Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đôi nét về SEAMEO

ANHTHU| 26/02/2005 08:47

Trung tuần tháng 3, Hội nghị lần thứ 40 Hội đồng các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (Seamec) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, xin được giới thiệu với bạn đọc đôi nét về Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á SEAMEO.

Trung tuần tháng 3, Hội nghị lần thứ 40 Hội đồng các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (Seamec) sẽ diễn ra tại Hà Nội. Nhân sự kiện này, xin được giới thiệu với bạn đọc đôi nét về Tổ chức các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á SEAMEO.

SEAMEO được thành lập ngày 30-10-1965, xuất phát từ mong muốn của Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á thúc đẩy sự hợp tác khu vực trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa. Các thành viên sáng lập là Lào, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền cũ ở miền Nam Việt Nam). Sau khi SEAMEO ra đời, các trung tâm khu vực đầu tiên được thành lập: Trung tâm về Giáo dục các môn khoa học và toán học (SEAMEO RECSAM), Trung tâm Ngôn ngữ khu vực (SEAMEO RELC) thành lập năm 1966; Trung tâm Đào tạo sau đại học và nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp (SEAMEO SEARCA) ra đời năm 1967; Trung tâm Sinh học nhiệt đới khu vực (SEAMEO BIOTROP) và Trung tâm Đổi mới công nghệ giáo dục (SEAMEO INNOTECH) năm 1968. Đến nay, SEAMEO có 12 trung tâm.

Hội đồng các Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á SEAMEC là cơ quan điều hành, là cơ quan tối cao hoạch định chính sách của SEAMEO. Ngày 10-2-1992, tại phiên họp lần thứ 27 của SEAMEC tổ chức tại Bru-nây, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Đến nay, SEAMEO có 10 thành viên chính thức. Để mở rộng uy tín và sự hợp tác, tháng 2-1972, tại phiên họp lần thứ 7, SEAMEO đã bổ sung điều lệ, cho phép kết nạp các nước thành viên liên kết. Hiện tại, có 6 nước là thành viên liên kết của SEAMEO và trong kỳ họp tới sẽ có thêm thành viên thứ 7 được kết nạp.

Tôn chỉ, mục đích hoạt động của SEAMEO là tăng cường sự hiểu biết, hợp tác và hòa hợp về mục đích giữa các thành viên nhằm đạt được cuộc sống có chất lượng tốt hơn thông qua việc thiết lập mạng lưới cộng tác; cung cấp diễn đàn trí tuệ cho các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách; phát triển các trung tâm khu vực chất lượng cao để góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực bền vững.

SEAMEC họp mỗi năm một lần nhằm xây dựng các chính sách của SEAMEO và bầu ra Chủ tịch Hội đồng, là Bộ trưởng Bộ GD của một nước thành viên chính thức. Ngoài việc thông qua các chương trình, ngân sách và các quyết định có tính định hướng các công việc đối nội, đối ngoại của tổ chức, hội đồng còn cử ra giám đốc của Ban thư ký, giám đốc các trung tâm, các điều phối viên dự án và thành viên hội đồng quản trị của các trung tâm.

Sau khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức này, các hoạt động hợp tác với SEAMEO đã đem lạilợi ích thiết thực không chỉ cho GD-ĐT mà còn cho các ngành khác như nông nghiệp, văn hóa, y tế của nước ta. Chỉ tính từ năm 1992 đến hết năm 2004, SEAMEO đã dùng quỹ hỗ trợ đặc biệt để tài trợ cho trên 2000 cán bộ Việt Nam tham gia các hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại các trung tâm khu vực. Trong số đó, có 18 người được đào tạo trình độ tiến sĩ, 50 người trở thành thạc sĩ. Ngoài ra, tổ chức này còn hỗ trợ Việt Nam tổ chức nhiều hội nghị khoa học và khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.

HNM

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đôi nét về SEAMEO

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.