Theo dõi Báo Hànộimới trên

Toàn cảnh hầm Cù Mông 4.000 tỷ nối Bình Định - Phú Yên

Theo Minh Hoàng/Zing| 04/02/2019 08:54

Hầm đèo Cù Mông được đưa vào vận hành khai thác trước Tết Kỷ Hợi 2019 góp phần giảm thiểu tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.


Dự án hầm đường bộ xuyên đèo Cù Mông dài hơn 6,6 km, trong đó phần hầm dài gần 3 km. Từ trên cao, công trình hầm Cù Mông nằm dưới chân núi bên cạnh cung đường đèo ngoạn mục nối Bình Định - Phú Yên. Hầm vừa được khánh thành đưa vào khai thác cuối tháng 1 vừa qua.

Tuyến đường đèo Cù Mông quanh co, gấp khúc nguy hiểm bên công trình mới đưa vào khai thác. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, công trình hoàn thành đưa vào khai thác góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và khu vực Nam Trung Bộ.

Sau khánh thành, đây là hầm đường bộ dài thứ ba ở Việt Nam, sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28 km) - khánh thành tháng 6-2005 và hầm Đèo Cả (dài hơn 4 km) - thông xe tháng 7-2017. Việc đưa công trình vào hoạt động giúp các phương tiện tránh cảnh lưu thông trên cung đường đèo đầy nguy hiểm, thời gian rút ngắn từ 30 phút xuống chỉ còn 6 phút.

Dự án hầm xuyên đèo Cù Mông còn có hai đường dẫn phía bắc đầu Bình Định và phía nam Phú Yên với tổng chiều dài hơn 4 km. Theo chủ đầu tư, tuyến hầm ngoài việc rút ngắn quãng đường (thay vì đi đường vòng hơn 9 km so với hiện nay) còn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên "cung đường đen" quốc lộ 1 đoạn giữa Bình Định và Phú Yên.

Công trình áp dụng phương pháp đào hầm của Áo, được thực hiện bởi đội ngũ kỹ sư, công nhân có nhiều kinh nghiệm, đã từng đảm nhận xây dựng thành công hầm Đèo Cả, Cổ Mã trước đây. Chủ đầu tư chú trọng trong việc tạo cảnh quan phù hợp với văn hóa, lịch sử, tạo điểm nhấn bằng việc phát động cuộc thi thiết kế. Cửa hầm trồng nhiều cây xanh sinh thái, thân thiện với môi trường.

So với đèo Cả, địa chất ở khu vực thi công hầm đèo Cù Mông phức tạp hơn, với tầng đá bị phong hóa mạnh. Đơn vị tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) lập dự án khảo sát đã phát hiện địa chất nơi đây có nhiều đới đứt gãy. Để tránh những đới đứt gãy địa chất lớn, các chuyên gia, kỹ sư buộc phải thi công theo đường cong vòng cung nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt trượt đất, đá.

Hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy và hộp điện thoại báo cháy được trang bị trong hầm.

Hệ thống cánh quạt hút bụi, thông gió. Thông qua hệ thống camera kết nối với các màn hình, nhân viên vận hành ở trung tâm giám sát được tốc độ của các phương tiện và một số tình huống xảy ra cháy nổ, cứu hộ cứu nạn, sự cố mất điện... để ứng phó khắc phục kịp thời.

Lực lượng cứu hộ, phòng cháy chữa cháy thay phiên nhau túc trực 24/24h đảm bảo an toàn. Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 là năm đầu tiên công trình hầm Cù Mông đưa vào khai thác nên hàng trăm kỹ sư, công nhân túc trực "ba ca, bốn kíp" làm việc trên công trường.

Cửa hầm phía Nam thuộc địa phận tỉnh Phú Yên. Phía trước cửa hầm có cột biển báo quy định tốc độ cho các phương tiện qua lại từ 40 đến 60 km/h.

Các kỹ sự giám sát hệ thống camera giao thông thông minh tại Trung tâm vận hành hầm Cù Mông. Lần đầu tiên đón Tết xa nhà, kỹ sư Nguyễn Huy Hưng (38 tuổi, ngụ Đà Nẵng) được điều động từ Trung tâm vận hành hầm Hải Vân vào hỗ trợ. "Dù đón Tết xa vợ, con nhưng được góp sức trẻ của mình cho mùa xuân, công trình quy mô lớn của đất nước tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào. Sau Tết, thay ca tôi trở về đón Tết muộn cùng gia đình", anh Hưng thổ lộ.

Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, cho biết công trình hoàn thành sau hơn ba năm thi công, vượt tiến độ gần ba tháng và không đội vốn. Đơn vị quản lý sẽ thu phí sau Tết Nguyên đán để người dân có thời gian trải nghiệm chất lượng hầm Cù Mông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Toàn cảnh hầm Cù Mông 4.000 tỷ nối Bình Định - Phú Yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.