Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội xin đảm nhận vốn cho tuyến đường sắt đô thị số 5: Văn Cao - Hòa Lạc

Tuấn Lương| 01/10/2019 14:58

(HNMO) - Sáng 1-10, sau khi kiểm tra một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội...

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố chuyển dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn II từ hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) sang hình thức đầu tư công. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, thành phố sẽ tiến hành khởi công.

Thành phố cũng kiến nghị làm nốt đoạn từ nút giao Pháp Vân theo đường vành đai 3 qua khu Gamuda nhằm giảm ùn tắc cho nút giao thông Pháp Vân. Với hai cây cầu Tứ Liên và cầu Mễ Sở, thành phố đang nghiên cứu để triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng báo cáo với Phó Thủ tướng về quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị. Đáng chú ý, tuyến số 5 từ Văn Cao - Hòa Lạc (dài 37,5km), ước tính vốn đầu tư khoảng gần 70.000 tỷ đồng. Thành phố kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương vào kỳ họp tháng 5-2020. Nguồn vốn cho dự án này sẽ do thành phố đảm nhận, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội có cơ chế để thành phố sử dụng các nguồn vốn, từ nguồn vốn cổ phần hóa, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phân bổ sang. Đồng thời đề xuất đấu thầu và giao cho các đơn vị tư nhân thi công theo phương án tổng thầu rồi bàn giao lại cho thành phố khai thác.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong 10 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này, Hà Nội đã có bước tiến nhanh về phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy và nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô cũng như nâng cao hình ảnh của đất nước.

Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang đứng trước những thách thức lớn do xu hướng tập trung hóa đô thị, gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, làm nảy sinh nhiều vấn đề như ùn tắc giao thông; môi trường ô nhiễm; ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, sức khỏe và thu nhập của người dân.

Trước mắt, Chính phủ yêu cầu thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm và có các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này về lâu dài.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để bổ sung, điều chỉnh phù hợp; phát triển đô thị thông minh; kiểm soát dân số nội đô; xây dựng nhà ở theo quy hoạch; có hệ thống hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu ăn ở, làm việc, đi lại của người dân; tổ chức lại giao thông hợp lý... Trên cơ sở quy hoạch, tiếp tục kế hoạch hóa đầu tư cho các giai đoạn đến năm 2025-2030. Trong đó xác định rõ từng dự án ưu tiên với cơ cấu nguồn vốn phù hợp.

Với các kiến nghị của thành phố, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan sớm phối hợp tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội xin đảm nhận vốn cho tuyến đường sắt đô thị số 5: Văn Cao - Hòa Lạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.