Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới sự phát triển

ADMIN| 21/06/2003 08:16

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 36 (AMM-36) lần đầu tiên được tổ chức tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đã bế mạc ngày 17-6 và ra Thông cáo chung với nội dung chính như tăng cường liên kết trong nội bộ ASEAN cũng như với các bên đối tác nhằm nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế, tình hình chính trị khu vực, quốc tế, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS)... Thêm vào đó, hội nghị có dịp tụ họp đông đảo nhất các đối tác đối thoại của ASEAN, khẳng định vai trò và vị thế của tổ chức này.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 36 (AMM-36) lần đầu tiên được tổ chức tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) đã bế mạc ngày 17-6 và ra Thông cáo chung với nội dung chính như tăng cường liên kết trong nội bộ ASEAN cũng như với các bên đối tác nhằm nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế, tình hình chính trị khu vực, quốc tế, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (SARS)... Thêm vào đó, hội nghị có dịp tụ họp đông đảo nhất các đối tác đối thoại của ASEAN, khẳng định vai trò và vị thế của tổ chức này.

Thủ tướng Xin-ga-po Gô Chốc Tông đã từng phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội (ngày 15-12-1998) rằng: “Từ sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, một số đối tác của ASEAN tỏ ý nghi ngờ tương lai của tổ chức này và không coi trọng ASEAN như trước. Do đó, ASEAN cần giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn kinh tế và phát huy ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế để đấu tranh với các khu vực kinh tế khác như Khu mậu dịch tự do EU, Bắc Mỹ”. Nay tình hình đã hoàn toàn khác. Những biến động trên chính trường quốc tế mới đây, rồi đến dịch bệnh SARS đã khiến cho nền kinh tế thế giới sụt giảm nghiêm trọng, nhưng ASEAN vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định với mức tăng GDP của toàn khu vực là 3,6% vào năm 2002 (năm 2001 là 2,3%). Điển hình là Việt Nam với mức tăng trưởng dự báo năm 2003 của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đạt trên 7%. Bởi vậy, tại Hội nghị AMM-36 lần này, chủ đề chính được đưa ra bàn thảo là: “Tiến tới một cộng đồng kinh tế ASEAN liên kết và mở rộng với bên ngoài” đã thể hiện rõ nỗ lực của các thành viên ASEAN. Tại thông cáo chung, các thành viên của tổ chức đều đã nhất trí quyết tâm tiếp tục phát huy các giá trị và nguyên tắc cơ bản đã làm nên các thành tựu đáng kể hiện nay của ASEAN. Các nước đặc biệt coi trọng việc phát huy hơn nữa khả năng phục hồi nhanh chóng và sự hợp tác ASEAN theo tinh thần “các nước láng giềng cùng chung thịnh vượng” và “tự giúp mình”, đồng thời quyết tâm nỗ lực hơn nữa trong tiến trình liên kết kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển...

Với những thành công tại hội nghị, ASEAN đã và đang ngày càng củng cố vị trí, vai trò ở khu vực và trên trường quốc tế. Cho đến thời điểm này, sự hợp tác và đoàn kết trong ASEAN đã mang lại những hiệu quả nhất định. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Việt Nam đến hội nghị lần này với một hành trang rất lớn. Đó là việc Việt Nam tiếp tục tăng cường  ổn định chính trị - xã hội, kinh tế phát triển với mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, việc Việt Nam là nước đầu tiên khống chế hiệu quả dịch bệnh SARS, đóng góp nhiều kinh nghiệm với các nước ASEAN trong cuộc đấu tranh chống dịch bệnh này. Đó là những đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam đối với Hiệp hội...

Đối với ASEAN, kiên định con đường phát triển, kết hợp giữa tăng cường liên kết trong các nước thành viên với bên ngoài để hỗ trợ, bổ sung cho nhau đang là con đường, là mục tiêu phát triển. Việc Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và nhiều nước khác mong muốn tham gia Hiệp ước thân thiện và Hợp tác vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương càng khẳng định điều này. Vai trò chính trị mà ASEAN đang và sẽ tiếp tục phát huy ở châu Á - Thái Bình Dương là vai trò chủ đạo trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). ARF là diễn đàn an ninh đa phương chính thức duy nhất ở châu Á - Thái Bình Dương bao gồm tất cả các nước lớn có vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực.

Thời gian tới, các ngoại trưởng ASEAN nhất trí tập trung tăng cường củng cố đoàn kết, hợp tác trong ASEAN nhằm tạo thêm chất kết dính về chính trị, kinh tế, tiếp tục ưu tiên giải quyết vấn đề quan trọng hiện nay là thu hẹp khoảng cách, sớm loại bỏ tình trạng tồn tại hai mức phát triển trong ASEAN. Theo đó, đẩy nhanh tốc độ và gia tăng hiệu quả thực hiện các chương trình hợp tác hiện có, như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA), Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) và Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI). Chắc chắn, những nhân tố quan trọng này ngày càng đưa ASEAN lên vị trí xứng đáng hơn trên trường quốc tế trong tương lai.

Lê Minh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới sự phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.