Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phối hợp để làm chủ "mặt trận" thông tin

Quốc Bình| 18/06/2019 07:22

(HNM) - Nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để làm chủ

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội trong một buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí.


Tận dụng “thời điểm vàng”

Công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 và một vài dự án khác từng là bài toán hóc búa của quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, bằng cách huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Quận ủy và UBND quận, tập trung vào công tác tuyên truyền, quận Thanh Xuân đã tháo gỡ được “nút thắt” này. Trao đổi về kinh nghiệm chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Minh Tiến cho hay: “Từ những bài học kinh nghiệm đó, ngay từ đầu năm, Quận ủy đã giao nhiệm vụ cho các ngành, trong đó có công tác tuyên giáo những nhiệm vụ trọng tâm sẽ thực hiện trong năm. Trên cơ sở đó, các cơ quan muốn hoàn thành nhiệm vụ buộc phải phối hợp với nhau”.

Vẫn đau đáu với vấn đề bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn xã Đồng Tâm, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương chỉ đạo sát sao công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Huyện ủy và UBND huyện về nhiệm vụ tuyên truyền. Vừa qua, ngay sau khi có Thông báo số 611/TB-TTCP ngày 25-4-2019 của Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo Huyện ủy và UBND huyện đã phối hợp tổ chức 11 hội nghị, phát 750 bộ tài liệu xuống tận chi bộ thôn cho cán bộ, đảng viên và người dân nắm rõ thực trạng tình hình ở Đồng Tâm, vạch mặt âm mưu của một số cá nhân gây rối... Theo đồng chí Bạch Liên Hương, mấu chốt để phối hợp tuyên truyền hiệu quả là xác định đúng và tận dụng “thời điểm vàng”. Đó là thời điểm thông tin còn mới, dư luận đang háo hức, chờ đón nhất.

Là quận trung tâm, Ba Đình có vị trí trọng yếu, nơi đặt các cơ quan trung ương. Do đó, công tác nắm bắt tình hình, phòng ngừa tụ tập đông người, khiếu kiện vượt cấp có ý nghĩa rất quan trọng. Một trong những bài học kinh nghiệm của Ba Đình là Ban Tuyên giáo Quận ủy phối hợp rất chặt chẽ với Công an quận trong công tác cung cấp thông tin. Hai cơ quan thường ký kết chương trình phối hợp từ đầu năm. Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Hoàng Ngọc Sáu cho biết: “Nhờ phối hợp chặt chẽ với Công an quận, Ban có thông tin chính xác, từ đó tham mưu hiệu quả ngăn chặn từ xa những vụ việc phức tạp...”. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp quận Ba Đình không phát sinh “điểm nóng”, xử lý hiệu quả các vụ khiếu kiện đông người nhiều năm qua.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, 100% Ban Tuyên giáo quận, huyện, thị ủy đã ký chương trình phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo tinh thần Quyết định số 221-QĐ/TƯ ngày 27-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”. Các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân và các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ... là những nơi thực hiện nền nếp, hiệu quả.

Chú trọng “trận địa” không gian mạng

Kết quả phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp nhằm giải quyết bức xúc trong nhân dân chính là sự lan tỏa từ mô hình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội. Được coi là “đặc sản” của Hà Nội, vào chiều thứ ba hằng tuần, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với UBND thành phố và các sở, ngành, địa phương tổ chức hội nghị giao ban cung cấp thông tin cho báo chí. Gần 50 cuộc giao ban báo chí đã được tổ chức hằng năm, ở đó có nhiều vụ việc “nóng” đã được thông tin kịp thời cho báo chí, tuyên truyền định hướng cho dư luận. Nhiều vụ việc, hai cơ quan phối hợp đối thoại, cung cấp thông tin cho báo chí ngay tại hiện trường, đem lại hiệu ứng tích cực như các dự án đường Vành đai 3, cầu Nhật Tân, Nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn); việc tranh chấp đất đai tại xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ)… Ban Tuyên giáo Thành ủy còn ban hành Hướng dẫn tuyên truyền, xử lý “điểm nóng”, là cơ sở giúp chính quyền địa phương chủ động triển khai, thực hiện.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chỉ ra rằng, có 5 bài học kinh nghiệm về phối hợp giữa Ban Tuyên giáo cấp ủy và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp cần quan tâm. Trong đó, bài học hàng đầu là công tác phối hợp phải được triển khai ngay từ đầu năm, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương…

Tuy nhiên, tình hình thực hiện công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp vẫn bộc lộ một số hạn chế. Nhiều trường hợp khi xảy ra sự việc, dư luận râm ran, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp mới phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan tuyên giáo. Khi đó, mọi tài liệu đưa ra dễ bị “chìm” trong một chùm thông tin nhiễu loạn, dẫn đến hiệu quả thấp.

Để khắc phục hạn chế, hiện nay, công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo cấp ủy và cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp đòi hỏi mở rộng quy mô, tăng cường mật độ, trọng tâm là gắn với “không gian mạng”. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, thông tin trên internet, nhất là mạng xã hội được cập nhật hằng giờ; nếu không phối hợp để nắm bắt và phản bác kịp thời những thông tin sai trái, xuyên tạc sẽ đánh mất “trận địa”. Đây là vấn đề đòi hỏi các cấp ủy quan tâm, khắc phục và vào cuộc chủ động hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp để làm chủ "mặt trận" thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.