Theo dõi Báo Hànộimới trên

5 điều cần cân nhắc khi bổ nhiệm người trẻ tuổi làm quản lý

Tiến Huy| 28/06/2019 09:14

Người quản lý thường đóng vai trò mấu chốt trong quá trình dẫn dắt, điều hành một tập thể, vì vậy việc lựa chọn và bổ nhiệm quản lý cần nhiều sự cân nhắc và suy xét, nhất là khi bổ nhiệm vị trí quản lý là một người trẻ tuổi.


Chia sẻ về chủ đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty Tuyển dụng và Tìm kiếm việc làm CareerLink gợi ý 5 điều cần cân nhắc khi bổ nhiệm người trẻ tuổi làm quản lý, mời bạn tham khảo.

Năng lực chuyên môn và năng lực quản lý

Nếu như năng lực chuyên môn là điều kiện cần thì năng lực quản lý lại là điều kiện đủ và không thể tách rời. Sở dĩ cần cân nhắc điều này là dựa vào tính đặc trưng của bộ phận không nhỏ người trẻ hiện nay với “hàng tá” bằng cấp, chứng chỉ trên tay, kiến thức chuyên môn sâu rộng nhưng lại không thể cất nhắc cho vị trí quản lý vì thiếu năng lực lãnh đạo. Năng lực lãnh đạo nằm ở khả năng lập kế hoạch, vận hành bộ máy nhân lực một cách tối ưu, thích nghi với sự thay đổi bất ngờ… Không ít trường hợp vì xem nhẹ những kỹ năng này khi bổ nhiệm quản lý đã gây ra tình trạng lục đục nội bộ, mất thời gian và ảnh hưởng đến quá trình làm việc chung.

Mức độ tin cậy từ đồng nghiệp xung quanh

Sự tin cậy thể hiện ở nhiều mặt và nếu để ý sẽ rất dễ thấy được liệu người bạn định thăng chức có nhận được sự tin tưởng từ đồng nghiệp và mọi người xung quanh hay không. Một người trẻ được xem là đáng tin cậy khi họ luôn có được sự quan tâm và ủng hộ trong các cuộc họp chuyên môn. Có thể không đòi hỏi được tuyệt đối sự đồng thuận, nhưng thông qua cách họ phối hợp với nhau trong các dự án, hoặc khi hỏi kín ý kiến một nhân viên “Anh/chị nghĩ như thế nào nếu anh/chị A lên làm quản lý?” sẽ giúp bạn có thêm nhiều nguồn tham khảo hơn cho quyết định của mình.

Đạo đức nghề nghiệp

Đây là một trong những yếu tố không thể nào bỏ qua ngay cả khi người trẻ đáp ứng các yêu cầu phía trên. Đạo đức nghề nghiệp thể hiện thông qua tính công tư phân minh, rạch ròi minh bạch trong quản lý nguồn tài sản, của công. Bên cạnh đó cần cân nhắc lối sống ngoài công sở, nếu ứng viên không thể đảm bảo tuân thủ các quy tắc chuẩn mực xã hội thì chắc chắn rất khó để được lựa chọn cho vị trí quản lý trong công ty, doanh nghiệp.

Thử thách thực tế

Đôi khi những tiêu chí lý thuyết chưa thực sự đáp ứng và làm thỏa mãn, đây là lúc bạn suy nghĩ đến việc tạo cơ hội để ứng viên thử thách trong môi trường thật, việc thật. Có thể một tháng, hoặc hai tháng cho việc thực hiện tất cả các công việc, quy cách, hành vi của một người quản lý thực thụ trong phạm vi phòng, ban. Điều này tuy hơi khó thực hiện nhưng mang lại hiệu quả tham chiếu cao khi mà thông qua các chỉ số cũng như phản hồi, bạn sẽ có những đánh giá mang tính cơ sở và thuận tiện trong việc so sánh hiệu quả năng lực quản lý giữa các ứng viên.

Bảo đảm kế hoạch dài hạn

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là kế hoạch dài hạn trong mỗi tập thể, doanh nghiệp. Dựa vào đặc thù và tình hình phát triển, mỗi tập thể sẽ cần quản lý ở mỗi giai đoạn và thời gian hoàn toàn khác nhau. Vì thế bạn cần bảo đảm ứng viên đang được cân nhắc sẽ gắn bó với công ty trong thời gian dài. Điều này giúp bạn hạn chế các trường hợp những người trẻ ưa khám phá, thay đổi bằng cách nhảy việc, gây ảnh hưởng đến bộ máy chung vì quá trình tìm kiếm nhân sự và bổ nhiệm mới lại phải được tiến hành.

Trên đây là 5 điều cân nhắc khi bổ nhiệm người trẻ làm quản lý. Hy vọng thông qua bài viết trên sẽ giúp bạn có đầy đủ cơ sở hơn trong việc lựa chọn ra ứng viên phù hợp nhất cho vị trí quản lý cần tìm. Chúc bạn thành công!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
5 điều cần cân nhắc khi bổ nhiệm người trẻ tuổi làm quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.