Theo dõi Báo Hànộimới trên

DBS Bank: Kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore trước năm 2029

Theo Tin tức| 28/05/2019 20:49

Ngày 28-5, Ngân hàng DBS, có trụ sở tại Singapore, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ đạt quy mô lớn hơn Singapore trong vòng một thập kỷ tới.

Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Thuận Phước. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Trang Bloomberg dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu của ông Irvin Seah, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng DBS dự báo, Việt Nam có tiềm năng đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% trong vòng 10 năm tới.

Chuyên gia Irvin Seah lý giải cơ sở để ông đi tới dự báo này là nguồn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và sự tăng trưởng năng suất của kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Ông nêu rõ: “Nếu có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng 6-6,5% mỗi năm, kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô lớn hơn nền kinh tế Singapore trước năm 2029”.

Chính phủ Việt Nam kỳ vọng tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tối thiểu 6,8% trong năm nay. Theo chuyên gia này, tăng trưởng trong tương lai sẽ mạnh hơn nữa nhờ Việt Nam có lực lượng lao động đông đảo, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhiều và nhất là sự ổn định về chính trị, những yếu tố sẽ khuyến khích dòng đầu tư quốc tế.

Ông Irvin Seah khẳng định: “Các nhà đầu tư toàn cầu đang xếp hàng để tham gia đầu tư vào Việt Nam. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) trong 4 tháng đầu năm 2019 có thể sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một xu thế mới”.

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam có triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt. Tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's hồi tháng 4-2019 đã nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được giữ nguyên ở B.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Triển vọng ổn định cũng phản ánh kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.

Các chuyên gia cũng đánh giá Việt Nam là một điểm đến tiềm năng cho dòng vốn đầu tư nước ngoài tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, làm dấy lên quan ngại các nhà đầu tư quốc tế sẽ thoái vốn và chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh. Ảnh: China Briefing


Theo báo Bloomberg ngày 28-5, Việt Nam là một trong những nguồn hàng nhập khẩu ở châu Á tăng nhanh nhất vào thị trường Mỹ trong quý vừa qua, đồng thời có tiềm năng vượt qua Anh để trở thành nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất vào thị trường Mỹ nếu như hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên giữ nhịp độ như hiện nay.

Bloomberg dẫn số liệu từ Cục Thống kê Mỹ cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng 40,2% trong 3 tháng đầu năm 2019, trong khi đơn hàng từ Hàn Quốc tăng 18,4%.

Cùng giai đoạn này, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đã giảm tới 13,9%. Đây được coi là hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nguồn tin trên cho rằng, nếu Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định trong cả năm, điều sẽ được coi là thành công lớn, thì Việt Nam sẽ vượt qua Italia, Pháp, Anh và Ấn Độ trong danh sách các nhà xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Mỹ.

Bloomberg đánh giá, Việt Nam đã trở thành điểm sáng của một khu vực, nơi “các đầu tàu xuất khẩu” của thế giới đang bị thiệt hại nghiêm trọng vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đều chứng kiến tình trạng sụt giảm xuất khẩu trong tháng 4-2019. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 vừa qua đã tăng tới 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Danh sách các nước xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ trong quý I-2019. Nguồn: Cục Thống kê Mỹ


Việt Nam đang “hưởng trái ngọt” từ việc các doanh nghiệp chuyển đổi các chuỗi cung ứng của mình để thích nghi với tình hình mới sau khi Mỹ gia tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam duy trì được một môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện, đồng thời là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang trong cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi trung tuần tháng 5 từng phát biểu rằng, thay vì nhập hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Mỹ có thể nhập hàng Việt Nam để tránh phải hứng chịu các đòn trừng phạt thuế.

Phát biểu với báo chí trước cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Victor Oban tại Phòng Bầu dục hôm 14-5, Tổng thống Trump cho biết, ông đã áp thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, đồng thời chỉ đạo khởi động sẵn lộ trình tăng thuế nhập khẩu đối với tổng cộng 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Tổng thống Trump khẳng định, "thời kỳ phải mua hàng hóa của Trung Quốc sẽ không còn nữa" và nếu "không muốn trả thuế", Mỹ có thể mua hàng hóa từ một nước không bị áp thuế, như Việt Nam và nhiều nước khác.

Video Tổng thống Trump gợi ý Mỹ có thể mua hàng hóa của Việt Nam thay hàng Trung Quốc (Nguồn: realclearpolitics)


Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên, liên quan đến việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán. Sự thay đổi này của Bắc Kinh dường như đã khiến Tổng thống Trump khó chịu.

Hiện nay, nguy cơ Mỹ áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD là rõ ràng nếu đàm phán không tiến triển, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng, mức thuế mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và đẩy cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc này vào vòng xoáy căng thẳng mới. Trung Quốc trước đó thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1-6 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
DBS Bank: Kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore trước năm 2029

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.