Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết "bài toán" ùn tắc giao thông: Vừa xóa điểm "nóng", vừa tính dài hơi

Tuấn Lương| 21/06/2019 06:22

(HNM) - Từ nay đến cuối năm 2019, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường; lắp thêm đèn tín hiệu và tổ chức lại giao thông ở nhiều nút giao... nhằm mục tiêu xử lý thêm được 8-10 điểm

Dự án xén dải phân cách mở rộng đường Vành đai 3 đoạn nút giao Giải Phóng, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Quang Thái


6/33 điểm ùn tắc được xử lý

Nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) và nút giao Nguyễn Khang - cầu 361 (quận Cầu Giấy) đã từng là những điểm ùn tắc kinh niên của Thủ đô. Tuy nhiên, sau khi thành phố thực hiện điều chỉnh phương án tổ chức giao thông, tăng cường lực lượng chốt trực, đến nay, tình trạng ùn tắc tại hai điểm này đã cơ bản được giải quyết, người dân đi lại thuận lợi.

Trước đó, trong những ngày đầu năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã triển khai dự án xén hè mở rộng đường Láng (đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở) với chiều dài khoảng 4km. Sau khi vỉa hè được thu lại, mặt đường được mở rộng thêm trung bình 3,5m; cùng với đó, một tuyến đường rộng 4m dành cho người đi bộ, đi xe đạp được làm mới ngay sát bờ sông Tô Lịch.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, thời gian nửa đầu năm 2019, đã có 6/33 điểm ùn tắc giao thông được xử lý. Sở đặt mục tiêu giải quyết thêm 8-10 điểm ùn tắc từ nay đến cuối năm.

Từ cuối tháng 5-2019, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tiếp tục tiến hành xén dải phân cách trên đường Vành đai 3, đoạn nút giao Giải Phóng - Vành đai 3 đến ngã ba Bùi Huy Bích (quận Hoàng Mai). Tại dự án này, đơn vị thi công xén hơn 300m dải phân cách để mở rộng 2-2,3m lòng đường. Cùng với đó là mở thêm làn đường rẽ phải từ đường Vành đai 3 dưới thấp vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Ông Mai Chí Công, chỉ huy đơn vị thi công tại đây cho biết, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng việc đi lại của người dân, nhà thầu tập trung thi công trong phần rào chắn vào ban ngày và vận chuyển đất, nguyên vật liệu… vào ban đêm. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9-2019 nhằm góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam Hà Nội.

“Chúng tôi rất ủng hộ và mong đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án nhằm giảm ùn tắc trên tuyến đường này", ông Nguyễn Thanh Bình (nhà số 45, đường Pháp Vân, quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Cùng với việc cải tạo hạ tầng, thành phố đang nghiên cứu lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu kết hợp tổ chức lại giao thông tại những nút giao thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm như nút Cầu Giấy - Trần Đăng Ninh, Dương Đình Nghệ - Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy), Lưu Khánh Đàm - Phúc Lợi - Mai Chí Thọ (quận Long Biên), Lê Trọng Tấn (Km3+970) - Cổng số 3 Khu đô thị mới Geleximco (quận Hà Đông)...

Kiên trì các giải pháp

Tuyến đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Nam Khánh


Khẳng định công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý ùn tắc luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, hằng năm, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cho UBND thành phố danh mục đầu tư hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên cơ sở ưu tiên các vị trí nút giao thường xuyên ùn tắc, có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, các vị trí kết nối giữa các đường trục chính với đường liên khu vực...

Tuy nhiên, những việc làm kể trên là những giải pháp mang tính cấp bách. Về lâu dài, để giải quyết hiệu quả “bài toán” ùn tắc giao thông, thành phố vẫn kiên trì tập trung vào các giải pháp trọng tâm như đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khung; phát triển mạng lưới giao thông công cộng... Cụ thể, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, các chủ đầu tư khác để tổ chức thi công và chuẩn bị đưa vào sử dụng một số dự án trọng điểm trên địa bàn Thủ đô như: đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy; tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... Đồng thời, có phương án kết nối hiệu quả giữa đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt nội đô...

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND (ngày 20-5-2019) thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-CP (ngày 19-2-2019) của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn thành phố. Trong đó, kế hoạch đã nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, mang tính bền vững để phát triển hệ thống giao thông - vận tải của Thủ đô. Đó là, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch bến, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành đề án thành lập Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng... Trong công tác tổ chức giao thông, Sở Giao thông - Vận tải phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tế và lưu lượng giao thông tại từng thời điểm.

Với nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án giao thông thông minh trong tổng thể đề án thành phố thông minh; xây dựng bản đồ giao thông theo thời gian thực để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông; tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trông giữ xe iParking trên địa bàn thành phố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết "bài toán" ùn tắc giao thông: Vừa xóa điểm "nóng", vừa tính dài hơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.