Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng xử khi “bí” câu trả lời phỏng vấn

Trung Thành| 06/04/2018 09:07

Ngoài việc trao đổi các nội dung chuyên môn với nhà tuyển dụng, ứng viên còn sẽ phải đối diện với những câu hỏi “không thể ngờ” ở buổi phỏng vấn.


Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 4 gợi ý cần thiết giúp bạn giải quyết tình trạng “bí lù” một cách tốt nhất nhằm tăng cơ hội ứng tuyển thành công.

Tham khảo thông tin tuyển dụng được cập nhật tại Careerlink

1. Đừng hoảng sợ và giữ bình tĩnh

Tâm lý chung của hầu hết chúng ta là sẽ hoảng loạn, bối rối khi đối diện với khó khăn. Đây là điều bình thường và bạn cần học cách làm quen. Bởi nếu bạn mất bình tĩnh hoặc lo lắng thì tình huống không được cải thiện mà càng trở nên khó xử hơn.

Thay vì vậy, hãy nở một nụ cười để cơ thể trở nên thư giãn, và đây cũng là cách bật “tín hiệu” cho người đối diện hiểu rằng bạn đang thoải mái. Hạn chế đảo mắt lung tung hoặc khua tay khua chân liên hồi và hãy cố gắng giữ ngôn ngữ cơ thể của bạn được tự nhiên nhất. Có thể câu trả lời của bạn chưa thỏa mãn được nhà tuyển dụng nhưng ít nhất bạn cũng ghi được “điểm” bởi cách xử trí điềm đạm, tâm trí ổn định.

2. Kéo dài thời gian suy nghĩ bằng các câu hỏi

Một cuộc phỏng vấn thất bại là kiểu “một chiều”, nghĩa là chỉ có nhà tuyển dụng hỏi và ứng viên trả lời. Thực tế, nhiệm vụ của ứng viên là hồi đáp nhưng không vì thế mà bị “cấm” hỏi.

Do vậy khi chưa thể đưa ra câu trả lời ngay lập tức, hãy hỏi nhà tuyển dụng những điều giúp làm rõ điều được hỏi. Chẳng hạn, “Có phải anh/chị muốn nghe một ví dụ cụ thể chứng minh việc tôi hỗ trợ đồng nghiệp trong nhóm hoàn thành công việc phải không?”

Trong lúc nhà tuyển dụng giải thích rõ hơn câu hỏi này, có thể bạn cũng sẽ nghĩ ra ý tưởng cho câu trả lời. Lưu ý rằng câu hỏi của bạn nên được suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra vì nếu đó là những điều không liên quan hoặc đã nói rõ từ trước thì bạn đang đánh mất cơ hội của mình.

3. Hãy thành thật một cách khôn ngoan

Sẽ không ai thích một người dối trá và ngụy biện nhưng khôn ngoan thì là chuyện khác. Giả sử bạn ứng tuyển cho công việc liên quan đến tài chính và được hỏi “Vốn lưu động là gì? trong khi bạn không có ý tưởng gì. Lúc này, chắc chắn câu trả lời “Đó không phải là khái niệm tôi thực sự hiểu rõ nhưng tài chính là lĩnh vực tôi rất yêu thích và tôi cũng đang tích cực tìm hiểu thêm” sẽ tinh tế hơn kiểu trả lời thẳng thắn “Tôi không biết”.

Thái độ của bạn khi đối diện vấn đề sẽ nói lên tính cách con người, và đây là điểm mà bất kì doanh nghiệp nào cũng lưu tâm. Ai cũng muốn có một nhân viên đủ cả “tâm, tài, và đức”. Sẽ không ai bắt ép bạn phải trả lời hoặc đáp án buộc phải hoàn toàn chính xác nhưng cách bạn xử trí đã là lời hồi đáp thỏa đáng cho người đối diện.

4. Xin trả lời sau bằng email nếu không chắc chắn

Cuối cùng, nếu bạn thực sự không thể trả lời câu hỏi ngay lập tức thì hãy xin phép trả lời bằng email sau đó. Một đáp án được suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng sẽ tốt hơn là sự vội vàng, tự tin quá mức. Trường hợp bạn không thể tìm ra lời giải, hãy cứ gửi email phản hồi. Tuyệt đối đừng im lặng vì nếu bạn “lặn mất tăm” sẽ khiến mọi cố gắng của bạn trước đây đều đổ sông đổ biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử khi “bí” câu trả lời phỏng vấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.