Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quốc hiệu "Việt Nam" có từ bao giờ?

THUHANG| 13/02/2005 16:35

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải - Ảnh: T. Hằng(HNMĐT) - Chắc nhiều người sẽ cho là ngây ngô khi nghe đến câu hỏi này, bởi vì là người Việt Nam, ai mà không biết quốc hiệu này có từ thời Nguyễn (Gia Long) năm 1804. Thế nhưng ít người biết hai tiếng "Việt Nam" đã từng xuất hiện nhiều lần trong tập "sấm" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong các văn tự cổ khoảng 300 năm trước khi nó chính thức trở thành quốc hiệu nước ta.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585 tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lai, tỉnh Hải Dương, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng. Ông là một trong những ông Trạng nổi tiếng nhất của khoa cử Việt Nam. Năm 1535, thời Mạc Đăng Doanh, ông đỗ đầu một lèo cả ba kỳ thi và được trúng Trạng nguyên, được bổ làm quan. Sau khi dâng sớ xin chém 18 tên quyền thần không được, ông cáo quan về quê nhà, kết thúc 7 năm làm quan đời nhà Mạc. Ở quê ông mở trường dạy học bên sông Hàn (tức sông Tuyết), nên khi mất, học trò tôn ông là Tuyết Giang phu tử. Mặc dù về trí sĩ, triều Mạc vẫn kính trọng và hỏi ý kiến ông việc quốc gia đại sự. Khi ông sắp mất, nhà Mạc có phong cho ông tước Trình Quốc Công. Vì thế, về sau người ta gọi ông là Trạng Trình.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ 4 bản "sấm" chép tay, ghi là của ông, đó là: "Trình Quốc công Sấm ký" (bản AB 354), "Trình tiên sinh quốc ngữ" (AB 444), "Trình Quốc công sở chế" (VH2261) và "Trình Quốc công ký" (VN 102).

Đại bách khoa toàn thư Pháp Larousse đã coi Nguyễn Bỉnh Khiêm như một Nostradamus (một nhà tiên tri nổi tiếng của Pháp, đã từng xuất bản tập sấm "Les Centuries" (Những thế kỷ) năm 1555. Cho đến ngày nay, người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu những điều bí ẩn khác trong các bài "sấm" tiên tri này để đoán định tương lai.

Còn về hai chữ "Việt Nam", Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho biết, ông đã may mắn đọc được tập Sấm Nguyễn Bỉnh Khiêm do NXB Đại La in năm 1946 trên giấy dó) (bản dịch của Chu Thiện) và ngay dòng mở đầu của tập "sấm" có câu: "Việt Nam khởi tổ xây nên".

Từ hai chữ "Việt Nam" trong sấm ký...

Để tìm hiểu một vấn đề rất lớn của lịch sử này một cách chắc chắn, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã tìm đến các tài liệu bằng chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán - Nôm và tìm được không chỉ một mà rất nhiều bài "sấm" nhắc đến hai chữ "Việt Nam" như một quốc hiệu tiền định. Ngay trang đầu bản AB444 đã có hai chữ "Việt Nam" do Nguyễn Bỉnh Khiêm viết bằng chữ Hán, bài thơ"Việt Nam sơn hà hải cương thường vịnh" (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam) mang ký hiệu A 1699. Ngoài ra còn có hai bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm gửi hai ông Trạng đương thời, cho thấy danh xưng "Việt Nam" được dùng như một sự cố ý:

Bài thứ nhất, gửi trạng Nguyễn Thuyến, hai câu cuối Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

                              "Tiến trình vĩ đại quân tu ký

                                Thùy thị phương danh trọng Việt Nam"

(Tiền đề rộng lớn ông nên ghi nhớ: Ai sẽ là kẻ có tiếng thơm được coi trọng ở Việt Nam?)

Bài thứ hai gửi Trạng Giáp Hải, hai câu cuối cũng viết:

"Thọ tinh cộng ngưỡng quang mang tại

                                 Tiến hậu quang huy chiếu Việt Nam"

(Cùng ngửa trông ngôi sao thọ trên bầu trời

Trước sau soi ánh sáng rực rỡ vào nước Việt Nam"

Các bài thơ trên còn được chép trong "Bạch vân am thi tập" (bản A 296)

... Đến những tấm bia cổ có hai chữ "Việt Nam"

Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu ở nhiều đền chùa cổ, nhiều miền quê, trong đó có đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại quê hương ông, cuối cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cùng nhiều nhà nghiên cứu Hán - Nôm, nghiên cứu sử học như Đinh Khắc Thuân, Ngô Thế Long... đã tìm được những báu vật làm chứng.Đó là tấm bia cổ nhất (được khắc dựng năm 1558) tại chùa Bảo Lâm, xã Trâu Bồ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Trải qua nhiều năm chiến tranh, chùa đã bị phá, bia không còn, nhưng ông đã chụp được một bản dập bia do Trường Viễn đông Bác Cổ thời Pháp hiện vẫn còn lưu ở kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bia có tên "Trùng tu Bảo Lâm tự bi ký" (Bia trùng tu chùa Bảo Lâm) ngay trong dòng đầu có khắc hàng chữ:

  "Việt Nam đại danh lam bát tri ki kỷ"

(Các danh lam lớn của Việt Nam nhiều không biết bao nhiêu mà kể).

Tiếp đó là bia chùa Cam Lộ ở Hà Tây. Bia này có niên đại 1590, muộn hơn so với bia chùa Bảo Lâm nhưng lại là bia cổ nhất có hai chữ "Việt Nam" còn tồn tại đến nay. Sau đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã làm văn bản đề nghị Vụ bảo tồn Bảo tàng (Bộ văn hóa) coi tấm bia này như một di tích cần được bảo vệ và ngôi chùa cùng với tấm bia này đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử.

Tấm bia thứ ba là bia chùa Phúc Thánh (khắc năm 1664) ở Hà Bắc, có câu:

"Việt Nam cảnh giới

                                       Kinh Bắc thừa tuyên"

(Đây là cảnh quan, địa giới nước Việt Nam và là thuộc địa phận Kinh Bắc).

Nhưng quan trọng nhất là tấm bia gần cột mốc biên giới Việt Nam - Trung Hoa ở Đồng Đăng - Lạng Sơn có tên "Thủy Môn Đình" do quan Đô tổng binh, Bắc quân đô đốc sứ Lạng Sơn, Thao quận công Nguyễn Đình Lộc dựng năm 1670. Bia có hàng chữ mở đầu bài "Minh":

  "Việt Nam hầu thiệt

                                      Trấn bắc ải quan..."

(Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam và là ải quan trấn giữ phương Bắc).

Hai bên bia có hai hàng câu đối rất hào hùng, phảng phất như lời thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" của Lý Thường Kiệt:

"An trấn Thủy Môn Đình

                                      đình tiền thủy lục

                                      Tỏa thược Thiên nam giới

                                      Giới hạn thiên thư"

(Giữ yên Đình Thủy Môn, trước đình có đường thủy, đường bộ

Khóa chặt vùng trời Nam, để ấn định ranh giới của vùng trời)

Theo ông Nguyễn Phúc Giác Hải, tấm bia này tuy có niên đại muộn hơn các tấm bia nói trên, nhưng đây lại là bia biên giới, mang tính hành chính quốc gia, nên có thể coi là "người phát ngôn".

Kết luận

Như vậy là, mặc dù quốc hiệu "Việt Nam" chính thức được dùng từ năm 1804 với nhà Nguyễn, nhưng nhà Nguyễn không phải là người đặt ra quốc danh này. Hai chữ "Việt Nam" đã được Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dự báo từ hàng trăm năm trước đó và được ông cha ta sử dụng trong nhiều văn tự, bia ký, trước khi nó chính thức trở thành tên gọi của Tổ quốc ta hiện nay.

Thu Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hiệu "Việt Nam" có từ bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.