Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bịt ngay các "lỗ hổng" và ngừng “đổ lỗi” trong phòng, chống cháy, nổ

Bảo Hân| 13/11/2019 10:25

(HNMO) - Ngày 13-11, Quốc hội dành trọn ngày làm việc để tiến hành hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp thứ tám về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận về nội dung giám sát tối cao tại kỳ họp.

Điều hành phiên giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu, trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ thời gian qua, Quốc hội đã lựa chọn nội dung giám sát tối cao tại kỳ họp thứ tám về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018.

Đây là nội dung giám sát lớn, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiểm tra thực tế tại nhiều đơn vị, địa phương; xem xét báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và đã hoàn thành chương trình giám sát, báo cáo trình Quốc hội. 

Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, thiệt hại 4,4 tỷ đồng

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội Võ Trọng Việt điểm lại, từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6.524 tỷ đồng và 6.462ha rừng. 

Mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5ha rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3ha rừng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Báo cáo cũng nêu rõ, hiện cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực. Tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Giai đoạn 2014-2018, ngân sách đầu tư cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ khoảng 8.341 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát PCCC toàn quốc được trang bị 2.227 xe các loại, 922 máy bơm chữa cháy, 211 xuồng, ca nô chữa cháy, 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ. Tuy nhiên, kết quả giám sát chỉ rõ, nguồn kinh phí cho công tác PCCC không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Số lượng phương tiện được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; tỷ lệ xe chữa cháy đã cũ, sử dụng kém hiệu quả chiếm tới hơn 50%; việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn hạn chế.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương như: Ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC; bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị; bố trí ngân sách PCCC đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới...

Tuyệt đối không để phát sinh công trình chưa được nghiệm thu về PCCC

Con số 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC được một số đại biểu tập trung thảo luận với nhiều băn khoăn, lo lắng. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) cho rằng, con số nêu trên phản ánh thực trạng đáng báo động trong công tác quản lý nhà nước về PCCC, đòi hỏi cần được chấn chỉnh kịp thời.

Đại biểu đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra; có giải pháp xử lý dứt điểm, công khai công trình vi phạm chưa bảo đảm an toàn về PCCC; công khai dự án, công trình vi phạm PCCC thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết đình chỉ dự án triển khai vi phạm… để tuyệt đối không còn phát sinh cơ sở, công trình mới đưa vào sử dụng mà chưa được nghiệm thu về PCCC. 

“Tại sao lại để tồn tại 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy nổ? Là do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm trong thực hiện pháp luật về PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư có nguy cơ mất an toàn cháy, nổ?” - đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) nêu ra câu hỏi và yêu cầu chấn chỉnh ngay tình trạng này. 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, Quốc hội cần làm rõ việc tăng cường kiểm tra, giám sát với một số loại hình, địa bàn có nguy cơ cháy, nổ cao, trong đó có các công trình chung cư.

“Thống kê sơ bộ cho thấy cả nước có 3.000 tòa chung cư, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, việc PCCC cho hệ thống chung cư chính là để bảo vệ sự bình an cho người dân”, đại biểu nêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp).

Trong phát biểu thảo luận của mình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa còn đặc biệt nhấn mạnh đến những “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống cháy, nổ. 

“Lỗ hổng trong triển khai thực hiện khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định làm tốt công tác tuyên truyền nhưng nhiều người dân không biết hoặc chưa nắm được. Cơ quan chức năng khẳng định có kiểm tra, giám sát nhưng các sai phạm trong cháy, nổ được xử lý còn ít. Thực tế cho thấy, khi sự cố xảy ra thì mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm. Đáng buồn, khi truy cứu trách nhiệm thì đang có hiện tượng đổ lỗi: Trên đỗ lỗi cho dưới không chấp hành; dưới thì quy là trên không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm; chính quyền thì cho là người dân không chấp hành... Đó là văn hóa đổ lỗi trong khi truy xét trách nhiệm”, nữ đại biểu đoàn Đồng Tháp thẳng thắn chỉ rõ.

Trên cơ sở đó, đại biểu cho rằng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng công tác phòng, chống cháy, nổ để bịt các “lỗ hổng” và đặc biệt ngừng “đổ lỗi” để tìm giải pháp khắc phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, trong phiên giám sát, Đoàn Chủ tịch sẽ mời một số bộ trưởng phụ trách lĩnh vực có liên quan đến PCCC như các bộ: Xây dựng, Công Thương, Thông tin và Truyền thông phát biểu làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm. Cuối phiên thảo luận, toàn bộ nội dung các đại biểu đề cập sẽ được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình làm rõ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bịt ngay các "lỗ hổng" và ngừng “đổ lỗi” trong phòng, chống cháy, nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.