sau xử lý của nhà máy. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh ổn định và đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT. Đặc biệt, chỉ tiêu thủy ngân qua các ngày luôn đạt dưới ngưỡng quy chuẩn cho phép: LOD:0,0005mg/l (LOD là giới hạn phát hiện của phép thử), trong khi QCVN 01:2009/BYT là 0,001mg/l.

Công ty Nước sạch Hà Nội cũng đã chủ động gửi mẫu nước của Nhà máy nước Hạ Đình đi xét nghiệm chỉ tiêu thủy ngân và chì ở Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế); đồng thời cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm chất lượng nước cung cấp luôn đạt quy chuẩn.

Trong khi đó, về công tác khám, tư vấn sức khỏe cho người dân sinh sống trong khu vực xảy ra vụ cháy, tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và Trạm Y tế Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), các y, bác sĩ vẫn ứng trực sẵn sàng tiếp nhận và phục vụ người dân. Tại 2 trạm y tế này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng niêm yết bảng hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, nguồn nước và vệ sinh ăn uống.

Tính từ ngày 6-9 (ngày đầu tiên triển khai khám sức khỏe) đến hết ngày 9-9, có tổng số 1.157 người được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí tại 2 trạm y tế. Trong đó, số người có nhu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến trên là 454 người. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận 97 trường hợp đến khám và làm các xét nghiệm sàng lọc nguy cơ nhiễm độc thủy ngân; Bệnh viện Đa khoa Đống Đa tiếp nhận 68 trường hợp và Bệnh viện Thanh Nhàn là 7 trường hợp.

Tại buổi kiểm tra của Sở Y tế tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và Trạm Y tế Thanh Xuân Trung, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng, bởi qua khám sàng lọc, tùy vào biểu hiện sức khỏe của mỗi người, cán bộ y tế sẽ đưa ra lời khuyên, tư vấn phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Y tế Hà Nội bảo đảm cung cấp đầy đủ máy móc, trang thiết bị, đặc biệt là huy động các bác sĩ từ bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội để tiếp đón và khám sàng lọc cho người dân được tốt nhất.

Chiều 9-9, có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, công tác ứng trực tiếp nhận, khám và lấy mẫu xét nghiệm được bệnh viện triển khai rất đầy đủ. Tiến sĩ Lương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh viện đã bố trí các bác sĩ trực từ 8h đến 17h hằng ngày tại Trạm Y tế phường Hạ Đình. Với những trường hợp có chỉ định sẽ được chuyển đến bệnh viện và đơn vị đã bố trí giường bệnh cho những bệnh nhân này. Quy trình khám và lấy mẫu xét nghiệm tại bệnh viện cũng được triển khai rất chặt chẽ, tuân thủ quy định. Thậm chí, việc lấy mẫu nước tiểu của người dân cũng phải bảo đảm trong vòng 24 giờ. Những mẫu này sau đó được bệnh viện chuyển đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) để xét nghiệm.

Tính đến chiều 9-9, trong số các mẫu xét nghiệm thủy ngân máu, mẫu nước tiểu được gửi đến Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, đã có kết quả của 30 trường hợp và tất cả đều có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).

Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết: Theo báo cáo từ Trường Tiểu học Hạ Đình, gần nơi xảy ra vụ cháy, ngày 9-9, có 320 học sinh của trường xin phép nghỉ học, nguyên nhân chủ yếu là vì các gia đình lo lắng sức khỏe của con. Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân vẫn chỉ đạo nhà trường tăng cường tuyên truyền, trao đổi thông tin để phụ huynh học sinh hiểu và yên tâm cho con đến lớp học.

Ngày 9-9, Trường Tiểu học Hạ Đình vẫn tổ chức cho học sinh học bán trú bình thường. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã yêu cầu nhà trường tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh; tăng cường vệ sinh môi trường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú và nước uống...

Có thể thấy, công tác khắc phục hậu quả sau vụ cháy đang được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tiến hành khẩn trương, trên tinh thần bảo đảm an toàn cao nhất cho cuộc sống của người dân. Trong lúc này, người dân không nên quá lo lắng và chờ các kết quả xét nghiệm khách quan để cơ quan chức năng có hướng xử lý, khắc phục hiệu quả cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương triển khai các biện pháp sớm ổn định cuộc sống người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.