Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểu rõ để làm đúng

PGS.TS Bùi Đình Phong| 12/11/2018 06:35

(HNM) - “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước” là một trong 9 biểu hiện


Đây là biểu hiện không hoàn toàn mới, song hiện nay, tần suất xuất hiện của nó dày lên ở các dạng mức khác nhau, vừa trắng trợn vừa tinh vi, nhất là khi mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay. Vì vậy, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hiểu rõ để có những việc làm, hành động đúng đắn.

Về nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước - biểu hiện rõ nhất là có những ý kiến trực diện, công khai đi ngược lại con đường, lý tưởng cách mạng của Đảng. Gọi là trực diện, nhưng họ không có dũng khí, bản lĩnh nói trong tổ chức mà lại “mượn” mạng xã hội, các diễn đàn “ngầm” ở trong hoặc ngoài nước để công bố các bài viết, bài nói trái đường lối của Đảng.

Một dạng khác là, dựa vào việc xuất bản sách, báo để có những ý kiến trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng hoặc đăng lại những bài viết của tác giả nước ngoài ẩn ý trái chính sách, pháp luật của Nhà nước, đường lối của Đảng. Có một số người tự nhận mình “cao thủ”, “siêu trí tuệ”, dùng kiến thức đông tây kim cổ, phân tích các chiều cạnh, đọc qua có vẻ “khoa học”, nhưng thực chất nội dung cài cắm đằng sau, ở giữa những câu chữ, thậm chí bằng dấu chấm, phẩy, chỉ thay một vài từ lại bộc lộ trái quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như thế là rất đa dạng, khá phức tạp. Nếu không tinh tường, có thể lầm tưởng kẻ xấu thành người tốt; người đi ngược lại quan điểm của Đảng tưởng là trung thành.

Biểu hiện làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không khó nhận diện qua cách nói hoặc viết. Đảng và Nhà nước khẳng định, mọi việc làm đều vì dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm tiêu chí, thước đo. Vì vậy, cán bộ, đảng viên nào làm vì “lợi ích nhóm” là làm trái quan điểm của Đảng. Tuy nhiên, khó ở đây là núp dưới cái “vỏ” vì lợi ích nhân dân, nhưng việc làm lại đi ngược lợi ích nhân dân; miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc theo lối “quan” chủ. Cái khó còn ở chỗ nhận diện thế nào là “lợi ích nhóm” hay “nhóm lợi ích”.

Thực tế, nhiều vụ việc bị phanh phui mang dáng dấp, hình hài “lợi ích nhóm” theo kiểu “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, nhưng được cải trang dưới danh nghĩa vì lợi ích nhân dân. Ngoài ra là thực tế không ai tự nhận mình làm việc vì “lợi ích nhóm”, có biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không trung thành; chỉ đến khi bị nhân dân phát hiện thì mới lộ chân tướng.

Về biểu hiện “hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, được thể hiện theo dạng, đọc một vài bài viết của tác giả nước ngoài không hiểu rõ lịch sử Việt Nam hay bài viết của người Việt lưu vong ở nước ngoài… sau đó tìm cách phủ nhận, xóa bỏ thành quả cách mạng. Chẳng hạn như kiểu nói, viết rằng, nhờ đồng minh và Liên Xô đánh tan chủ nghĩa phát xít, nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của ta chỉ là ăn may(!?).

Những người không nghiên cứu lịch sử Việt Nam thì không thể hiểu được: Độc lập, tự do là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta và cũng không thể lý giải được thắng lợi của dân tộc ta. Càng nguy hiểm hơn khi người ta không hiểu hay cố tình không hiểu mối quan hệ giữa điều kiện khách quan và chủ quan, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự vận dụng sáng tạo quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa và cách mạng, khôn khéo trong nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ, giành thắng lợi…, từ đó đi đến chỗ hạ thấp, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng.

Ngay cả hiện nay, đã qua hơn 30 năm đổi mới, nhiều người ngày ngày được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới…, song vẫn nhất quyết xuyên tạc, phủ nhận những thành quả đó. Họ muốn gì? Thực chất sâu xa, họ muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, những cố gắng của Chính phủ và những nỗ lực, quyết tâm của toàn dân. Họ đang hướng dư luận đi theo con đường khác, trong khi đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng; là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để; là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đi liền với hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng, đã xuất hiện một số bài viết, bài nói thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Thực chất của sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” này không có gì mới, thậm chí là cũ, thể hiện sự kém hiểu biết về quy luật cách mạng, về phép biện chứng, về tính khoa học và cách mạng trong chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cách nhìn của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Người đời ai cũng có khuyết điểm, có làm việc thì có sai lầm”, do đó không loại trừ cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm. Theo Bác, điều quan trọng là ở chỗ “chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Cái đáng sợ nhất là không dám nhận khuyết điểm, không tìm được nguyên nhân chủ yếu sinh ra khuyết điểm và tìm cách khắc phục khuyết điểm.

Trong hơn 30 năm đổi mới, với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm; tự đổi mới, chỉnh đốn để lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên như ngày nay. Những ý kiến tô quá hồng, bôi quá đen không đúng với thực tế lịch sử đều là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Về biểu hiện “xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Đây đó vẫn có những chuyện này. Trừ số rất ít người có thể do nhiều lý do, họ không có điều kiện hiểu tính xác thực của lịch sử; còn lại, bằng cách này, cách khác, người ta cố tình bóp méo lịch sử.

Trong lịch sử có các lãnh tụ, tiền bối đã được nhân dân tôn vinh, lịch sử ghi nhận, có công lao lớn đối với dân tộc. Sự vu cáo các lãnh tụ tiền bối, các tiền nhân, xuyên tạc lịch sử không những là biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà còn không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của nhân dân, bởi chỉ có biết trân quý lịch sử và có cách khai thác các giá trị lịch sử thì mới phục vụ tốt cho Tổ quốc và dân tộc.

Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trên, dù biểu hiện cách này hay cách khác, cần được nhận diện để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, nhằm làm cho Đảng ngày càng vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu rõ để làm đúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.