Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải xóa cho được đặc quyền, đặc lợi

Hương Ly| 21/12/2017 07:29

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng luôn phải được quan tâm đúng mức trong mọi giai đoạn. Đẩy lùi sự suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tha hóa về động cơ chính trị, qua đó góp phần xây dựng đạo đức trong Đảng.

Xây dựng Đảng về đạo đức là vấn đề đang được Đảng ta đặc biệt quan tâm.


Suy thoái đạo đức - suy giảm lòng tin

Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái vừa gửi tới Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hơn 500 triệu đồng đối với gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh do xây dựng một số công trình vượt phép và không phép tạo thành một “biệt phủ” rộng hàng nghìn mét vuông.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ kết luận ông Phạm Sỹ Quý vi phạm Khoản 4, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng khi để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Sỹ Quý kê khai thiếu 7.905m2 đất ở, hơn 27.500m2 đất nông nghiệp vợ đứng tên, không kê khai căn nhà đang xây dựng tại tổ 51 phường Minh Tân... Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, đồng thời cho thôi chức vụ Bí thư Đảng ủy và Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đối với ông Phạm Sỹ Quý.

Việc nhiều đảng viên giữ chức vụ quản lý bị kỷ luật thời gian gần đây do vi phạm kỷ luật Đảng cho thấy sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhận xét về vấn đề này, đồng chí Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, từ suy thoái đến vô đạo đức là một bước rất ngắn. Đáng chú ý là sự cảnh báo về mức độ ngày càng tăng của tình trạng suy thoái đã và đang làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Nhận xét về vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, đạo đức là cốt lõi của văn hóa. Chúng ta đã xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức thì phải đặt vấn đề xây dựng Đảng về văn hóa, trong đó văn hóa đạo đức là điểm nhấn quan trọng nhất. Từ thực tiễn đổi mới và phát triển của nước ta hiện nay, nhất là quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, việc xây dựng Đảng về văn hóa sẽ giúp thực hiện một tư tưởng lớn của Bác: “Đảng là đạo đức, là văn minh”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chừng nào chưa xóa bỏ được đặc quyền, đặc lợi chừng đó vẫn còn mảnh đất màu mỡ cho việc nuôi dưỡng sự suy thoái, hư hỏng của cán bộ, đảng viên. Chỉ có xóa bỏ được đặc quyền, đặc lợi, thể hiện trong chính sách, trong cơ chế, trong ứng xử, trong các quyền lợi, lợi ích hằng ngày thì chúng ta mới có thể chống lại được sự tha hóa về động cơ chính trị, tha hóa về quyền lực, lối sống.

Xây dựng nền móng vững chắc của Đảng

Tham luận tại hội thảo “Xây dựng Đảng về đạo đức: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” vừa diễn ra tại Hà Nội, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, xây dựng Đảng về đạo đức là nhu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ chính trị, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ta. Việc xây dựng đạo đức trong Đảng là điểm nhấn, là sự bổ sung cần thiết trong việc đổi mới tư duy, nhận thức về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Điều này cũng phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo nền móng vững chắc để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh được đặt ở vị trí đầu tiên trong chủ đề đại hội. Đảng ta đã quyết định đưa vấn đề đạo đức là một trong 4 “trụ cột” chính của công tác xây dựng Đảng: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Xây dựng Đảng về đạo đức là trọng trách lịch sử mà dân tộc giao phó, là đạo lý của Đảng và cũng là vấn đề có tính quy luật của công tác xây dựng Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Để "giữ gìn Đảng ta thật trong sạch", "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân", "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng" cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng và coi đó là "một việc hết sức quan trọng và rất cần thiết".

Thực tế hiện nay, nền kinh tế thị trường đã và đang tác động đa chiều tới đời sống xã hội cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp, các ngành và mỗi đảng viên, đặc biệt là đảng viên có chức, có quyền, cần chú trọng thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng đạo đức trong Đảng, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xóa cho được đặc quyền, đặc lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.