Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không được để mất lòng tin

ADMIN| 22/06/2003 10:01

Đã có một chuyện buồn diễn ra tại Phần Lan, quốc gia đậm đà phong độ Bắc Âu. Nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này, bà An-gie-li Gie-a-ét-tin-ma-e-ki sau 65 ngày cầm quyền đã phải từ chức vì tội nói dối Quốc hội trong quá trình vận động tranh cử. Tệ hại hơn là bà còn có thể bị kết án tù tới 2 năm nếu tội đánh mất lòng tin của xã hội được chứng minh rành rẽ.

Đã có một chuyện buồn diễn ra tại Phần Lan, quốc gia đậm đà phong độ Bắc Âu. Nữ Thủ tướng đầu tiên của quốc gia này, bà An-gie-li Gie-a-ét-tin-ma-e-ki sau 65 ngày cầm quyền đã phải từ chức vì tội nói dối Quốc hội trong quá trình vận động tranh cử. Tệ hại hơn là bà còn có thể bị kết án tù tới 2 năm nếu tội đánh mất lòng tin của xã hội được chứng minh rành rẽ.

Bà Gie-a-ét-tin-ma-e-ki đã sử dụng những thông tin mật của chính phủ về vấn đề I-rắc để đánh bại đối thủ. Thế mới biết vai trò con dao hai lưỡi của thông tin, cả từ nguồn các cơ quan chức năng lẫn từ các phương tiện thông tin đại chúng. Tìm được thông tin đúng đã khó nhưng sử dụng đúng những thông tin đúng cũng khó chẳng kém gì. Nói vậy để càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của “những người làm tin”, những nhà báo trong xã hội hiện đại.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong xã hội hiện đại, phóng viên vẫn tiếp tục là một nghề khả kính và hấp dẫn. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỉ lệ những người coi trọng nghề báo luôn luôn rất cao. Điều này không có gì lạ, thiên chức của các nhà báo bao giờ cũng là mang lại sự thật, dù “mất lòng” đến mấy, dù có bị sức ép hay đe dọa như thế nào. “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (thơ Nguyễn Đình Chiểu)-cũng như văn chương, nghề báo chân chính luôn coi phụng sự chân lý là lý tưởng của mình.

Tuy nhiên, cũng chính vì lý tưởng này mà các nhà báo luôn gặp phải những khó khăn nguy hiểm trong lúc hành nghề. Báo chí trong thế giới hiện đại cũng là một mặt trận và các nhà báo nhiều khi phải trở thành các chiến sĩ xung kích trong cuộc chiến đấu chống lại tội ác và tệ nạn, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con người. Trong ngót nghét một thập niên gần đây nhất, đã có tới hơn 500 nhà báo bị sát hại trong khi đang làm nhiệm vụ. Trong thực tế, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Hiện nay, các nhà báo có thể bị hãm hại ở bất cứ khu vực nào trên thế giới. Nhà báo là nạn nhân của bọn ma-phi-a vì đã vô tình hay có ý thức bóc trần những hoạt động phạm pháp của chúng. Không ít nhà báo mỗi sáng đi làm việc mang theo cảm giác đấu tranh này có thể là trận cuối cùng của đời mình. Tại không ít quốc gia mà nền dân chủ còn chưa phát triển, nhà báo mặc nhiên trở thành kẻ thù của giới cầm quyền khi đưa những tin trung thực về cảnh ngộ đen tối của dân tộc mình, về tệ tham nhũng, tội ác... Nhà báo còn có thể hy sinh vì bom rơi đạn lạc khi đến đưa tin tại những vùng có chiến sự; những vùng như thế, đáng tiếc thay, ngay trong thời “hậu chiến tranh lạnh”, có vẻ như ít thuyên giảm. Ngay trong những ngày này, súng vẫn nổ, người vẫn chết vì bom đạn ở hàng chục điểm nóng trên thế giới. Trong số các nạn nhân của chiến sự có không ít các nhà báo đang làm phận sự nghề nghiệp. Trong cuộc chiến tranh I-rắc vừa qua đã có tới gần 10 nhà báo hy sinh trong lúc thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.

Các nhà báo còn phải chiến đấu chống lại sự cám dỗ của những phù hoa và bổng lộc phi đạo đức. Đôi khi để tìm kiếm sự sang giàu hay bình an, chỉ cần bẻ cong ngòi bút, chiều theo ý cường quyền. Cuộc chiến đấu chống lại cái bả bọc đường này xem ra còn gian khó hơn chống lại bạo lực và khủng bố. Thế nhưng, ở bất cứ nơi nào, thời nào cũng có những nhà báo đích thực chỉ tuân theo tiếng gọi của lương tâm nghề nghiệp, dù phải trả giá đắt tới đâu. Họ là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo, lấy đó làm nguồn cảm hứng và nghị lực để phát triển ý thức nghề nghiệp.

Làm báo đang tiếp tục là một nghề nguy hiểm, ngay cả trong thời bình, ở ngay cả những nơi không vang tiếng súng. Nói chung, trong một thế giới vẫn còn nhiều thế lực hắc ám như hiện nay, những người mang ánh sáng sự thật bao giờ cũng dễ gặp tai họa. Tuy nhiên, trong bất luận trường hợp nào, nhà báo cũng không có quyền đánh mất lòng tin của quần chúng vào sự thật, vào thiên chức nghề làm báo. Khác đi, ý nghĩa đích thực của các phương tiện thông tin đại chúng chân chính sẽ bị triệt tiêu. Chính chuẩn mực mang tính đạo đức này mới tạo nên sự hấp dẫn chủ yếu của nghề phóng viên đối với giới trẻ, những người thông thường vốn mang trong mình nỗi khát khao sự thật rất mạnh mẽ. Cũng chính chuẩn mực mang tính đạo đức này đã tạo ý nghĩa to lớn không gì so sánh nổi cho nghề làm báo. Các nhà báo chân chính băng qua hiểm nguy cống hiến đời mình cho sự tiến bộ của nền văn minh chung của nhân loại.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, trong thế giới hiện đại, ở các quốc gia phát triển theo mô hình tư bản chủ nghĩa, hệ thống báo chí đang mắc những căn bệnh trầm kha cố hữu. Sự thống trị của tư bản lớn đối với các phương tiện thông tin đại chúng đang gây nên những vấn đề gay cấn đối với những nhà báo muốn thực sự thực hiện thiên chức nghề nghiệp của mình.

Hồng Thanh Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không được để mất lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.