Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tám: Đại biểu Quốc hội kỳ vọng những gì?

Bảo Hân (ghi)| 05/11/2019 23:38

(HNMO) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV bắt đầu từ sáng nay, 6-11. Đây là hoạt động luôn thu hút được sự quan tâm, chú ý theo dõi đặc biệt của các đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước.

Chia sẻ nhanh với HNMO bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu bày tỏ mối quan tâm của mình với các nội dung đã được chọn lựa để chất vấn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): 4 vấn đề không quá “nóng” nhưng được cử tri đặc biệt quan tâm

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).

Cả 4 lĩnh vực nông nghiệp, công thương, nội vụ và thông tin - truyền thông được lựa chọn để chất vấn tại kỳ họp này đều không phải là những vấn đề quá “nóng”, nhưng đều được cử tri đặc biệt quan tâm. Các đại biểu khi biểu quyết chọn lựa 4 nhóm nội dung cũng có nhiều cân nhắc, bảo đảm sự hài hòa cả về kinh tế và xã hội.

Chẳng hạn, về kinh tế, thời gian qua, chúng ta đã thích ứng tốt với thị trường thế giới. Tuy nhiên, hai ngành Nông nghiệp và Công Thương vừa đối mặt với thách thức về hội nhập thị trường thế giới, vừa phải khắc phục tình trạng hàng hóa kém chất lượng “đội lốt”, xâm nhập thị trường trong nước. 

Liên quan đến những vấn đề xã hội, tại kỳ họp này, nhiều đại biểu tiếp tục đi sâu phân tích giá trị đạo đức, văn hóa lối sống… đang bị xuống cấp, trong đó có nguyên nhân từ việc quản lý thông tin kém hiệu quả. Do đó, chắc chắn sẽ có nhiều đại biểu quan tâm chất vấn, kỳ vọng người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để đưa ra được các biện pháp sàng lọc tốt, lan truyền những thông tin có ý nghĩa trong cuộc sống.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh): Cần giải pháp để không còn phải “giải cứu” nông sản

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh)

Dù Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường từng nhiều lần trả lời chất vấn, thông tin tới đại biểu Quốc hội về vấn đề nông sản, nhưng phần trả lời của Bộ trưởng chưa khiến tôi hài lòng. Lý do là Bộ trưởng đưa rất nhiều giải pháp, nhưng chưa đưa được giải pháp đó đi vào thực tế để người nông dân có thể sống được và làm giàu từ nông nghiệp. Đặc biệt, các giải pháp sơ chế, bảo quản nông sản chưa được cụ thể hóa bằng các chính sách, chủ trương cụ thể nên thỉnh thoảng chúng ta lại phải “giải cứu” một mặt hàng nào đó.

Vấn đề ở đây là phải đảm bảo để nông sản của chúng ta đến được nhiều thị trường, không chỉ phụ thuộc vào một thị trường cụ thể nào đó. Người Việt Nam sử dụng rất nhiều nông sản nhập khẩu vì người ta nghĩ rằng nó an toàn hơn nông sản trong nước, như trái cây, rau củ… Nếu như nông sản Việt Nam thay thế được những sản phẩm đó thì cũng đã mang lại nguồn thu rất lớn cho người nông dân.

Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau): Mạng xã hội - không thể “không quản được thì cấm”!

Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) giơ biển tranh luận trong một phiên chất vấn tại Quốc hội.

Quản lý các thông tin giả, độc hại đang phát tán, lan truyền trên mạng xã hội là việc rất khó, nhưng cơ quan nhà nước không thể gom chúng lại để “đóng băng” theo kiểu “không quản được thì cấm”. Bởi trên mạng xã hội còn nhiều thông tin tốt, bổ ích đối với mọi người. 

Tại phiên chất vấn lần này, tôi kỳ vọng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra các giải pháp phối hợp hiệu quả với Bộ Công an trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt, khi đã có Luật An ninh mạng thì nên tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm. Hệ thống sở thông tin và truyền thông địa phương phải kết hợp chặt chẽ với Bộ để kiểm tra thường xuyên; có bộ phận lọc tin giả, tin thật để cảnh báo người sử dụng mạng xã hội.

Ngoài ra, phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dùng mạng xã hội tỉnh táo và có sự kiểm chứng trước khi chia sẻ thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tám: Đại biểu Quốc hội kỳ vọng những gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.