Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem lại "Tôi và chúng ta"

VIETHONG| 05/07/2003 09:08

Một cảnh trong vở: "Tôi và chúng ta' Ảnh: Nguyễn Đình Toán

"Tôi và chúng ta" của Nhà hát Kịch Hà Nội vừa được Nhà hát Truyền hình - VTV1 phát sóng trực tiếp. Vở diễn đưa chúng ta trở về những năm 80 của thế kỷ XX, khi cơ chế bao cấp đã tỏ ra quá trì trệ. Kỹ sư Hoàng Việt, Thanh, Ngà... có tư tưởng cách mạng, dám nghĩ dám làm và dám đương đầu với những kẻ bảo thủ, cơ hội...

Họ là những chiến sĩ, thanh niên xung phong đã từng hiến tuổi thanh xuân cho cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, giờ lại đi tiên phong, dám chịu trách nhiệm trước việc làm của mình...

“Một quầng đạn khói mịt mù... Tất cả tiểu đội thanh niên xung phong cứ run lên, hai chân họ cứ ríu lại. Phải làm gì để cứu lấy đoàn xe? Phải có một ai đó dám xông lên phía trước. Phải làm gì đi chứ! Phải cứu lấy đoàn xe!”. Ký ức chiến tranh cứ trở đi trở lại trong Thanh - cô gái TNXP năm xưa. Cô đã yêu thương, cảm phục, và sẵn sàng đứng bên Hoàng Việt trong trận địa mới không tiếng súng, bởi nhận ra anh cũng giống cô - cũng là người chiến sĩ đầu tiên dám xông lên phía trước. Chính câu chuyện về ký ức chiến tranh của Thanh đã thổi bùng lên trong Hoàng Việt một quyết tâm, một niềm tin, và một tình yêu lớn.

Cố tác giả Lưu Quang Vũ đâu chỉ phản ánh cơ chế quản lý, làm ăn! Kể về một xí nghiệp Nhà nước bắt đầu chuyển đổi từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường cũng không phải là tất cả chuyện kịch. Tính thời sự, dự báo lối làm ăn mới là những giá trị đáng kể của vở diễn. Nhưng Tôi và chúng ta còn có giá trị nhân văn sâu sắc, đến hôm nay vẫn không hề cũ. ấy là khi vở kịch đặt ra và giải quyết mối quan hệ giữa cái tôi cá nhân với cái chúng ta rộng lớn. Chủ đề chính của vở ngợi ca tình người, tình đồng đội, đồng chí. Âm hưởng chủ đạo thật da diết yêu thương và lay động lòng người. Các tác giả đã khắc họa cuộc sống của người lao động hết sức chật vật, kham khổ. Họ là những cựu chiến binh, những công nhân yêu quí và gắn bó với xí nghiệp. Họ là những con người nhiệt huyết, tin tưởng mãnh liệt và chân thành vào cuộc sống, vào lý tưởng và lẽ phải, tin vào chính mình. Sức mạnh ấy, niềm tin ấy trong Tôi và chúng ta, đặt trong bối cảnh xã hội hôm nay lại có một ý nghĩa đạo đức - xã hội mới. Nó nhắc nhở và cảnh tỉnh chúng ta đừng bao giờ chỉ vì cái tôi cá nhân mà chà đạp lên cái chúng ta rộng lớn. Đừng bao giờ để mất đi tính người, và đừng bao giờ để mất đi chính mình vì lợi ích nhỏ nhen...

Luôn gặp ở kịch Lưu Quang Vũ cái nhìn nhân văn sâu sắc, tính biểu tượng cao. Anh tả sông để nói biển, đem cái hữu hạn để luận về cái vô hạn, nói chuyện người để ngẫm chuyện đời. Bởi vậy, kịch của anh không bao giờ cũ mòn, và không bao giờ chỉ là kịch thời sự. ở Tôi và chúng ta, anh phê phán thói ỷ vào tập thể. Chẳng cần nghĩ ngợi lo toan nhiều, chẳng cần làm nhiều, đói - đã có Nhà nước bao cấp, thua lỗ đã có Nhà nước chịu. Chuyện lỗ thật lãi giả, chạy theo thành tích đã trở thành căn bệnh mãn tính và phổ biến của thời ấy. Chủ nghĩa bình quân, chủ nghĩa tập thể dễ làm con người ta lười lao động, lười suy nghĩ. Thói cơ hội, vị kỷ, thậm chí là những hành động độc ác, vô lương tâm dễ nảy sinh và phát triển khi người ta bon chen, cạnh tranh, giành giật vì quyền lợi cá nhân. Vậy nên, mối quan hệ và vai trò của cái tôi trong cái chúng ta chẳng bao giờ cũ .

Tôi và chúng ta, kể từ ngày đăng quang tại Hội diễn sân khấu toàn quốc 1985 đến nay đã gần 20 năm. Việc Nhà hát Truyền hình - VTV1 và Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng lại một vở diễn lớn, có nhiều đóng góp trong lịch sử sân khấu như Tôi và chúng ta thật có ý nghĩa chính trị - xã hội và ý nghĩa nghệ thuật. Xem Tôi và chúng ta, những người yêu sân khấu được gặp lại và thêm tiếc thương một Lưu Quang Vũ tài hoa, nhân ái và trữ tình. Để nhớ nghệ sĩ Trần Vân, người đã vào vai kỹ sư Hoàng Việt, đã tạc bức tượng đài mang tên “con người mới xã hội chủ nghĩa” bằng hình tượng và ngôn ngữ sân khấu. Để nhớ về nghệ sĩ Trần Kiếm và những người mất, người còn của Tôi và chúng ta năm xưa. Chỉ tiếc cái sức ấm nóng và đam mê, sức sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật tuyệt vời của Tôi và chúng ta năm xưa, hôm nay không còn mấy nữa...

Thu Hằng







(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem lại "Tôi và chúng ta"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.