Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bắt bệnh” chữ

Hoàng Thu Phố| 29/08/2019 10:27

(HNMCT) - Nhà văn Hồ Anh Thái nổi tiếng là người đọc nhiều, xem nhiều. Nhưng xem - nghe - đọc nhiều chắc cũng còn không ít người có chung thói quen này. Cái khác biệt ở Hồ Anh Thái, đó là ông nhớ lâu và liên kết, hệ thống, rồi viết thành những đoạn mà ông gọi đó là “sổ tay nghề văn”. Từ những trang viết ấy, tập Lang thang trong chữ được xuất bản, mang tới cho người đọc cảm giác ông như một thầy thuốc, bắt bệnh chữ nghĩa một cách cẩn trọng, đôi khi xét nét.

Mà xét nét chữ, với ai thì không, chứ với những người làm văn làm báo thì hẳn là rất cần. Nhất là những người viết trẻ. Sẩy một ly đi một dặm. Chữ nghĩa cẩn thận bao nhiêu cũng không thừa. Huống hồ, giờ trên báo, trên sách, trên tivi thấy xuất hiện nhiều nhầm lẫn trong cách dùng từ, lắm khi người viết lặp chữ, thừa chữ mà không biết.

Nhà văn Hồ Anh Thái dẫn ra tình trạng dùng chữ thừa trên truyền hình mà các biên tập viên, MC hay mắc phải, đó là khi dùng những cụm từ như: “Tái hiện lại”, “tái sinh lại”, “phục chế lại”, “hồi phục lại”, “bổ sung thêm”... Chữ “lại”, “thêm” đã bị lạm dụng, sử dụng sai khiến cho người ta thấy khó chịu. Nhà văn cũng chỉ ra trong nhiều cuốn sách đã xuất bản, chuyện chữ thừa lặp đi lặp lại: “Nhưng mặc dù vậy”, “nhưng tuy nhiên”, “nhà nghệ sĩ”, “ở bên trong nội tâm…”.

Hay chuyện dùng chữ “đoạt/đạt”, trong nhiều trường hợp cũng bị sử dụng lẫn lộn. Nhà văn cho rằng, trong một cuộc thi, như thi truyện ngắn của một tờ báo, thì các thí sinh phải giành giật nhau để đoạt giải, không phải là “đạt”. Nếu là yêu cầu một trình độ, ví dụ đòi hỏi tiếng Anh phải thông thạo, ta nói người ấy đạt đến trình độ thông thạo tiếng Anh. Nếu là giải thưởng do hội đồng chủ động bình xét, bất kể tác giả có ý định nhận giải hay không, ví dụ giải Nobel hằng năm, người nhận giải được gọi là người được trao giải Nobel. Ở một sắc độ khác cũng có thể nói nhà văn đoạt giải Nobel.

Cũng trên báo chí, nhà văn “nhặt sạn” khi gặp bản tin ở một thành phố nọ khi trời mưa to, đường phố bị ngập và phóng viên viết: “Con đường bị đóng cửa vì ngập nước”. “Hai đầu đường làm gì có cửa mà đóng nhỉ. Viết cứ trơn tay, trôi tuồn tuột đi, không kịp nghĩ” - nhà văn Hồ Anh Thái bình luận.

Theo nhà văn Hồ Anh Thái, biển ngôn ngữ mênh mông, biết mài giũa thì những ngôn ngữ ấy có thể đem đến ấn tượng mới mẻ. Người viết văn cũng nên biết tránh những từ mà đâu đâu cũng dùng như một thói quen, như một cái mốt thời thượng. Bởi ngôn ngữ là nơi khi ta tránh con đường này thì cũng đồng nghĩa với việc ta luôn có thể mở ra một con đường mới, mở ra khả năng mới.

Qua 68 đoạn sổ tay với nhiều dẫn chứng sinh động kết hợp giọng văn nhẩn nha, đôi khi giễu nhại, nhà văn Hồ Anh Thái cho độc giả thêm nhiều ngẫm nghĩ về cách dùng chữ. Ông chỉ ra “bệnh chữ” không chỉ trong việc dịch sách, mà cả chuyện dịch phim, dịch phụ đề phim; không chỉ ở người trẻ mà cả người già; những lẫn lộn, tréo ngoe khi kết hợp tiếng mẹ đẻ với ngôn ngữ nước ngoài. Không quá khi cho rằng, Lang thang trong chữ đã luận bàn, soi xét chữ nghĩa, thật sự hữu ích với những ai đang hằng ngày còn dùng tiếng Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bắt bệnh” chữ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.