Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội lấy ý kiến về phân vùng hạn chế xe máy và thu phí ô tô vào nội đô

PV| 25/10/2019 11:59

(HNMO) - Ngày 25-10, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng hai đề án, bao gồm: “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” và “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Quang cảnh hội thảo.

Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ rõ thực trạng giao thông, đặc biệt là khu vực nội đô, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân, dẫn đến ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố có hơn 6,6 triệu phương tiện giao thông đường bộ; trong đó có khoảng 0,6 triệu ô tô các loại và 5,9 triệu xe máy. Phương tiện giao thông trong giai đoạn 2011-2018 bình quân: tăng 11%/năm đối với ô tô (ô tô con là 11,5%/năm), xe máy là 6,75%/năm.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng của hệ thống đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện giao thông dẫn tới quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường tăng lên. Trước tình hình đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng lộ trình nhằm hạn chế xe cá nhân một cách hữu hiệu; trong đó 2 đề án được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo này là rất quan trọng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Về Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, báo cáo tại hội thảo, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải – Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy chỉ khi hệ thông vận tải hành khách công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân. Để đảm bảo yêu cầu trên, đến năm 2030 cần đưa vào hoạt động 8 đoạn tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, 50.000-55.000 xe hợp đồng.

Theo đề xuất của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), việc từng bước hạn chế hoạt động của xe máy vào năm 2030 chỉ nên thực hiện trên các tuyến đường có năng lực hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy nhiên, cần xem xét kỹ việc ảnh hưởng tới các tuyến đường xung quanh; thực hiện dừng xe máy theo giờ và theo ngày trong tuần đối với các khu vực, tuyến đường lựa chọn. Cụ thể, trên các tuyến đường chỉ hạn chế trong khung giờ cao điểm. Các khu vực khác chỉ hạn chế trong khung giờ hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng (từ 6h-22h).

Về đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”, chuyên gia giao thông Đinh Thị Thanh Bình, giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Đối tượng thu phí là ô tô và phạm vi thu phí được xác định trên nguyên tắc theo đường vành đai khép kín. Việc lựa chọn vành đai nào cần dựa trên các kết quả đánh giá tác động và hiệu quả trong quá trình xây dựng đề án...

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp trong quá trình xây dựng đề án báo cáo UBND TP Hà Nội để đề án đảm bảo tính thực tế, khả thi, đi vào cuộc sống, tạo điều kiện đi lại thuận lợi nhất cho người dân…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội lấy ý kiến về phân vùng hạn chế xe máy và thu phí ô tô vào nội đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.