Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Phạt nguội” vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè: Sẽ hết “nhờn” luật?

Tuấn Lương| 22/01/2018 07:08

(HNM) - Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý dứt điểm vi phạm, tình trạng

Và để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý dứt điểm vi phạm, tình trạng "nhờn luật", mới đây, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện đã kiến nghị thành phố cho phép "phạt nguội" vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè qua hình ảnh.


Hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên tuyến phố Trần Phú, quận Hà Đông (Ảnh chụp chiều 21-1-2018). Ảnh: Anh Tuấn


Vẫn còn bất cập

Theo Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, dừng đỗ xe vẫn diễn ra khá tùy tiện. Thành phố đã tổ chức nhiều đợt cao điểm ra quân giải tỏa nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. “Người ta thường ví việc xử lý trật tự đô thị như "đá ném ao bèo", khi ra quân cao điểm thì gọn gàng, ngăn nắp, nhưng khi lực lượng rút đi thì người dân lại tái lấn chiếm” - ông Viện nhận xét.

Từ thực tế những lần đi kiểm tra, cá nhân Giám đốc Sở GT-VT Vũ Văn Viện đã chứng kiến không ít những hình ảnh rất phản cảm. Xe dừng đỗ sai quy định, Cảnh sát giao thông gọi loa nhiều lần nhưng chủ xe ngồi uống nước ngay bên kia đường bất hợp tác với cơ quan chức năng cho tới khi xe cẩu phương tiện được điều tới mới xuất hiện. Tình trạng lái xe vi phạm không chịu xuất hiện hoặc cố tình đóng cửa xe bỏ đi chỗ khác gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng, từ đó dẫn tới hiệu quả xử lý không cao.

Có thể thấy, việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán dưới bất kỳ hình thức nào cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, đây đó đã xuất hiện cảnh giằng co tang vật vi phạm giữa những người đi xử lý với đối tượng bị xử lý ngay trên những tuyến phố đông người qua lại. Hay như nhiều quán bán bia hơi, bán phở... ngay trên những tuyến phố trung tâm của quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng..., lực lượng chức năng hằng ngày chạy xe qua nhắc nhở, yêu cầu chấp hành quy định về trật tự đô thị, thậm chí tịch thu vài chiếc bàn, chiếc ghế... nhưng sau khi lực lượng chức năng đi khỏi, quán lại kê bàn, ghế lấn chiếm hè phố như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trang bị camera di động cho lực lượng chức năng


Vỉa hè khu vực số 70 phố Trường Chinh (quận Đống Đa) bị chiếm dụng để trông xe và bán hàng. (Ảnh chụp chiều 21-1-2018). Ảnh: Anh Tuấn


Tại hội nghị giao ban quý IV-2017 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã mới đây, lần đầu tiên, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội Vũ Văn Viện kiến nghị thành phố cho phép sử dụng hình ảnh camera để “phạt nguội” vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh đề xuất này, ông Vũ Văn Viện nhấn mạnh: Hình thức xử phạt này đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 165/2013/NĐ-CP cho phép sử dụng thiết bị kỹ thuật để ghi nhận những vi phạm làm căn cứ để cơ quan chức năng lập biên bản xử lý hành chính.

Ngoài ra, còn một số văn bản quy phạm pháp luật khác, như Pháp lệnh xử phạt hành chính... Nói chung, về cơ bản hành lang pháp lý để thực hiện việc này đã khá đầy đủ. Hiện chúng ta cũng đã tổ chức “phạt nguội” qua hệ thống camera được bố trí tại các nút giao thông, các tuyến đường. Trên các tuyến cao tốc cũng đã sử dụng hệ thống camera giám sát để ghi nhận các lỗi vi phạm, trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có thể mời các đối tượng vi phạm tới lập biên bản xử lý. Cách làm này vừa tăng tính răn đe, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, vừa nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.

Theo ông Vũ Văn Viện, để áp dụng hình thức "phạt nguội" trong quản lý trật tự đô thị, có thể trang bị camera cho công an, thanh tra GT-VT cấp quận, huyện, phường, xã, ghi nhận những lỗi vi phạm của các chủ phương tiện cũng như các hộ kinh doanh. Căn cứ vào đó mời các đối tượng đến tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết không tái diễn vi phạm. Sau đó, nếu vẫn tái phạm sẽ lập biên bản xử lý. Như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả xử lý và tránh được tình trạng ra quân nhưng không có lực lượng duy trì, hiệu quả xử lý không cao, dẫn tới “nhờn” luật. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người thực thi công vụ tại các địa phương cũng được nâng cao, không cơ quan, đơn vị nào có thể viện lý do không đủ lực lượng, phương tiện nên để xảy ra vi phạm trên địa bàn quản lý. Cơ quan cấp trên cũng dễ dàng kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của chính quyền sở tại, từ đó góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Đề cập vấn đề nguồn kinh phí, lãnh đạo Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, chắc chắn sẽ không lớn. Mỗi phường chỉ cần trang bị 2-3 camera di động cho cảnh sát trật tự ghi lại hình ảnh nhà hàng, những điểm vi phạm để xử lý. Như vậy cũng không phải huy động quá nhiều lực lượng để quản lý địa bàn. Quan trọng nhất là thống nhất được chủ trương; ban hành được quy chế phân công trách nhiệm cụ thể và tuyên truyền, vận động để nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định, tự giác không lấn chiếm hè, đường.

Có thể thí điểm việc này ở một số khu vực, sau đó xem xét nhân rộng. Sở GT-VT Hà Nội cũng đang nghiên cứu thí điểm trang bị cho lực lượng Thanh tra GT-VT ở mỗi đội 1 camera để ghi nhận vi phạm về trật tự đô thị, việc dừng đỗ xe trái phép, xử lý xe quá khổ, quá tải. Trong khi chưa xử lý được thì có thể công khai các vi phạm này trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của sở để nhắc nhở. Còn nếu tiếp tục vi phạm thì sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Như vậy, có thể trị dứt điểm bệnh "nhờn luật".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Phạt nguội” vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè: Sẽ hết “nhờn” luật?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.