Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà cho văn học trẻ phát triển

Hạ Yến| 24/10/2019 10:13

(HNMCT) - Thời nào và ở đâu cũng vậy, luôn tồn tại 2 dòng văn học tinh hoa, hàn lâm và đại chúng, bình dân. Mặc dù các cây viết trẻ của dòng văn học đại chúng có số lượng xuất bản “khổng lồ”, danh tiếng và nhuận bút đều chứa sức nặng đáng kể, nhưng vẫn có những nhà văn trẻ đeo đuổi những giấc mơ văn chương đích thực. Con đường đi đến đích rất nhiều gập ghềnh và kết quả còn phải chờ thời gian chứng minh, nhưng việc tạo không gian để văn học trẻ có thêm bệ phóng là điều cần suy nghĩ.

Độc giả đang đợi các sáng tác của các tác giả trẻ bởi chính họ mới tạo ra sự chuyển động đổi mới của nền văn chương.

Mở những lối đi mới

Xưa nay hiện thực vẫn luôn là chủ lưu trong các sáng tác văn học, nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, dòng văn học ngoài hiện thực bắt đầu nở rộ. Số lượng các tác giả trẻ 8x, 9x quan tâm đến dòng văn học ngoài hiện thực ngày càng nhiều, có thể kể đến những cái tên như Nhật Phi, Đặng Hằng, Hiền Trang, Phạm Thúy Quỳnh, Bùi Cẩm Linh, Phạm Bá Diệp... Lý giải về việc theo đuổi dòng văn học này, đã có những ý kiến cho rằng, người trẻ đang viết những thứ tách biệt với cuộc sống vì viết cái mình thích hơn cái bạn đọc muốn.

Nhận xét như vậy phiến diện và chưa đầy đủ, bởi văn chương nếu chỉ viết cái bạn đọc muốn thì chúng ta đã có dòng văn học giải trí, văn học thị trường phục vụ số đông. Đánh giá văn trẻ Hà Nội, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng số lượng tác giả tác phẩm phát triển mạnh, đã có sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác.

Song, nhà phê bình cũng thẳng thắn, một số nhà văn trẻ có quan niệm văn chương chưa thật ổn, nhiều cây viết ở trong tình trạng được đón chào nồng nhiệt nhưng lại dễ dàng bị lãng quên, hiếm có tác phẩm mang tính đột phá. Nếu nói một cách nghiêm túc, khách quan và công tâm nhất thì văn học trẻ Thủ đô hiện nay còn thiếu và yếu so với các thế hệ trước.

Tuy nhiên, với văn học trẻ, theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, thái độ của chúng ta cần thiết phải bình tĩnh, nghĩa là không vội lạc quan để rồi thất vọng, ngược lại cũng không vội bi quan để rồi quay lưng với họ.

Theo dõi các cuộc hội thảo văn chương và trên các phương tiện thông tin đại chúng, dễ dàng nghe được những lời thở dài lo ngại về đội ngũ viết trẻ hiện nay đã và đang sa đà vào dòng văn chương mì ăn liền, văn học thời trang dễ dãi, rẻ tiền. Cho nên, nhiều tác giả dù có sách bán đắt như tôm tươi cũng mới chỉ là người viết có sách xuất bản, chứ chưa phải là nhà văn.

Dường như định kiến khiến người ta đã mặc định gom tất cả các tác giả trẻ “vào cùng một rọ”, cho rằng xu hướng phi hiện thực chính của đội ngũ viết trẻ bởi vì một phần là do thiếu chất sống, thiếu trải nghiệm nên phải “bù” lại bằng trí tưởng tượng.

Nhà văn trẻ Hiền Trang khẳng định: “Tôi không biết tại sao vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam, người ta lại thường quy cho các tác giả phi hiện thực như chúng tôi là không có đủ trải nghiệm sống. Bạn có thể nhớ lại, nhân vật vĩ đại đầu tiên trong tiểu thuyết phương Tây là Don Quixote, một nhân vật hoàn toàn phi thực. Homer viết sử thi về những vị thần có phép màu. Shakespeare viết về những nàng tiên. Và cái thời mà tiểu thuyết cạnh tranh với hộ tịch, như Balzac, đã đi qua xa lắm rồi. Nằm ở cốt lõi của văn chương, không phải là vấn đề hiện thực hay siêu thực hay viễn tưởng, mà là ngôn từ”.

Thật vậy, ở phương Tây, dòng sách phi hiện thực có từ lâu, bắt nguồn từ chính các thần thoại, sử thi. Ở châu Á, cũng có thể nhìn thấy chất phi hiện thực ở những bộ tác phẩm nổi tiếng lâu nay như Tây Du ký hay truyện tranh Doreamon. Việt Nam cũng từng có các bộ truyện mang những yếu tố phi hiện thực trong các truyện về thần linh, tôn giáo... như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục.

Thực ra, sự “cách tân” trong đề tài của các tác giả trẻ hiện nay có phần nguyên nhân lớn đến từ chính bối cảnh, môi trường, điều kiện sống mà lớp trẻ đã trải qua. Thế hệ tác giả 8x, 9x sống trong hòa bình và ấm no, họ lớn lên với tivi, truyện tranh và game, trưởng thành cùng với internet.

Chính những không gian mới đa văn hóa, nhiều sắc màu mà các thế hệ trước không dễ gì hiểu được ấy thì 8x, 9x lại bắt nhịp và cập nhật rất nhanh, thậm chí coi đó như một phần trong cuộc đời của mình. Ở trong những không gian tưởng tượng siêu hình ấy, có thể họ còn được sắm vai và sống một cuộc đời ảo song song với cuộc đời thực.

Bởi thế mới có một Nhật Phi với giấc mộng trong Người ngủ thuê, một Đặng Hằng xuyên không về quá khứ trong Nhân gian nằm nghiêng, những thế giới kỳ ảo của Bùi Cẩm Linh, Đinh Phương, cấu trúc tác phẩm theo lối tiểu thuyết - từ điển của Thái Cường, yếu tố dã sử huyền sử trong truyện của Phạm Thúy Quỳnh, chất “trinh thám đen” của Đức Anh, hay đam mê theo đuổi dòng truyện tranh của tác giả Mạc Thanh Phương...

Và chính họ đã đang viết những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trẻ, minh chứng số lượng các đầu sách của dòng văn học ngoài hiện thực được giới thiệu về Việt Nam ngày một nhiều. Ngay cả các nhà văn Việt Nam không trẻ, như Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn, cũng đã “sản xuất” Chuyện xứ Liang Biang được viết theo lối phiêu lưu kỳ ảo phục vụ bạn đọc trẻ thời 4.0.

Những bước đi đầu tiên

Những cách tiếp cận mới trong văn chương đã thực sự được các tác giả trẻ Việt Nam tiếp nhận và khai thác với vô vàn những cái tên thể loại như kỳ ảo (fantasy), khoa học viễn tưởng (sci-fi), phản địa đàng (dystopia), hậu tận thế (post-apocalypse), “trinh thám đen” (noir fiction)...

Không đồng ý với ý kiến rằng “văn trẻ chưa đủ sáng tạo, chưa đủ dấn thân”, nhà văn trẻ Nhật Phi đặt ra câu hỏi vậy cái sáng tạo mà các thế hệ đi trước đòi hỏi ở văn trẻ hiện nay đang là gì, khi mà văn chương của chúng ta đang tiến rất gần đến với văn chương thế giới với đủ các thể loại, các đề tài đào sâu vào thế giới nội tâm bên trong con người, điều mà thế giới đang rất quan tâm? Tại sao chúng ta lại chỉ đòi hỏi các nhà văn trẻ phải đi về các vùng nông thôn, đi tới các khu công nghiệp..., trong khi nhiều cây bút trẻ của chúng ta đã bắt đầu trở thành công dân toàn cầu với những tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ? Chưa kể hiện nay, các hoạt động như trại sáng tác vẫn còn khá xa lạ với các cây bút trẻ, giải thưởng dành cho văn học trẻ chưa nhiều.

Dường như bấy lâu, trong cách viết và đọc của chúng ta đang có sự nghiêng lệch về hiện thực, do đó chúng ta dùng cái nhìn nghi ngờ, thiếu tin tưởng và khích lệ cho những trang viết ngoài hiện thực của các tác giả trẻ. Đây là những thể loại mà ở Việt Nam chưa có truyền thống hoặc người ta không tin rằng người Việt Nam có thể viết và viết tốt được thể loại này. Không dễ mở lòng tiếp nhận cái mới, vô hình trung rất nhiều người sẽ bị thiên kiến khi đánh giá, bình luận tác phẩm của các cây viết trẻ.

Và vì thế, các tác giả trẻ cũng co mình trong cộng đồng riêng. Ngay mở đầu buổi tọa đàm “Văn xuôi trẻ Hà Nội - Có gì ngoài hiện thực?”, nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu cũng đã “hoài nghi” hình như các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Văn học trẻ Hà Nội đã cảm thấy nhiều nhà phê bình hiện nay không đồng cảm được với họ.

Điều này có lẽ không chỉ ở trong văn học và các cây viết trẻ, mà chúng ta đang thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng về văn hóa trẻ hiện nay, từ đó dẫn đến việc không hiểu và không thừa nhận những cảm xúc, thế giới quan của người trẻ.

Các tác giả trẻ dường như đang thiếu không gian để được lắng nghe, được ghi nhận sự hiện diện. Những tiếng nói phi hiện thực của họ trên văn đàn cũng đang “thiếu các nhà phê bình dám đặt cược”.

Theo nhà văn Vinh Huỳnh, “một số tác phẩm của các tác giả trẻ được đánh giá là có chất lượng thì số lượng ấn bản lại khá ít ỏi, chưa được đón nhận rộng rãi ở Thủ đô khiến bắt đầu xuất hiện xu hướng Nam tiến.

Mở sân chơi cho các tác giả trẻ, tháng 7 vừa qua, CLB Văn học trẻ Hà Nội được thành lập với sự tham gia của gần 40 cây viết đang sống và làm việc tại Thủ đô. Với định kỳ sinh hoạt 2 tháng/lần tại Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm), CLB sẽ tổ chức các hoạt động giới thiệu tác phẩm mới; trao đổi, tọa đàm văn chương; thực hiện các đêm thơ nhạc; tổ chức các cuộc thi, chương trình tham quan thực tế sáng tác... đồng thời kết nối với các cơ quan báo chí, các nhà sách, nhà xuất bản để giới thiệu các tác giả, tác phẩm.

Hội Văn học Hà Nội hiện cũng đã kiến nghị thành lập lại Trường Viết văn Nguyễn Du, kiến nghị với Thành phố về cơ chế giải thưởng của Trung ương. Đây là những bước đi đầu tiên cho việc tạo đà để văn học trẻ được phát triển, như nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội đã mong mỏi, rằng: “Thế hệ trẻ viết văn “xóa sổ” chúng tôi sơm sớm. Sự xóa sổ ở mặt sáng tạo mới đem lại tương lai tươi sáng cho văn chương Hà Nội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà cho văn học trẻ phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.