Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống sách lậu - Trách nhiệm không của riêng ai: “Cuộc chiến” còn lắm gian nan

Hạ Yến| 25/07/2019 11:14

(HNMCT) - Sai chính tả, in nhòe mờ, mất chữ, thiếu dấu, hình ảnh lem nhem..., cầm trên tay những cuốn sách đầy lỗi như thế, không ít người sẽ phàn nàn về cách làm cẩu thả, thiếu tôn trọng người đọc của đội ngũ xuất bản. Tuy nhiên, thực tế đây lại là sản phẩm của những dây chuyền sản xuất sách lậu siêu nhanh, mà hệ quả của nó thì người mua và các nhà xuất bản phải gánh chịu nhiều nhất. Thực trạng trên cho thấy "cuộc chiến" chống sách lậu vẫn còn không ít gian nan.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ sách lậu tại một cơ sở kinh doanh.

Nguy hại khôn lường

Từ đầu năm đến nay, liên tiếp những vụ sách lậu lớn được phát hiện, phần lớn là sách giáo dục. Từ sách tập viết cấp tiểu học, sách bài tập của cấp trung học cho đến sách tiếng Anh, tiếng Nhật, sách tin học đều bị in lậu. Các thủ đoạn in lậu ngày càng tinh vi, khó nhận biết hơn, đến mức sách giả đã đạt tới trình độ gần như sách thật, ngay cả những người trong nghề xuất bản lâu năm cũng chỉ có thể phát hiện ra các chi tiết có một chút sai lệch như bìa mờ nhạt hơn, trang giấy mỏng hơn, chữ in không sắc nét, mực in không đều ở các trang bìa lót, trang minh họa.

Đứng trước những cuốn sách “giả như thật”, người tiêu dùng càng khó lòng có thể nhận biết. Có lẽ chỉ khi đặt cả hai cuốn sách thật - giả để so sánh, đối chiếu mới có thể nhận ra được sự khác biệt. Bên cạnh đó, một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến sách lậu vẫn ngang nhiên tồn tại, cạnh tranh với sách thật là do không ít người đọc hiện vẫn có xu hướng chọn mua sách lậu, vì nó rẻ, có tỷ lệ chiết khấu cao hơn nhiều so với sách thật.

Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) cho biết, các sách in lậu cao cấp giống gần như y hệt sách thật, bao gồm cả logo của đơn vị phát hành sách, hiệu ứng chữ nổi hay ép nhũ, đến mức chính công an cũng không thể phân biệt mà phải đơn vị làm sách thật mới có thể nhận ra. Thậm chí để sắc nét hơn, các trùm in lậu đã cho sắp chữ lại để in hoàn toàn giống sách thật, nhưng do thiếu khâu đọc soát lỗi khiến sai sót chính tả, thiếu câu, mất chữ... xuất hiện ở rất nhiều trang nội dung,... mà người mua nếu chỉ đọc sơ qua thì khó có thể nhận ra.

Chị Hồng Cẩm (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã từng mua một cuốn sách giảm giá mang tên Sống Tiểu Cường ở một hội chợ sách cũ, sau khi về đọc thấy quá nhiều lỗi mới tìm hiểu lại, thì hóa ra tên cuốn sách thật là Sống như Tiểu Cường. Những lỗi này vô cùng nguy hại, đặc biệt với dòng sách y học về sơ cấp cứu, sách thuốc, hướng dẫn phòng bệnh..., chỉ cần sai một chữ, thiếu một dòng cũng có thể nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người đọc nếu áp dụng theo sách in lậu trong những tình huống khẩn cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành:

Những năm qua, hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đơn vị đã phát hiện nhiều vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc xử lý nghiêm các vi phạm có tác dụng răn đe đối với các đối tượng in lậu được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra của các đơn vị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị nhiều nội dung đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống in lậu, như: Tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động in, đặc biệt in không có quyết định xuất bản, in vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, in vượt quá số lượng...; bổ sung một số hành vi để có chế tài xử lý nhằm ngăn chặn hành vi in lậu.

Không quản lý phí, không thuế, không tiền bản quyền, không trả nhuận bút..., việc in sách lậu mang lại lợi nhuận “khủng” khiến không ít kẻ ham tiền mờ mắt, sẵn sàng tham gia vào mạng lưới in ấn, phát hành sách lậu. Thực chất, nhiều cuốn sách lậu chỉ được in trang bìa, còn trang ruột hoàn toàn là photocopy cho nên nhiều trang bị nhòe, mờ, lệch khung, gáy sách lỏng lẻo, xộc xệch, dễ bung, chất lượng giấy mỏng, dễ rách.

Để giảm chi phí in, khổ sách giả sẽ bị co nhỏ lại so với sách gốc, lề sách được xén tối đa, bìa thiếu tay gấp. Đặc biệt, sách lậu thường gây “ảo giác” giảm giá khiến không ít người đọc hào hứng “móc hầu bao” mà không hề biết rằng do giá in trên bìa sách lậu được đẩy cao hơn cả giá sách thật, nên dù có giảm giá, chiết khấu thì vẫn còn cao ngang, thậm chí nhiều hơn giá sách thật.

Theo ông Lê Thành Anh, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, xuất bản phẩm giáo dục bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng và mức độ công khai. Từ năm 2010 đến nay đã có hơn 500 nghìn bản sách, hơn 100 nghìn đĩa CD và gần 8 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước. Ngoài những sai sót về hình thức của sách, nguy hại hơn cả là xuất bản phẩm giáo dục bị sai lệch kiến thức, thiếu nét chữ, thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin. Sử dụng sách giáo dục giả, học sinh sẽ không truy cập được các tiện ích từ mã code của thẻ cào để khai thác các nguồn tài nguyên, dữ liệu online mà Nhà xuất bản cung cấp. Riêng đối với học sinh tiểu học, chất lượng in kém, loại giấy không tốt có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là thị lực.

Trách nhiệm không của riêng ai

Mặc dù những cảnh báo về sách lậu đã được đề cập nhiều nhưng các thủ đoạn in và phát hành sách lậu vẫn tiếp diễn ngày càng tinh vi hơn. Ngay đến cả mã số, mã vạch, thậm chí cả tem chống giả cũng bị... làm giả. Sách lậu được bày bán công khai lẫn với sách thật ở nhiều cửa hàng trên các “phố sách” Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Trần Quốc Hoàn, đường Láng... và giờ đây còn tung hoành trên nhiều sàn thương mại điện tử.

Công ty sách First News - Trí Việt sau khi nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về chất lượng nhiều cuốn sách của mình đã đơn độc điều tra thì nhận ra các cuốn sách này đều là sách giả, trong đó có nhiều cuốn được mua từ các hiệu sách lớn và các đơn vị bán sách online. Đặt ngẫu nhiên 128 đơn hàng mua sách từ một số các sàn thương mại điện tử bán sách online (có quay video từ khâu đặt sách đến khi nhận hàng, mở bao sách dưới sự chứng kiến của công ty giao hàng), thật bất ngờ tất cả số sách trên đều là sách in lậu, sách giả.

Hiện nay, phần lớn các sàn thương mại điện tử có kinh doanh sách như Lazada, Shoppee, Sendo... đều cho phép người bán đăng ký gian hàng online của mình, nhưng cũng chính bởi thế mà không kiểm soát được chất lượng sản phẩm của các gian hàng thuê lẻ. Ngay như ở Tiki, một thương hiệu kinh doanh sách online nổi tiếng, nếu bạn đọc không tinh ý để chọn lựa đúng sản phẩm Tiki Trading (nghĩa là do chính Tiki tự nhập hàng và phân phối) thì khả năng mua phải sách giả cũng khá cao.

Sách lậu cứ ngang nhiên tồn tại trong khi công tác phòng, chống in lậu lại gặp nhiều khó khăn, ngay từ khâu xác định sách giả - sách thật cho đến công tác điều tra, trinh sát địa bàn, chế tài xử lý... Đặc biệt, ý thức của không ít người dân trong lĩnh vực này còn chưa cao, thể hiện qua việc lựa chọn sách đơn giản, dễ dãi, còn lấy lý do thu nhập thấp để biện minh cho việc mua sách giả. Hệ quả của việc in, phát hành sách lậu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho đơn vị làm sách cũng như đối tác liên kết, mà còn làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của xuất bản Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ năm 2004, Việt Nam đã chính thức tham gia công ước Berne về sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, cũng từ đó nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trên thế giới đã được các đơn vị làm sách mua bản quyền để giới thiệu với bạn đọc trong nước. Song, không ít đối tác nước ngoài đã tỏ ra ngần ngại với vấn đề xuất bản phẩm in lậu tại thị trường Việt Nam. Nếu mỗi người dân không nâng cao nhận thức về vấn đề sách lậu và bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, thì cũng có nghĩa là tự chúng ta đang dần tước đi cơ hội được tiếp cận với kho tàng tri thức lớn của nhân loại qua các xuất bản phẩm. Chính vì thế, loại trừ các hành vi in ấn, phát hành xuất bản phẩm lậu giờ đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan hữu quan hay của các đơn vị làm sách, mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông

Hà Nội đã thanh tra theo kế hoạch: 3 doanh nghiệp in; thanh tra đột xuất 2 cơ sở phát hành; phối hợp đội liên ngành phòng, chống in lậu tiến hành kiểm tra 15 cơ sở in; kiểm tra theo đơn thư: 3 cơ sở in, gia công sau in, 1 cơ sở phát hành, 1 địa điểm giao nhận xuất bản phẩm. Thực hiện kiểm tra hoạt động phát hành xuất bản phẩm tại Phố sách 19 tháng 12, Hội chợ Xuất bản phẩm do Sở cấp phép. Qua đây, thanh tra đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 1.432 sản phẩm photocopy.

Bên cạnh đó, thanh tra Sở phối hợp với các lực lượng khác xử phạt vi phạm hành chính 2 đơn vị phát hành xuất bản phẩm 30 triệu đồng, tịch thu 241 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ  thể hiện nguồn gốc hợp pháp; xử lý xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm (không có hóa đơn chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp) với số lượng trên 524.000 bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống sách lậu - Trách nhiệm không của riêng ai: “Cuộc chiến” còn lắm gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.