Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vinasun yêu cầu tòa án buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng

Hà Phạm| 22/10/2018 19:25

(HNMO) - Ngày 22-10, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày làm việc thứ tư trong vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và GrabTaxi.


Phiên xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và GrabTaxi.


Trình bày quan điểm trước Hội đồng xét xử, đại diện Grab một lần nữa cho rằng, Grab thực hiện đề án 24 (hay Quyết định 24 của Bộ Giao thông - Vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng) với tư cách cung ứng công nghệ hỗ trợ dịch vụ vận tải. Grab hợp tác kinh doanh với hơn 300 đơn vị kinh doanh vận tải, hợp tác xã (HTX) với số lượng xe lớn... Về việc khách hàng trả tiền, Grab chỉ thu hộ đối tác, hoặc khách hàng chuyển vào tài khoản đối tác theo thỏa thuận.

Trong khi đó, phía Vinasun giữ nguyên quan điểm cho rằng, Grab là công ty công nghệ, không được phép kinh doanh dịch vụ vận tải theo Quyết định 24. Thế nhưng, khi hoạt động, Grab lại kinh doanh vận tải taxi là trái với quy định cho phép. Cụ thể, Grab thực hiện việc điều động xe, xác định giá cước, thu cước phí, thưởng phạt tài xế...

Theo phía Vinasun, lợi thế giá rẻ của Grab còn dựa trên lợi thế doanh nghiệp này trốn thuế. Trong 3 năm 2014-2016, thực hiện hàng chục triệu cuốc xe, Grab chỉ đóng thuế 9,5 tỷ đồng, còn Vinasun đóng xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Từ đó, Vinasun đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Grab là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải là doanh nghiệp cung ứng phần mềm dịch vụ và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 41 tỷ đồng.

Nói về mức bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng mà Vinasun yêu cầu Grab, đại diện Vinasun cho hay, đơn vị này căn cứ vào hoạt động thua lỗ từ doanh nghiệp trong vận tải hành khách bằng taxi khi Grab hoạt động vận tải bằng taxi trái quy định. 


Trong khí đó, trả lời câu hỏi của Thẩm phán Lê Công Toại liên quan đến quy mô đầu tư, tình hình kinh doanh cũng như lợi nhuận từ hoạt động của Grab, ông Jerry Lim - đại diện Grab cho hay, hiện Grab hoạt động kinh doanh tại 8 nước với hơn 100 thành phố thuộc khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, từ năm 2014 đến nay, Grab chưa có lợi nhuận, còn năm 2018 chưa hết nên chưa thống kê được. Vốn điều lệ của Grab tại Việt Nam vẫn giữ ở con số 20 tỷ đồng.


Về phần cước phí và phân chia cước phí, chủ tọa đặt nhiều câu hỏi liên quan như: Căn cứ vào đâu để chia ra tỷ lệ chiết khấu giữa lái xe với Grab? Grab có quyền tăng hay giảm chiết khấu hay không? Dựa vào đâu để tài xế biết mức chiết khấu?... Theo đại diện Grab thì các đối tác vận tải và HTX vận tải sẽ đề xuất giá cước. Sau đó, giá cước chung của thỏa thuận này sẽ được lập trình và đưa ra mẫu chung trên hệ thống nền tảng công nghệ quản lý bằng các thuật toán dự đoán. Grab chỉ làm việc trực tiếp với các đối tác là HTX vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải. Trách nhiệm quản lý tài xế do các HTX, các đơn vị kinh doanh vận tải quản lý, Grab không có bất cứ gì liên quan đối với đối tác tài xế, không hợp đồng lao động...

Trong khi đó, theo chủ tọa phiên tòa, khi tòa làm việc với các HTX thì họ cho biết, không quyết định giá, giá do Grab quyết định, HTX không hưởng lợi nhuận nào từ dịch vụ vận tải, không mua bảo hiểm cho lái xe, không có trách nhiệm với hành khách khi sử dụng dịch vụ Grab... HTX chỉ có trách nhiệm liên đới về việc cấp phù hiệu cho xã viên.

Chiều cùng ngày, đại diện Grab yêu cầu tòa giám định lại kết quả và hủy bỏ kết quả giám định của Công ty cổ phần Thẩm định - Giám định Cửu Long (do tòa chỉ định giám định độc lập), vì cho rằng, đơn vị này không có năng lực giám định. Đồng thời, Grab cũng đề nghị với tòa rằng, đơn vị giám định mới phải có tầm cỡ quốc tế, chi phí giám định lại do Grab tạm ứng chứ không thanh toán.

Đáp lại lời yêu cầu, chủ tọa phiên tòa Lê Công Toại cho biết, Chánh án cấp cao đã từ chối giám định lại theo đơn khiếu nại của Grab trước phiên xét xử ngày 17-10-2018; đồng thời cho biết, chỉ có Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao hoặc Chánh án Tòa án Tối cao mới có quyền quyết định cho giám định lại hay không.

Dự kiến, vào 14h ngày mai (23-10), phiên tòa tiếp tục diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vinasun yêu cầu tòa án buộc Grab phải bồi thường hơn 41 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.