Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn

Nguyễn Lê| 11/03/2019 07:59

(HNM) - Hiện nhiều dự án hạ tầng quan trọng tại thành phố Hồ Chí Minh đang gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân.


Nhiều dự án chậm tiến độ

Anh Phan Thành Huy (ngụ tại số 45, đường Nguyễn Tất Thành, phường 13, quận 4) cho biết, do công ty ở quận Thủ Đức nên anh phải đi làm bằng xe gắn máy để chủ động giờ giấc. Tuy nhiên, hiện giao thông cửa ngõ phía Đông thành phố ách tắc nghiêm trọng khiến anh đi lại rất vất vả.

Anh Huy cho hay: “Tôi mong dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sớm được hoàn thành. Nếu dự án này đưa vào khai thác tôi sẽ chuyển hẳn sang đi bằng phương tiện công cộng”.

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang chờ phê duyệt tổng mức đầu tư để kịp “rót vốn”, đẩy nhanh tiến độ.


Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tài (ngụ tại số 166, đường Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) băn khoăn bởi công tác chống ngập của thành phố chưa cải thiện bao nhiêu dù nhiều dự án về lĩnh vực này đã được khởi công. Đặc biệt, mặt đường Lê Văn Lương dù đã được nâng cao nhưng nhiều đoạn vẫn bị ngập do triều cường. “Nếu dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng mà thành phố đang triển khai hoàn thành thì cơ bản sẽ hết ngập do triều”, ông Tài nhận định.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang đồng loạt triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn như: Dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập), dự án Bến xe Miền Đông…

Các dự án trọng điểm này đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chậm do chờ cấp vốn, dự án chống ngập chậm do yếu tố pháp lý, dự án Bến xe Miền Đông chậm do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng…

Theo Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, ngoài nguyên nhân khách quan, một số dự án chậm tiến độ có nguyên nhân do sự phối hợp chưa đồng bộ giữa chủ đầu tư với các cơ quan, ban, ngành của thành phố.

Ở góc độ điều hành, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, khó khăn lớn nhất là vấn đề phân bổ nguồn vốn. Nhiều dự án đầu tư công tiến độ rót vốn chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn phổ biến nhất tại các dự án hạ tầng, phát triển đô thị hiện nay.

Quyết liệt nhiều giải pháp

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh mới đây. Theo đó, thành phố cần xây dựng các chương trình hành động để giải quyết căn bản những dự án lớn trên địa bàn, trong đó có dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập…; triển khai quyết liệt tổng thể nhiều giải pháp để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, úng ngập nước, ô nhiễm môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đối với dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện lãnh đạo thành phố rất quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án với tinh thần tăng tốc. Trước mắt, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách trung ương số tiền 2.158,5 tỷ đồng để tiếp tục duy trì tiến độ dự án.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, để tăng tốc, bảo đảm lũy kế khối lượng dự án đạt 80% trong năm 2019 theo kế hoạch, cần khoảng 9.500 tỷ đồng bao gồm khoản nợ trả cho các nhà thầu từ năm 2018 và thi công khối lượng công việc dự kiến tăng thêm trong năm nay.

Đối với dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, sau thời gian bị tạm ngừng thi công cũng đã chính thức được khởi động trở lại. Theo chủ đầu tư (Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam), sau khi được thành phố tháo gỡ vấn đề về pháp lý, khó khăn hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết, để giảm nhẹ khâu giải phóng mặt bằng, dự án được thành phố chấp thuận điều chỉnh một số tuyến. “Với cách làm này, dự kiến tới ngày 30-6 dự án sẽ có được mặt bằng. Chúng tôi cam kết chậm nhất quý I-2020 đưa vào vận hành toàn dự án”, ông Nguyễn Tâm Tiến khẳng định.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu ngay cho UBND thành phố việc phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý, qua đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời yêu cầu các đơn vị được giao vốn cam kết thực hiện đúng tiến độ. Thành phố đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% trong năm 2019. Đối với những dự án sử dụng nhiều quỹ đất, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, thành phố sẽ đối thoại công khai hợp tình, hợp lý, đúng chính sách, pháp luật...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.