Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Không phải cháy là… của dân

Bảo Hân| 13/11/2019 17:46

(HNMO) - Chiều 13-11, cuối phiên thảo luận nội dung giám sát tối cao tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu làm rõ các nội dung đại biểu nêu.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Không chủ quan trước quy luật kinh tế - xã hội phát triển thì cháy nổ diễn biến phức tạp

Tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. 

Bộ trưởng nêu, công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nghiêm túc. Chỉ có 1% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 99% số vụ còn lại là cháy vừa và nhỏ do được dập tắt kịp thời, bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng tài sản, cứu được hàng nghìn người khỏi các vụ cháy.

Công tác cứu hộ, cứu nạn được tổ chức kịp thời, cứu hàng trăm người khỏi các tai nạn, sự cố. Nhiều chiến sĩ cảnh sát PCCC đã xả thân quên mình, không ngại nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản… được người dân ghi nhận. Từ năm 2014 đến nay có 5 cảnh sát PCCC anh dũng hy sinh, hàng chục chiến sĩ bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Bốn năm qua, lực lượng công an khởi tố 66 vụ liên quan đến cháy nổ, truy tố 43 bị can, xử phạt 98.398 trường hợp với hơn 200 tỷ đồng; đình chỉ 1.956 trường hợp và tạm đình chỉ 2.720 trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về PCCC.

Bộ Công an đang tích cực triển khai các đề án, dự án nhằm nâng cao năng lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị phương tiện cho lực lượng cảnh sát PCCC. Nhiều địa phương phát triển mạnh kinh tế - xã hội đã tích cực, chủ động hỗ trợ kinh phí về PCCC từ nguồn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương khó khăn về ngân sách nên vẫn cần sự đầu tư của trung ương. 

“Phương tiện chữa cháy so với yêu cầu thực tế còn thiếu. Nhiều phương tiện lạc hậu cần tiếp tục đầu tư bổ sung trong thời gian tới”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu.

Trả lời câu hỏi các đại biểu đặt ra: Tại sao tại các thành phố, khu đô thị lớn thường hay xảy ra cháy, Bộ trưởng thừa nhận quy luật khi kinh tế - xã hội phát triển thì sẽ xảy ra nhiều vụ cháy lớn, phức tạp. Tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cũng có tình trạng này. “Bộ hoàn toàn không chủ quan và đang nghiên cứu quy luật, học hỏi từ kinh nghiệm các nước để có các giải pháp phòng tránh”, Bộ trưởng cho biết.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Tô Lâm cũng kể lại việc dập tắt kịp thời vụ cháy tàu bơm dầu tại Cảng Thủy Nguyên (Hải Phòng) vào ngày 10-3-2018 do ông trực tiếp chỉ huy, kiên quyết không để xảy ra “thảm họa quốc gia”.

“Quá trình chữa cháy gặp nhiều khó khăn vì Hải Phòng chưa có tàu cứu nạn cứu hộ chữa cháy trên biển. Bộ phải điều 2 tàu từ Quảng Ninh sang và huy động 10 tấn bọt dự trữ để dập tắt đám cháy, kéo tàu sang bờ cảng bên kia của Cảng Thủy Nguyên. Công tác PCCC luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và các cấp ngành chứ không phải cháy là… của dân”, Bộ trưởng khẳng định.

Không hạ thấp tiêu chuẩn PCCC bởi tính mạng con người là trên hết!

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu chiều 13-11.

Chiều 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng phát biểu làm rõ các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

Bộ trưởng khẳng định, các quy định pháp luật hiện nay cơ bản “phủ” hầu hết lĩnh vực xây dựng, công trình xây dựng và đủ sức điều chỉnh các hoạt động thực tiễn về PCCC.

Cụ thể, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến PCCC trong xây dựng có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn. Trong đó, có các quy định rất cụ thể về quy hoạch hệ thống đường giao thông để phục vụ công tác PCCC; các trạm PCCC, bố trí trụ nước, quy định về việc phòng cháy, báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy và cũng có quy định rất cụ thể về phòng chống cháy trong một số công trình chuyên biệt như nhà ở chung cư, chợ, công trình thương mại dịch vụ.

Luật Nhà ở cũng có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị nhà chung cư trong thực hiện quy định pháp luật về PCCC và mua bảo hiểm về cháy nổ.

Tuy nhiên, đúng như một số đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận hạn chế là những văn bản này còn tản mạn. Một số nội dung đã lạc hậu; còn thiếu một số quy định đáp ứng yêu cầu và sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị. "Ví dụ như với nhà chung cư cao trên 150m, chúng ta chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là quy chuẩn về PCCC”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu.

Những bất cập trong khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt thực hiện quy định về PCCC trong quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án, thiết kế, nghiệm thu công trình cũng được Bộ trưởng chỉ ra. Ngoài ra, công tác thanh tra kiểm tra, đặc biệt là xử lý vi phạm chưa nghiêm. 

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận trách nhiệm về hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng; đồng thời khẳng định, thời gian tới sẽ làm hết sức mình cùng các bộ, ngành, địa phương khắc phục hạn chế bất cập trong PCCC.

Thời gian tới, người đứng đầu ngành xây dựng khẳng định sẽ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, đặc biệt là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.

Bộ Xây dựng sẽ bổ sung quy định mới để đáp ứng các yêu cầu tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, có quy chuẩn với những vật liệu mới và thích ứng với quy mô và chiều cao công trình. Bộ cũng đang nghiên cứu việc có nên sử dụng tầng hầm làm chỗ đỗ xe.

“Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đòi hỏi hạ thấp tiêu chuẩn về PCCC đối với công trình nhưng quan điểm của Bộ là không thể hạ thấp tiêu chuẩn, quy chuẩn bởi tính mạng con người và tài sản của người dân lên trên hết”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết, trong tháng 12 tới, sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng sẽ ban hành 2 quy chuẩn mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu PCCC là Quy chuẩn 01 về quy hoạch xây dựng và Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận nội dung giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết đã có 38 đại biểu đăng ký phát biểu, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm.

Sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát trình Quốc hội thông qua. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Không phải cháy là… của dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.