Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng

Gia Bảo| 03/08/2016 06:48

(HNM) - Các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái (quận 2, TP Hồ Chí Minh) luôn trong tình trạng quá tải khi mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe ô tô phải xếp hàng cả cây số chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để lưu thông. Đáng nói, thực trạng này ngày càng tái diễn với quy mô và cấp độ nghiêm trọng hơn, nhưng các cơ quan chức năng


Nỗi ám ảnh... kẹt xe

Tài xế Trần Tiến Luật (thuộc Công ty Vận tải Lâm Vinh, quận 4) giãi bày, nếu như trước kia xe lưu thông từ cảng Lotus (quận 7) qua cầu Phú Mỹ - đường Vành đai 2 - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội - về cảng Kho vận Sotrans ICD (quận Thủ Đức) chỉ mất khoảng 45 phút thì nay trung bình mỗi xe cũng phải chạy khoảng từ 3 đến 5 giờ đồng hồ. “Chôn chân tại các điểm "nóng" kẹt xe này hàng giờ, nhiều lúc chúng tôi phải chuẩn bị võng, thức ăn lẫn nước uống để cầm cự…”, tài xế Trần Tiến Luật ngán ngẩm nói.

Hạ tầng giao thông quanh cảng Cát Lái hiện đã quá tải.



Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Vận tải Lâm Vinh cho hay, tình trạng kẹt xe quá khủng khiếp, không chỉ ám ảnh cho giới tài xế mà các đơn vị vận tải cũng mất ăn, mất ngủ. Công ty Vận tải Lâm Vinh có 50 xe đầu kéo sơ mi rơ moóc hoạt động, chỉ tính riêng tiền nhiên liệu trung bình mỗi ngày thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Doanh thu hằng tháng cũng giảm từ 20 đến 30% so với trước đây. Từ đây, tác động dây chuyền đến thu nhập hằng tháng của người lao động, làm chậm kế hoạch giao nhận hàng, giảm sút uy tín với khách…

Theo Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, nếu như trước đây có khoảng trên 10.000 lượt xe lưu thông ra vào cảng Cát Lái/ngày đêm, thì nay trung bình có 17.000 xe/ngày đêm, cao điểm lên đến 19.000 đến 21.000 xe/ngày đêm. Cụ thể, lượng xe ra vào cảng Cát Lái bình quân tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, hằng ngày có hơn 2.700 lượt xe hàng rời (tăng 15,3%) và 455 lượt xe ô tô con (tăng 2,5%) ra vào cảng. Bên cạnh đó, lượng hàng chuyển về cảng Cát Lái từ cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và cảng Cái Mép TCIT, TCTT (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tăng lần lượt 64% và gần 23% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến, từ giờ đến cuối năm 2016, tổng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái sẽ tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2015. Theo quy hoạch đến năm 2020, năng lực hàng hóa thông qua cảng Cát Lái đạt khoảng 36 triệu tấn/năm nhưng đến năm 2015 đã lên đến 49 triệu tấn/năm.

Trước bức xúc và những đóng góp của các bên liên quan, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất lập tổ công tác liên ngành (gồm các đơn vị: Cảng Cát Lái, chính quyền và Công an quận 2, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Sở GT-VT…) nhằm kiểm tra thực tế và đưa ra các phương án giải quyết cấp bách tình trạng kẹt xe khu vực cảng Cát Lái.

Khi nào mới hết kẹt xe?

Nêu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh) cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng xe ô tô tải và đầu kéo sơ mi rơ moóc đăng ký mới tại TP Hồ Chí Minh tăng lên 83% so với cùng kỳ năm 2015. Hàng chục nghìn lượt xe ra vào cảng Cát Lái/ngày đêm nhưng gần như chỉ có 1 tuyến đường, chưa kể số lượt xe ra vào tăng, mà đường sá lại không được mở rộng thì ùn tắc là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, những tuyến đường ra vào các cảng biển tại TP Hồ Chí Minh hiện chủ yếu lưu thông 2 làn đường, trong những trường hợp khẩn cấp như kẹt xe thì sẽ không có làn đường nào thoát, một xe bị sự cố sẽ kéo theo hàng loạt xe "vạ lây"…

Trước thực trạng trên, ông Ngô Minh Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (đơn vị quản lý cảng Cát Lái) cho hay, thời gian tới, Tổng công ty sẽ rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục vào cảng Cát Lái. Dự kiến quý IV-2016, cảng Cát Lái sẽ bắt buộc 100% xe chở container vào cảng phải làm thủ tục trước trên mạng để tránh việc dừng đậu chờ trước cổng.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, trước hết, cần đưa ra phương án thực hiện giao nhận hàng qua cảng Hiệp Phước và Cái Mép - Thị Vải nhằm chia sẻ cho việc giao nhận hàng hóa tại cảng Cát Lái. Bên cạnh đó, điều phối hàng hóa qua cảng Cát Lái cần hạn chế vào giờ cao điểm. Đồng thời, Tân Cảng Sài Gòn cần bố trí mở rộng thêm các điểm làm thủ tục ra vào tại các cổng để phân bố lượng xe hợp lý, mặt khác, mở các làn ưu tiên tại các cổng cho xe đã làm xong thủ tục. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nút giao khác mức tại vòng xoay Mỹ Thủy; mở rộng và xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch; đẩy mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan.

Cũng có ý kiến cho rằng Sở GT-VT cùng sở, ngành liên quan cần đề xuất phương án mở thêm tuyến đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2 (giao đường Đồng Văn Cống), nhằm san sẻ lượng xe lưu thông từ các cảng thuộc địa bàn quận 2 và quận 9. Tượng tự, ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần mở rộng và nối thẳng đường Vành đai 2 xuống các cảng thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, khi đó tuyến đường ra vào cảng Cát Lái sẽ được giảm tải nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.