Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tư liệu, hiện vật quý tại triển lãm "Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ"

Thương Nguyệt| 27/04/2019 10:53

(HNMO) - Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội) từ ngày 25-4, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019).

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ tổ chức triển lãm chuyên đề "Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ" nhằm tôn vinh chiến thắng, tri ân những đóng góp to lớn của lực lượng dân công hỏa tuyến trong chiến dịch.

Triển lãm giới thiệu gần 300 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh khái quát hoạt động của lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia bảo đảm công tác hậu cần, phục vụ bộ đội chiến đấu làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Triển lãm gồm 4 phần: Phần mở đầu - giới thiệu những hình ảnh, hiện vật thể hiện chủ trương quyết tâm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; phần 1 - Dốc sức cho Điện Biên; phần 2 - Điện Biên - Điểm hẹn quyết chiến, quyết thắng; phần 3 - Âm vang còn mãi.

Ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội thăm hỏi các chiến sĩ lập công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên năm 1954.

Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ và đồng bào địa phương sau Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 8-5-1954.

Lời hiệu triệu của Tổng quân ủy gửi toàn thể bộ đội và đảng viên trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đông Xuân 1953-1954.

Bản đồ Điện Biên Phủ do Cục Quân báo trao cho đồng chí Đào Văn Trường - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 351 sử dụng chỉ huy bộ đội Pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Những hình ảnh, tư liệu và hiện vật giúp người xem hiểu rõ hơn về chủ trương sáng suốt của Đảng, tinh thần quyết tâm của bộ đội và đặc biệt là nỗ lực của lực lượng dân công hỏa tuyến vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tham gia mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men ra mặt trận phục vụ chiến dịch lịch sử.

Cuốc chim do bộ đội Công binh dùng đào hầm, hào và công sự nhằm tiêu diệt cứ điểm A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; súng tiểu liên Sten (ngoài cùng bên trái) do đồng chí Phan Đình Giót, Tiểu Đội phó Bộ binh, Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 sử dụng trong trận đánh cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13-3-1954.

Cuốc chim do dân công và bộ đội Trung đoàn 151 Công binh dùng mở đường tiến quân vào Điện Biên Phủ, Đông Xuân 1953-1954.

Chiếc cối do Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Dự (xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) dùng giã gạo để chồng là đồng chí Tô Văn Ry gánh gạo đi dân công phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Yên ngựa do đoàn dân công ngựa thồ huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La sử dụng để vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Xe đạp thồ - phương tiện vận tải do lực lượng dân công sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thời gian chiến dịch, các địa phương tại khu Tây Bắc, Việt Bắc, Khu 3 và Thanh Hóa đã đóng góp 24.086 tấn gạo, 907 tấn thịt, 918 tấn thức ăn khô và 62,7 tấn đường. Phương tiện sử dụng trên tuyến trung ương và ở các khu gồm 180 ô tô, 155 xe ngựa, 914 ngựa thồ...

Bạn Nguyễn Hoàng Việt (sinh viên Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) chia sẻ: "Triển lãm là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự hy sinh, mất mát của những thế hệ cha anh đi trước".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư liệu, hiện vật quý tại triển lãm "Dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.