Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 23/03/2019 07:39

(HNM) - Quy định số 179-QĐi/TƯ, ngày 25-2-2019, của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ vừa ban hành đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Kế hoạch tu dưỡng cá nhân của người đứng đầu quận Long Biên được niêm yết công khai, đặt ở vị trí dễ nhận thấy. Ảnh: Bá Hoạt


Ông Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hà Đông:
Đánh giá đúng công tác cán bộ

Ngày 25-2-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 179-QĐi/TƯ về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, thay thế Quy chế về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ ban hành kèm theo Quyết định số 58-QĐ/TƯ ngày 7-5-2007. Việc ban hành quy định nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng; đánh giá đúng công tác cán bộ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện đúng quy định. So với quy chế cũ, Quy định số 179-QĐi/TƯ còn làm rõ hơn nội dung kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, đề cao việc tự kiểm tra, giám sát của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng; yêu cầu các tổ chức Đảng có thẩm quyền khi phát hiện tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác cán bộ phải tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời.

Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định mới về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, trong thời gian tới Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Hà Đông sẽ chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ quận tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đặc biệt kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ được giao đối với tổ chức Đảng, đảng viên trong công tác cán bộ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, 53 năm tuổi đảng, Chi bộ 2A, phường Quang Trung (Đống Đa):
Phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm từ cơ sở

Bộ Chính trị ban hành Quy định số 179-QĐi/TƯ trong giai đoạn hiện nay nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, đồng thời giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nắm chắc tình hình cán bộ, công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý, từ đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm từ cơ sở. Tôi được biết, quy định này đã bổ sung nội dung kiểm tra đảng viên giữ mối liên hệ với quần chúng nơi cư trú và cơ quan. Theo đó, từ nay Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở sẽ phát huy vai trò, chức năng giám sát đối với cán bộ, công chức, đảng viên ở nơi cư trú. Thông qua việc giám sát sẽ đóng góp ý kiến giúp cán bộ, công chức, đảng viên kịp thời điều chỉnh hành vi của mình. Tuy nhiên, từng địa phương nên áp dụng các giải pháp, cần mở ra nhiều kênh thông tin như hộp thư phản ánh của nhân dân, đường dây nóng… để quần chúng đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên sinh sống tại địa bàn dân cư.

Ông Chử Bá Tước, Bí thư Chi bộ Hồng Hà 5, phường Chương Dương (Hoàn Kiếm):
Nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã và đang đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên tại khu dân cư. Đây là nhiệm vụ, yêu cầu mới của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quần chúng tại cơ sở. Do vậy, thời gian qua Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quy định liên quan đến hoạt động giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Hoạt động này đã được thực hiện hiệu quả ở nhiều nơi, trong đó có địa bàn dân cư thuộc Chi bộ Hồng Hà 5. Thông qua hoạt động giám sát, chi bộ, Mặt trận Tổ quốc đã góp ý cho một số cán bộ, đảng viên, giúp họ nâng cao tinh thần phê bình, tự phê bình, chấn chỉnh bản thân. Tuy nhiên, để phát huy tinh thần đó, trên cơ sở các yêu cầu đặt ra của Quy định số 179-QĐi/TƯ, việc giám sát cán bộ đảng viên có nhiều điểm cụ thể hơn, đòi hỏi nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên hơn nữa cả về trình độ, đạo đức, lối sống...

Ông Trần Hữu Nghị, phường Bạch Đằng (Hai Bà Trưng):
Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý vi phạm

Quy định số 179-QĐi/TƯ ra đời trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đoàn kết, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Theo tôi, chỉ có đánh giá đúng công tác cán bộ mới kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các yếu kém vi phạm, khuyết điểm của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên để bảo đảm công tác cán bộ ngày càng được thực hiện đúng quy trình, quy định. Qua nghiên cứu tôi thấy, Quy định số 179-QĐi/TƯ còn có điểm mới đó là về thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát được quyết định (theo thẩm quyền) hoặc đề nghị, yêu cầu hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ; được yêu cầu tạm dừng việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm… Mong rằng Quy định số 179-QĐi/TƯ sớm được quán triệt và thực hiện nghiêm nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các yếu kém vi phạm, khuyết điểm của tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.