Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phố "cửa"

ANHTHU| 16/08/2005 08:50

Thành Hà Nội xưa hình vuông, được xây bằng gạch vồ, mở ra 5 cửa: Chính Bắc, Chính Tây, Chính Đông, Đông Nam và Tây Nam. Dấu tích còn lại của các cửa này là một phần các con phố, mang tên hướng cửa mở.

Thành Hà Nội xưa hình vuông, được xây bằng gạch vồ, mở ra 5 cửa: Chính Bắc, Chính Tây, Chính Đông, Đông Nam và Tây Nam. Dấu tích còn lại của các cửa này là một phần các con phố, mang tên hướng cửa mở.

Phố Cửa Đông dài hơn 220m, đi từ phố Hàng Gà đến phố Lý Nam Đế (là nền của bức tường thành phía Đông). Cuối phố này là cửa chính đông của thành Thăng Long. Những năm 1894 - 1897 giặc Pháp phá thành cho nên cửa đó không còn. Thời Pháp thuộc, phố này là đại lộ tướng Bi - sô nhưng dân chúng vẫn quen gọi là Cửa Đông - cổng tỉnh. Sau này, Trần Dần có làm một bài thơ lấy tên là cổng tỉnh.

Hãy xem Nguyễn Công Hoan mô tả phố Cửa Đông thời Pháp trong cuốn "Nhớ và ghi về Hà Nội ":" Phố Phùng Hưng, quãng từ Cửa Đông đến Ngõ Trạm xưa là bãi cỏ hoang rất vắng… Quanh và trong doanh trại phố Cửa Đông cũng có nhiều nhà kiểu thuộc địa như vậy (nhà tầng dưới xây cuốn, mái lợp tôn)… Ngày trước, ngoài trường Trí Trí, còn nhiều trường tiểu học mở lớp không mất tiền…như trường Hàng Vôi (Nguyễn Du ngày nay) và trường CửaĐông (nay không còn, vào đất của nhà 3 tầng, số 2 phố Cửa Đông)… Một là cứ đến thứ hai đầu tháng, thì xem lính Tây rước đèn. Đám rước đi từ Trại (phố Cửa Đông)… Muốn toàn thắng, nghĩa là không bị chửi, thì mình nhằm đúng thằng Tây đang thổi kèn mà ném. Một là thằng Tây không biết chửi tiếng ta. Hai là chẳng lẽ mồm nó đương thổi kèn để thổi, nó dám bỏ ra để chửi?"

Số nhà 20 phố này từng là cơ sở tài chính kiêm giao thông của Kỳ bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội năm 1928 - 1929, núp dưới danh nghĩa xưởng sửa chữa cơ khí và cho thuê ô tô du lịch, do đồng chí Đỗ Ngọc Du tổ chức. Tháng 4/1929 đồng chí đã tổ chức đưa đón các đại biểu về đồn điền Ba Vì để họp hội nghị toàn quốc Bắc Kỳ của Kỳ bộ. Tới 6/1929 đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm ủy viên ban chấp hành TW lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương và trực tiếp làm bí thư thành ủy Hà Nội.

Phố Cửa Nam dài 244m, đi từ Phan Bội Châu đến đường Nam Bộ. Có tên gọi như vậy vì gần cửa Đông- Nam của thành Thăng Long, vị trí cửa là chỗ ngã tư Trần Phú - Tôn Thất Thiệp. Phố Cửa Nam nguyên là đất thôn Yên Trung thượng, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương) huyện Thọ Xương cũ. Đình của thôn này thờ thánh Tản Viên, còn chùa Thiên Phúc của thôn này nằm trên phố Hai Bà Trưng, quen gọi là chùa. Số nhà 20 của ông Sáu Tĩnh, đầu năm 1908 là nơi tụ họp của những người lãnh đạo đầu độc lính Pháp: đội Bình, đội Nhân, đội Cốc. Cuối phố có chợ hình thành sớm nhất ở Hà Nộithế kỷ XIX là chợ Cửa Nam.

Đầu phố là vườn hoa Cửa Nam. "Trước có tượng bà đầm xòe. Nó là một người đàn bà, ở đầu xòe ra những tia thẳng (ánh hào quang), tượng trưng cho quyền cai trị… Ta nói đùa với nhau rằng: Ông Pon - be chim bà đầm xòe. Nhưng ông Lê Lợi đứng giữa (tượng ở đền vua Lê), chống gươm, nhìn thấy nên bà đầm xòe phải chốn đi" ( theo Nguyễn Công Hoan).

Phố Cửa Bắc dài gần 670m, đi từ đường Yên Phụ cắt qua các phố Quán Thánh, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Hồng Thái và Phó Đức Chính đến phố Phan Đình Phùng. Khi xưa, phố là con đường chạy từ cửa ô Yên Tĩnh (cửa ô này ở vào chỗ ngã ba đường Yên Phụ phố Cửa Bắc và tới thế kỷ XIX thì đổi ra cửa Yên Định) tới mang cá mở ở tường phía đông của thành, rồi bẻ quặt về phía tây tới Cửa Bắc(nằm trên phố Phan Đình Phùng) của thành Thăng Long đời Nguyễn.

Dọc phố Cửa Bắc nay còn nhiều đình chùa là dấu vết của các thôn xóm cũ: số nhà 18 là đình Yên Định thời Uy Linh Lang, một hoàng tử có công chống giặc Nguyên (xem mục Phó Đức Chính). Số nhà 29 là chùa Phổ Quang, ngôi chùa của thôn Yên Canh cũ, vừa mới được trùng tu năm nay. Số nhà 48 là đình Yên Canh, Yên Viên tức là 3 thôn của tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Trừ đình Yên Định ra, các đình chùa khác đều đã bị giặc Mỹ ném bom phá hủy năm 1967. Đáng tiếc nhất là ngôi đình Yên Canh vì đấy là nơi duy nhất ở nội thành thờ vị anh hùng nổi tiếng về đánh du kích ở Đầm Dạ Trạch. Tương truyền rằng khi giặc đánh đuổi Lương, ông đã từng đóng tại thôn Yên Canh này.Vì vậy mà dân làng thờ ông làm thành hoàng. Thời Pháp đây là phố Đỗ Hữu Vị. ở cuối phố có trường Sư phạm cùng tên, đào tạo giáo viên bậc tiểu học cho toàn xứ Bắc kỳ. Trường đó nay trở thành trường PTTH Phan Đình Phùng.

Tên Cửa Bắc được đặt sau 1945. Thời đánh Mỹ, phố Cửa Bắc tự hào về một nhà máy anh hùng, nay nhà máy đã chuyển đi nơi khác, đó là nhà máy điện Yên Phụ (cửa chính nhà máy nằm trên phố Cửa Bắc). Năm 1922, chính quyền Đông Dương chiếm khu đất mới của làng Yên Ninh xây dựng nhà máy điện, dân chúng gọi là nhà máy điện Yên Phụ. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động, năm 1930, TW Đảng cử đồng chí Lương Khánh Thiện đến với công nhân nhà máy. Hưởng ứng Cách mạng Tháng 8/1945, tổ chức công nhân cứu quốc đã tập hợp lực lượng tước vũ khí quân Nhật đóng tại nhà máy này, kéo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cao ống khói. 20giờ30' ngày 19/12/1946, công nhân nhà máy tắt điện toàn thành báo hiệu toàn quốc kháng chiến. Trong thời gian tạm chiếm, công nhân ở đây vẫn đấu tranh bằng nhiều hình thức như đưa yêu sách đòi cải thiện điều kiện làm việc, chống đuổi thợ vô cớ và tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh giữ máy trong những ngày chờ chính phủ về tiếp quản Thủ đô (10/10/1954). Trong những năm chống Mỹ, giặc Mỹ dội bao tấn bom đạn xuống đây, nhưng dòng điện Yên Phụ không bao giờ tắt. Ngược lại, nhiều máy bay Mỹ đã bị chính tự vệ nhà máy quật ngã: trưa ngày 26/10/1967 một máy bay F4 rơi ngay tại sảnh nhà máy, giặc lái Mắc Kên rớt xuống hồ Trúc Bạch. Sáng 10/5/1972 lại một F4 Mỹ bị tự vệ nhà máy hạ bằng súng 14ly5.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố "cửa"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.