Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn Hà Nội qua những lần thay đổi địa giới hành chính

Bài, ảnh: Hoàng Lân| 03/10/2019 12:56

(HNMO) - Từ 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành vào năm 1945, qua những lần thay đổi địa giới hành chính, giờ đây Thủ đô Hà Nội mở rộng với diện tích là 3.344,7 km2, gồm 30 quận, huyện. Những thay đổi về địa giới hành chính của Hà Nội được thể hiện rõ nét trong triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” đang diễn ra tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Dấu ấn Thăng Long - Hà Nội qua các tấm bản đồ

Triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” ngay khi khai mạc đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Lần đầu tiên, nhiều tư liệu, tài liệu lưu trữ quý về các thời kỳ thay đổi địa giới hành chính của Hà Nội được thể hiện một cách rõ nét, sống động kể từ khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên thành Thăng Long.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử, Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Tầu cho biết, để thực hiện được trưng bày này, các cán bộ, nhân viên của Chi cục Văn thư - Lưu trữ thành phố Hà Nội mất rất nhiều thời gian để sưu tầm, tập hợp tài liệu lịch sử để mang đến cho người xem hình dung rõ nét câu chuyện về sự đổi thay của mảnh đất 1.000 năm văn hiến.

Gần 100 tài liệu, tư liệu lưu trữ và hình ảnh được sắp xếp theo 3 giai đoạn: Địa giới hành chính Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; giai đoạn từ năm 1945 đến 1954; giai đoạn từ sau 1954. 

Bản đồ Hà Nội năm 1873. Lúc này Hà Nội đã trở thành một tỉnh như 30 tỉnh khác trên đất Việt Nam. Phủ Hoài Đức trở thành một trong 4 phủ hợp thành tỉnh Hà Nội.

Qua những tư liệu quý, gồm những tấm bản đồ cổ có từ năm 1889 do Sở địa dư Đông Dương xuất bản cho đến những tấm bản đồ hành chính của Hà Nội hiện nay, công chúng có thể hiểu phần nào những đổi thay đầu tiên về địa giới hành chính Hà Nội cho đến khi Hà Nội rộng lớn như bây giờ. 

Đó là vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà vua tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhất kể từ khi ra đời chế độ phong kiến Việt Nam. Vua Minh Mạng xóa bỏ Bắc thành (gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc) ở miền Bắc và lập tỉnh Hà Nội. Tên gọi Hà Nội có nghĩa là “phía trong sông”.

Bản đồ Hà Nội năm 1915. Lúc này, Pháp đã chia khu vực nội thành làm 8 tiểu khu và vùng nông thôn ngoại thành ở phía Đông Nam Hà Nội.

Những đổi thay về địa giới hành chính của Hà Nội tiếp tục diễn biến vào cuối thế kỷ XIX dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Ngày 19-7-1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội. Theo các tư liệu lịch sử, đặc biệt là trong tấm bản đồ Hà Nội năm 1902 cho thấy, buổi ban đầu dưới ách cai trị của Pháp, trung tâm thành phố bao gồm địa bàn Bắc hồ Hoàn Kiếm đến khu Dinh Toàn quyền. Đến cuối năm 1904, chính quyền thực dân Pháp chia khu vực nội thành làm 8 tiểu khu và vùng nông thôn ngoại thành ở phía Đông Nam Hà Nội.

Bản đồ Hà Nội năm 1925.

Theo các tấm bản đồ Hà Nội năm 1925, 1936, khoảng thời gian này vùng nội thành của Hà Nội được mở rộng đáng kể. Khu Hoàn Kiếm trở thành trung tâm thành phố. Đây là địa giới phân biệt giữa khu phố cổ với khu phố mới mang kiến trúc kiểu ô bàn cờ. Phố chưa có tên và được đánh dấu bằng ô. Đến năm 1935, Hà Nội có tất cả 175 ô phố. Vùng ngoại thành phía Nam bao gồm các làng thuộc xứ Bạch Mai, Khương Thượng, Kim Liên, Phương Liệt… với khoảng 20 thôn, làng. Cư dân ở đây sống bằng nghề nông.

Những đổi mới để phù hợp với sự phát triển

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội trở về với vai trò là Thủ đô. Lúc này, Thủ đô Hà Nội gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành.

Những tư liệu lịch sử về các giai đoạn thay đổi địa chính Hà Nội trong các năm 1889, 1914, 1942.

Triển lãm cho người xem ngược dòng quá khứ khi được nhìn lại những văn bản là các quyết định, nghị quyết từ năm 1949 của Ủy ban Kháng chiến hành chính (UBKCHC) Hà Nội về những thay đổi địa giới Thủ đô để phù hợp với yêu cầu phát triển từng giai đoạn. Đó là Nghị quyết số 341/QN-HN ngày 5-11-1949 của UBKCHC Hà Nội về việc sáp nhập làng Quỳnh Lôi thuộc ngoại thành Hà Nội vào khu phố Bạch Mai thuộc quận II nội thành Hà Nội; Quyết nghị số 28/QN-HN ngày 2-2-1950 của UBKCHC Hà Nội về việc cắt thôn Mỹ Đức, Trung Tú, Trung Phụng và Kim Liên thuộc khu Bẩy Mẫu về khu Văn Miếu nội thành Hà Nội…

Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng tiếp quản Thủ đô vào ngày 10-10-1954

Sau Hiệp định Geneve, ngày 10-10-1954, bộ đội Việt Nam thuộc Đại đoàn 308 tiến về Hà Nội tiếp quản Thủ đô, Hà Nội được giải phóng. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội trải qua 4 lần thay đổi địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008. Quy mô diện tích, dân số, kinh tế, xã hội của Hà Nội ngày càng lớn mạnh phát triển. 

Giai đoạn này, qua các tư liệu, tài liệu, hình ảnh, người xem không khỏi xúc động khi được nhìn thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc kiến tạo, xây dựng Thủ đô. Đó là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô vào ngày 16-11-1959. Người căn dặn: “Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện… tránh cản trở đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi”. Đó còn là hình ảnh các đại biểu Quốc hội giơ tay đồng ý thông qua Nghị quyết phê chuẩn mở rộng thành phố Hà Nội năm 1961; bài phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng và biên bản cuộc họp giữa đại biểu Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh, Hà Đông, Vĩnh Phúc, Hưng Yên và Ủy ban Hành chính Hà Nội về việc bàn giao và tiếp nhận các xã của các tỉnh vào ngoại thành Hà Nội…

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô. Người căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở, đi lại của nhân dân" (ngày 16-11-1959).

Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng thành phố Hà Nội (ảnh năm 1961). Theo Nghị quyết, Hà Nội sáp nhập 18 xã, 6 thôn và 1 thị trấn thuộc tỉnh Hà Đông; 29 xã và 1 thị trấn của tỉnh Bắc Ninh; 17 xã và một nửa thôn của tỉnh Vĩnh Phúc; 1 xã của tỉnh Hưng Yên.

Lễ ký kết bàn giao mở rộng ngoại thành, khu vực của tỉnh Bắc Ninh sáp nhập về Hà Nội, năm 1961.

Có mặt tại triển lãm, anh Nguyễn Văn Thành (Thụy Khuê, Tây Hồ) bày tỏ, đây là lần đầu tiên anh được nhìn thấy những tấm bản đồ, tư liệu, hình ảnh rất quý về Hà Nội, qua đó có thể hiểu hơn những đổi thay về mặt địa giới của Thủ đô mà không phải người Hà Nội nào cũng biết tường tận. “Triển lãm không chỉ cung cấp những tư liệu quý mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp người xem thêm tự hào, yêu mến mảnh đất nghìn năm Thăng Long”, anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, triển lãm “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” mang đến bức tranh toàn cảnh về những đổi thay, phát triển của Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Đây là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.

Những thông số phát triển của Hà Nội từ năm 1961 đến nay sau khi thay đổi địa giới hành chính:

Những thông số của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 1961.

Những thông số của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 1978. Một số huyện, thị xã và thị trấn của tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) và tỉnh Vĩnh Phúc sáp nhập vào Hà Nội.

Những thông số của Hà Nội sau khi thay đổi địa giới hành chính năm 1991. Ở lần điều chỉnh này, huyện Mê Linh của thành phố Hà Nội được chuyển về tỉnh Vĩnh Phúc; thị xã Sơn Tây và 5 huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì, Thạch Thất của thành phố Hà Nội về tỉnh Hà Tây. Địa giới hành chính của Hà Nội giai đoạn này thu hẹp lại.

Bản đồ địa giới hành chính Hà Nội từ sau năm 1991.

Những thông số của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ năm thông qua Nghị quyết số 15, hợp nhất tỉnh Hà Tây; chuyển toàn bộ huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào thành phố Hà Nội. Sau khi hợp nhất, diện tích của Hà Nội hiện nay là 3.344,7km2.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Hà Nội qua những lần thay đổi địa giới hành chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.