Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có đam mê chắc chắn sẽ thành công

Hà Linh| 26/09/2019 07:06

(HNM) - Đôi mắt sáng, giọng nói hào sảng, khuôn mặt dễ gần, doanh nhân Đỗ Minh Phú - người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn DOJI và cũng là Chủ tịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) dễ dàng mang lại thiện cảm cho bất cứ ai đối diện

.

Với tôi cũng vậy, ban đầu những tưởng cuộc gặp gỡ vị doanh nhân tài ba này sẽ khô khan, hóa ra lại trở thành một cuộc trò chuyện vô cùng thú vị. Và bí quyết để thành công như hôm nay của ông hóa ra cũng "đơn giản" như lời ông nói: Khi bạn làm bất cứ công việc gì với sự đam mê, bạn chắc chắn sẽ thành công...

Ông Đỗ Minh Phú - Người sáng lập DOJI, Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank.

Hình ảnh gắn với DOJI

Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi nghe doanh nhân Đỗ Minh Phú trải lòng chuyện công việc, cuộc sống, tôi học được một triết lý tưởng như đơn giản mà không dễ thực hiện. Đó là: Thành công không phải là tiền tài, địa vị hay danh vọng. Thành công không đo bằng những dự án khổng lồ, những số tiền đếm bằng nhiều dãy số, cũng không phải để lại sản nghiệp lẫy lừng. Thành công được đo bằng con số những người yêu mến mình...

Khi tôi tò mò hỏi về cái tên DOJI mà ông đặt tên cho công ty của mình, bởi tôi vẫn nghĩ, chữ "JI" có liên quan gì đó đến "jewlery" (trang sức). Nhưng tôi đã nhầm, ý nghĩa cái tên "DOJI" lại vô cùng đơn giản: Đỗ gia (gia đình họ Đỗ). Cũng bởi vậy, nói đến Doji là người ta nhắc đến cái tên Đỗ Minh Phú, để giờ đây dù đã rời khỏi chiếc ghế Tổng Giám đốc để chuyển cho con trai ông "cầm lái", DOJI vẫn gắn liền với tên tuổi của vị doanh nhân này.

Doanh nhân Đỗ Minh Phú sinh năm 1953, tại Yên Bái. Đến khi đi làm, ông theo đuổi ngành khoa học máy tính. Khả năng chuyên môn cao lại giỏi tiếng Anh, ông được cử làm giám đốc một công ty nước ngoài về đá quý, và sau đó là công ty liên doanh cùng lĩnh vực. Năm 1994, ông bỏ chức giám đốc công ty liên doanh với mức lương khá cao để trở về thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý. Trải qua hơn 10 năm gây dựng, từ một doanh nghiệp không mấy ai để mắt đến, DOJI đã dần lọt vào tầm ngắm của những khách hàng trong nước, cũng như đối tác nước ngoài.

Và mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của doanh nghiệp là năm 2007, doanh nhân Đỗ Minh Phú xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội. Cũng từ đó, cái tên DOJI được người ta nhắc đến nhiều hơn. Không dừng bước, năm 2009, DOJI tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Doanh thu của tập đoàn ngày càng tăng và đến nay là doanh nghiệp tư nhân luôn dẫn đầu trong lĩnh vực vàng bạc đá quý.

Ông Đỗ Minh Phú chia sẻ: “Năm 2006, chúng tôi chính thức bắt tay chuyển hướng kinh doanh vàng bạc sản xuất vàng trang sức. Doanh số của công ty tăng dần, nếu năm 2007 là 1.200 tỷ đồng, sang năm 2008 lên tới 10.000 tỷ đồng và đến năm 2019 dự kiến đạt 70.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng đó đã giúp DOJI trở thành tốp 5 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong suốt gần một thập kỷ”. Bên cạnh vàng, đá quý, DOJI giờ còn mở rộng kinh doanh thêm các lĩnh vực khác như bất động sản, thương mại...

Người đàn ông thành đạt này cũng không ngại ngần chia sẻ định hướng của DOJI trong những năm tới không phải là kinh doanh vàng miếng, mà là phát triển kinh doanh hàng trang sức. Không ngừng nỗ lực để chứng minh thành công của mình, mới đây, doanh nghiệp đã khánh thành Tòa nhà DOJI Tower (tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội). Đây cũng là công trình được gắn biển chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đánh dấu chặng đường 25 năm hoạt động của một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất cả nước.

Dám "nhảy vào lửa"

Vẫn tưởng cái tên Đỗ Minh Phú chỉ gắn với thương hiệu DOJI, nhưng vị doanh nhân dám nghĩ, dám làm này lại không ngại thử thách với những điều mới mẻ. Khi ông "đổ tiền" vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong - TPBank - (trước đây là TienPhongBank) với ham muốn "vực" lại ngân hàng này, không ít người đã tỏ ra nghi ngờ, thậm chí có nhiều nhận định không mấy lạc quan rằng, doanh nhân Đỗ Minh Phú không thể khiến TienPhongBank "sống" lại. Mặc những lời can ngăn, bỏ qua những dự báo tiêu cực, doanh nhân Đỗ Minh Phú vẫn quyết bước tiếp, dấn thân vào rủi ro. Khi đó, TienPhongBank từng là một trong 9 ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015.

Chưa từng tham gia lãnh đạo ngân hàng, nhưng dám nhận về một ngân hàng đang trong diện khó khăn khiến nhiều người ví hành động của doanh nhân Đỗ Minh Phú như "nhảy vào lửa". Doanh nhân cũng tâm sự: "Khi nhận được quyết định về tái cơ cấu ngân hàng tháng 7-2012, tôi tự biết đây là một lĩnh vực mới và rất khó với mình. Quyết định đầu tư vào TienPhongBank lúc đó với tôi như “lao đầu vào đá”. TienPhongBank khi đó có 3 “không”: Không có cách đúng, cách chuẩn để phát triển của một ngân hàng thương mại; không có một đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực; không có đủ công nghệ".

Thế nhưng doanh nhân Đỗ Minh Phú đã dám chấp nhận đi "ngược chiều" dư luận, đối mặt với rủi ro để làm sống lại một ngân hàng đang ngấp nghé rơi vào cảnh chịu nhận sáp nhập và mất thương hiệu. Và ông đã chứng tỏ được tài năng của mình khi giúp TPBank không chỉ tái cơ cấu thành công, mà còn trở thành một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Doanh nhân Đỗ Minh Phú không chỉ được gắn tên tuổi với DOJI mà đã đưa hình ảnh của mình vào TPBank, người góp phần "hồi sinh" một thương hiệu ngân hàng. Nhưng tham vọng của vị Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank không chỉ dừng lại ở đó, trong những năm tới, TPBank sẽ rộng cửa trên con đường trở thành ngân hàng điện tử hiện đại hàng đầu trong hệ thống ngân hàng cả nước.

Chia tay ông Đỗ Minh Phú, người doanh nhân tiêu biểu của Thủ đô, tôi ấn tượng mãi về nụ cười sảng khoái của ông. Tôi hiểu, bên cạnh niềm hạnh phúc nhất khi thấy DOJI lớn mạnh và TPBank đang trên đà phát triển, thẳm sâu trong ông còn là niềm tự hào vì có hai người con giỏi giang đang cùng ông gánh vác để đưa DOJI và TPBank tiếp tục tỏa sáng...

Với những đóng góp cho xã hội, doanh nhân Đỗ Minh Phú đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011; được thành phố Hà Nội công nhận 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm và trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen. Ông là một trong 10 cá nhân được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019. Tháng 8-2019 vừa qua, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội) đã có văn bản lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho TPBank, doanh nhân Đỗ Minh Phú được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có đam mê chắc chắn sẽ thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.