Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chân dung văn nghệ sĩ thời kháng chiến qua ống kính của Trần Văn Lưu

Hoàng Lân| 23/03/2018 13:07

(HNMO) - Nhân kỉ niệm 70 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của các hội Văn học nghệ thuật ngày nay, NXB Kim Đồng ra mắt cuốn sách ảnh “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu”.

Cuốn sách Văn nghệ và kháng chiến.


Sách ảnh “Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu” do các tác giả Nguyễn Huy Thắng, Trần Chính Nghĩa biên soạn với hai phần: Văn nghệ và kháng chiến; Để có một cái nhìn toàn cảnh về nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu. Cuốn sách hội tụ gần 300 bức ảnh nghệ thuật và tư liệu quan trọng nhất của Trần Văn Lưu về các gương mặt văn nghệ sĩ kháng chiến cũng như đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp.

Nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu được biết đến là “Người khắc ghi lịch sử văn nghệ kháng chiến”. Ông tham gia kháng chiến ngay từ buổi đầu và bắt đầu chụp các văn nghệ sĩ từ khi Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời.

Hòa mình với đời sống văn nghệ, hiểu rõ tâm hồn văn nghệ sĩ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ, Trần Văn Lưu đã lưu lại qua ống kính những chân dung văn nhân một thời, bằng tất cả những nét cá tính hào hoa và đặc biệt nhất.


Khó ai có thể quên những bức ảnh nổi tiếng, như bảy văn nghệ sĩ (gồm: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân) chụp trước trụ sở Hội Văn nghệ ở xóm Chòi (Thái Nguyên); các văn nghệ sĩ chia tay nhau lên đường ra mặt trận; hay hình ảnh kịch sĩ Thế Lữ hóa trang vào vai diễn; nhạc sĩ Văn Cao với cây đàn ghi ta; nhà văn Nguyễn Tuân ngậm tẩu; nhà văn Nguyễn Huy Tưởng suy tư khi nghĩ về gia đình.

Cuốn sách với độ dày gần 200 trang đã cho người xem thấy được không chỉ chân dung của những bậc văn nghệ sĩ nổi tiếng mà còn khắc hoạ được phần nào nét tính cách, cuộc sống dung dị và những trăn trở của họ trước thời cuộc.

Ít ai biết, tác giả của những bức ảnh tư liệu nghệ thuật đắt giá ấy chính là Trần Văn Lưu. Phải đến hàng chục năm sau khi những bức ảnh đó ra đời, cũng phải 15 năm sau ngày tác giả đi xa, cuốn sách ảnh này mới đến tay bạn đọc.


Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng chụp với vợ chồng nhà thơ Thế Lữ - Song Kim (ảnh chụp từ sách)


Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu là một cuốn sách ảnh không chỉ công phu trong tổ chức biên soạn, mà còn thăng hoa với những giá trị cốt lõi: giá trị tư liệu đắt giá - giá trị nghệ thuật điển hình.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định: “Cuốn sách, có thể nói, là một bộ sưu tập những bức ảnh vô cùng quý giá về nhiều gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng trong kháng chiến, và sau hòa bình lập lại, bên cạnh những bức ảnh khác giúp tái hiện bối cảnh họ đã sống và sáng tác hết sức cảm động. Đồng thời, cuốn sách cũng giúp ta thấy được cuộc đời và sự nghiệp của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, một sự nghiệp có thể còn chưa được đánh giá đúng mức, nhưng thật đáng trân trọng”.

Trong 200 trang sách ảnh khổ lớn, bạn sẽ gặp lại những gương mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu như Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng… sống trong không khí hào hùng của những năm tháng văn nghệ song hành với cuộc kháng chiến, đến những chi tiết đặc sắc: sinh hoạt trong kháng chiến, bệnh viện giữa rừng, một buổi chào cờ của Thiếu sinh quân…

Cuốn sách còn nhắc đến địa chỉ văn hóa 11 Hàng Bông, là nơi ở của gia đình nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, cũng là nơi rộng mở cho văn nghệ sĩ đến đàm đạo. Từ tình cảm bạn bè trân quý, cùng nhau trải nghiệm mọi vui buồn thời cuộc, ống kính của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu đã “bắt” được những khoảnh khắc vàng, bừng sáng cái tôi của mỗi gương mặt nghệ sĩ, lưu lại những chi tiết sống động nhất của hiện thực kháng chiến.

Cuộc kháng chiến của dân tộc đã lùi xa hơn nửa thế kỉ, nhưng gia tài gần 300 bức ảnh và tư liệu của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu có “thâm niên” chừng ấy thời gian, vẫn có giá trị thời đại quan trọng đối với nền văn nghệ Việt Nam nói riêng, với đời sống nghệ thuật nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân dung văn nghệ sĩ thời kháng chiến qua ống kính của Trần Văn Lưu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.