Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ động Dà La xưa đến phường Xuân La nay

TUYETMINH| 18/11/2005 11:13

Phía tây của Hồ Tây có một vùng đất rất cổ, thuở xưa xa gọi là động Dà La. Theo Hùng triều kỷ thì, từ thời cổ, Hồ Tây bên làng Long Đỗ, động Lâm ẤP, phía tây đến động Dà La, phía đông đến động Nha Lâm, phía nam đến động Bình Sa...Động Dà La là vùng đất cao, khá bằng phẳng, có sông Dà La (tức sông Thiên Phù) chảy qua, nên rất thuận tiện cho canh tác và giao thông, buôn bán.

Phía tây của Hồ Tây có một vùng đất rất cổ, thuở xưa xa gọi là động Dà La. Theo Hùng triều kỷ thì, từ thời cổ, Hồ Tây bên làng Long Đỗ, động Lâm ẤP, phía tây đến động Dà La, phía đông đến động Nha Lâm, phía nam đến động Bình Sa...Động Dà La là vùng đất cao, khá bằng phẳng, có sông Dà La (tức sông Thiên Phù) chảy qua, nên rất thuận tiện cho canh tác và giao thông, buôn bán.

Thời thuộc Đường, nơi đây đã là một trung tâm phồn thịnh, trước khi có La Thành và đạo Giáo khá thịnh hành. Lý Uyên khởi nghĩa đánh nhà Tuỳ, đã được sự giúp đỡ to lớn của các đạo sĩ, nên khi trở thành vua, khai lập nhà Đường, đã rất mực tôn sùng đạo Giáo. Ông vua này tự coi mình là con cháu Lão Tử và tự tay chú giải Đạo đức kinh ban phát cho thiên hạ. Vương triều Đường đã cho xây đến hai nghìn quán, cả nước có hơn 15 ngàn đạo sĩ xuất gia tu trì. Đời vua sau, là Đường Huyền Tôn (tức Đường Minh Hoàng), cũng là một đạo sĩ. Ông lấy niên hiệu là Khai Nguyên (713 - 740). Vào những năm Khai Nguyên đó, Thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán sang làm đô hộ Giao Châu, đóng phủ trị ở động Dà La, và cho đổi gọi thành thôn An Viễn. Lư Hoán đã cho dựng trên gò đất lớn ở vùng núi gồm bảy ngọn tên là Thất Diệu, một quán thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đặt tên là quán Khai Nguyên. Do phía sau quán này có sông Dà La (Thiên Phù) chảy qua, nên còn có tên gọi là quán Dà La.

Về sau, dân ta cứ dùng tên quán mà gọi tên làng, mà gọi tắt là làng Quán La. Đến thời Lý, quán Dà La vẫn còn, các vua Lý hay đến du ngoạn. Thấy chân núi Thất Diệu có một hang lớn và dài sâu vào lòng núi, vua Lý Thần Tôn đã sai xây gạch làm thành cái động, gọi là động Thông Thiền. Gạch xây động có kẻ triện quả trám kiểu rất cổ, vẫn còn đến ngày nay, dẫu động Thông Thiền chỉ còn một hang chính, các ngách đã bị lấp. Đến năm đầu niên hiệu Khai Hựu đời Trần Hiến Tôn, có đạo sĩ Trần An Quốc, hiệu là Tự Lạc tiên sinh, tu trì tại quán Dà La. Quan tư đồ Trần Quang Triều và Thái học sinh Nguyễn Sưởng, là những nhà thơ rất nổi tiếng đương thời với giọng thơ rất da diết về thân phận con người, thường đến đây thù tạc, ngâm vịnh. Đến đời Trần Dụ Tôn, có nhà sư Vân Thao đã cho trùng tu quán đổi thành chùa, lấy tên là chùa An Dưỡng. Nhưng sau, sư Vân Thao không chịu nổi sự tạp nhiễu, đã rời đến làng Bộ Đầu, tổng Đa Lộc. Chùa thành hoang phế, người đời sau dùng làm miếu thờ thần núi...Đến đời Lê, vùng quê này đã được gọi là Quán La Xã. Năm Hồng Đức 12 đời Lê Thánh Tôn, 1481, vua hạ chiếu cho lập 43 sở đồn điền trong cả nước. Việt sử thông giám cương mục có ghi về việc này:"...là cốt để dồn hết sức cho việc làm ruộng để cho sự tích trữ (lương thực) trong nước được dồi dào...". Trong 43 sở đồn điền đó, có Quán La Sở và Minh Cảo Sở kề bên (sau đổi thành Xuân Tảo Sở). Theo thời gian, sở đồn điền thành những làng quê. Rồi ba làng Quán La Xã, Quán La Sở và Xuân Tảo Sở được nhập thành một xã lớn, xã Xuân La. Đến khi lập quận Tây Hồ, 1995, xã Xuân La thành phường Xuân La.

Xuân La của Tây Hồ, Hà Nội là vùng đất có nhiều di tích rất cổ kính. Ngoài quán Khai Nguyên sau thành chùa An Dưỡng và sau nữa thành miếu thờ thần núi, ở đây còn có đình Quán La và chùa Khai Nguyên. Đình Quán La toạ lạc trên một gò đất thuộc núi Thất Diệu xưa, nay đã ở vào vị trí giữa làng. Đình gồm ba gian thờ, hai gian tiền tế và một gian mật cung. Theo sách Tây Hồ chí thì đình thờ bà Duệ Trang, một liệt nữ có công đánh giặc, bảo vệ kinh thành Thăng Long, được dân địa phương phụng thờ từ cuối triều Trần. Còn chùa Khai Nguyên, toạ lạc gần đình Quán La, hiện còn lưu giữ cuốn mộc thư có ba chữ “Khai Nguyên Tự” (chùa Khai Nguyên). Quả chuông chùa cũng có khắc tên “Khai Nguyên Tự chung” (chuông chùa Khai Nguyên). Ngoài hệ thống tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hộ pháp, ở chùa này còn một pho tượng nữa mà người ta vẫn cho đó là tượng Đường Minh Hoàng. Nếu đúng là tượng Đường Minh Hoàng, thì có thể đặt vấn đề:"chùa được khởi dựng từ niên hiệu Khai Nguyên?!...". Có thể nói cụm di tích tôn giáo tín ngưỡng gồm đình, chùa, miếu và hang ở vùng quê này là một chiều dài lịch sử rất đặc biệt và rất hiếm thấy ở nước Việt Nam ta. Cụm di tích này còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong, trong đó sắc phong năm Thịnh Đức thứ nhất đời Lê Thần Tôn, 1635, và còn lưu giữ được 11 bia đá cổ ghi chép việc tu sửa, tôn tạo đình, chùa, trong đó có tấm bia dựng năm 1745 đời Lê Hiển Tôn và tấm bia dựng năm Thái Đức 1788, đời Nguyễn Nhạc, là tấm bia quý hiếm thời Tây Sơn còn lại được! Các cố lão ở địa phương cho biết, thời trước năm 1945, cái hang (tức động Thông Thiền xưa) rất rộng, nhiều người hiếu kỳ đã xuống thăm dò các ngách hang, và các nhà nghiên cứu ở viện Bác Cổ cũng đã đến nghiên cứu. Về sau, chính quyền thực dân và tay sai, do muốn ngăn chặn những hoạt động của Việt minh, nên đã lấp mất mấy ngách dài sâu vào lòng núi...Ngày nay, toàn bộ cụm di tích hầu như nằm dưới bóng rợp của những tán cây cổ thụ. Ngay sau tam quan đình là một cây thị cổ thụ, vòng thân gốc đến gần 5 mét, với những múi thân trông rất mạnh mẽ. Các cố lão ở địa phương nói rằng, cây thị đã gần nghìn tuổi, mỗi năm chỉ cho đôi ba quả nho nhỏ, nhưng hương thơm bay khắp làng, hàng tháng mới rụng. ? mé tây đình, có cây đa đại thụ, rễ buông chằng chịt, thân gốc đến 10 người ôm mới xuể. Thân gốc đa không có chỗ nào nứt toác, nhưng lại có khoảng rỗng lớn bên trong. Muốn vào bụng cây đa, phải trèo lên một cành cụt khá cao rồi mới tụt xuống. Thời chống Pháp, cán bộ hoạt động bí mật và du kích lấy đây làm nơi náu mình, rất an toàn.

Thời xưa, dân chúng Quán La Sở sống chủ yếu ngoài bãi, bên ngoài đê mới, sau mới chuyên về địa điểm bây giờ. Nơi địa điểm cũ, nay vẫn còn dấu vết nền đình, nền chùa cổ xưa. Làng Xuân Tảo Sở gồm hai thôn, là Xuân Tảo và Vệ Hồ. Xuân Tảo Sở nằm ven hồ Tây, xưa kia vốn có cả đình và chùa. Đình đã bị cháy trong thời Pháp chiếm Hà Nội, chỉ còn chùa Vạn Niên toạ lạc bên hồ Tây, rất đẹp. Sách Thăng Long cổ tích khảo có ghi về chùa này:"? cạnh Hồ Tây, xưa gọi là chùa Vạn Tuế, sau gọi là chùa Vạn Niên, thuộc địa phận ấp Quán La, Lý Thuận Thiên năm thứ năm, 1014, Hữu nhai Tăng thống tâu xin lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho, bấy giờ danh tăng Tuệ Sinh, và rồi Thảo Đường kế thừa trụ trì tại đây...”. Thiền sư Thảo Đường là tăng nhân tông Vân Môn, Phật phái Bắc Tống, được vua Lý đưa về Thăng Long, rồi sáng lập Thiền phái Thảo Đường ở Việt Nam ta. Thiền phái này được các vua Lý rất hâm mộ, như Thánh Tôn, Anh Tôn, Cao Tôn...dù không xuất gia nhưng người đời ghi nhận họ là đệ tử của Thiền phái Thảo Đường. Nhiều chùa ở các làng quanh hồ Tây chịu ảnh hưởng rất lớn của Thiền phái này, đặc biệt hai chùa Khai Quốc (sau đổi gọi là Trấn Quốc) và chùa Vạn Niên là nơi Quốc sư Thảo Đường từng trụ trì, với tư tưởng Thiền – Tịnh hợp nhất thật sâu sắc. Ngay từ thời Lý, chùa Vạn Niên đã là một chốn tùng lâm thụ giới cho các tăng đồ. Đến nay, chùa còn lưu giữ 46 pho tượng, hai quả chuông đồng, 11 đạo sắc phong, và nhiều đồ thờ tự có giá trị văn hoá - lịch sử. Ngày xưa, thôn Vệ Hồ có tục thi bơi chải vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, trên vùng Hồ Tây trước cửa chùa Vạn Niên. Thường có 10 thuyền vào cuộc thi, mỗi thuyền có hai người dự thi. Vệ Hồ còn có tục thi cơm mới vào tháng 10 hàng năm, một tục hội của niềm vui no ấm.

Cả vùng quê Xuân La, đã từ lâu, là vùng làng thôn trù phú, người dân sống thuần hậu, cày cấy trên đồng ruộng, đánh bắt cá trên sông Hồng và hồ Tây. Bên Xuân Tảo Sở còn có nghề trồng cây thuốc lá. Bên Quán La Sở còn thạo việc đánh bắt chim dẽ...Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, hoà bình lập lại, ngày 23 tháng 11 năm 1958, Hồ Chủ Tịch đã về thăm xã Xuân La. Đứng dưới gốc đa cổ thụ, Bác nói với nhân dân: "Cây đa cổ thụ này, cũng như ngôi đình, là di tích lịch sử, kiến trúc có giá trị cao, các cụ phụ lão và toàn dân phải giữ gìn, bảo vệ cho tốt". Đúng 7 năm sau, ngày 23 tháng 11 năm 1965, Hồ Chủ Tịch lại về thăm Xuân La lần thứ hai. Và, Người đã hài lòng vì toàn dân Xuân La đã giữ gìn chăm sóc những di tích ở quê hương mình. Nhờ vậy, tới nay Xuân La đã thành phố phường đông vui, những danh lam cổ kính vẫn được bảo toàn, khiến mỗi ai đến đây vẫn có được cảm xúc như đang được đi trên một vùng đất cổ kính. Dường như, mỗi bước đi, bàn chân đang áp lên những dấu tích ngàn xưa.

Theo Hà Nội Ngàn Năm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ động Dà La xưa đến phường Xuân La nay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.