Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lắm một quy chế khảo cổ học đô thị

ADMIN| 15/06/2003 15:26

Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ đã chính thức dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long nhằm khẳng định vị trí lớn mạnh của vương triều, đồng thời cũng khẳng định ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Thăng Long - Hà Nội luôn giữa vững vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của đất nước. Tuy nhiên trải qua ngót ngàn năm, dưới sự tác động của thiên nhiên cũng như các biến động của đời sống xã hội, vị trí, diện mạo, quy mô kiến trúc và nghệ thuật của kinh thành Thăng Long xưa hầu như đã biến mất khỏi mặt đất. Để có thể nghiên cứu một cách có hệ thống các vấn đề nói trên, chỉ còn một phương cách duy nhất là tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học tại những nơi mà theo sử sách, có thể còn lại những dấu ấn của kinh thành xưa kia.

Mùa thu năm 1010, Lý Thái Tổ đã chính thức dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long nhằm khẳng định vị trí lớn mạnh của vương triều, đồng thời cũng khẳng định ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Thăng Long - Hà Nội luôn giữa vững vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất của đất nước. Tuy nhiên trải qua ngót ngàn năm, dưới sự tác động của thiên nhiên cũng như các biến động của đời sống xã hội, vị trí, diện mạo, quy mô kiến trúc và nghệ thuật của kinh thành Thăng Long xưa hầu như đã biến mất khỏi mặt đất. Để có thể nghiên cứu một cách có hệ thống các vấn đề nói trên, chỉ còn một phương cách duy nhất là tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học tại những nơi mà theo sử sách, có thể còn lại những dấu ấn của kinh thành xưa kia.
 Trong nhiều thập kỷ qua, một số cơ quan nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khai quật ở nội thành Hà Nội và một số vùng ngoại thành khác. Tuy nhiên, các công cuộc nghiên cứu đó chưa được thực hiện một cách quy mô và có kế hoạch thống nhất. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra một cách nhanh chóng, nhiều công trình xây dựng mới mọc lên từng ngày. Trong bối cảnh đó, nếu chúng ta không có một quy hoạch khảo cổ học đô thị cho Hà Nội thì các công trình xây dựng hiện đại sẽ xâm phạm và phá hoại vĩnh viễn các di tích còn đang nằm sâu dưới lòng đất Thủ đô. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi thành phố đang có những việc làm thiết thực, chuẩn bị cho việc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới.
 GS sử học Trần Quốc Vượng cho rằng, đây là một vấn đề rất cấp thiết và quy hoạch này phải do UBND thành phố Hà Nội ban hành thì mới có tính khả thi. Cùng chung ý kiến trên, PGS. TS Phan Khanh còn đề nghị phải công bố rộng rãi bản quy hoạch nói trên cho mọi người cùng biết mà thực hiện trong việc xây dựng các công trình mới từ nay về sau. Sau khi đã có quy hoạch, nếu ai cố tình vi phạm cần xử lý mạnh để làm gương cho những người khác.
 Vậy nội dung cơ bản của quy hoạch khảo cổ học đô thị bao gồm những vấn đề gì ? Theo ý kiến một số nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa, khảo cổ ở Hà Nội thì toàn thành phố nên chia thành hai khu vực lớn, tạm gọi là khu vực A và B. Khu vực A là khu vực có dày đặc các di tích khảo cổ học và khu vực B có ít di tích khảo cổ học. Toàn thành phố hiện nay nên được chia thành hai khu vực A là khu vực nội thành và khu vực Cổ Loa.
 Khu vực A nội thành Hà Nội sẽ được chia làm 3 khu vực nhỏ. Khu vực I bao gồm Cấm thành và Hoàng Thành với ranh giới phía Bắc là đường Quán Thánh, phía Nam là đường Trần Phú, phía Tây là đường Ông ích Khiêm và phía Đông là phố Thuốc Bắc. Tại đây sẽ có một khu đất giành riêng hoàn toàn cho khảo cổ học là khu vực Thành cổ, kết hợp với việc bảo tồn các di tích lịch sử và các di tích cách mạng còn lại trên mặt đất. Như vậy trong khu vực I sẽ có hai quy định cho hai khu vực nhỏ hơn. Thứ nhất là khu vực đặc biệt, trong khu này trừ các di tích trên mặt đất, phần đất còn lại sẽ được các cơ quan khảo cổ học xây dựng kế hoạch khai quật từng năm (có thể kéo dài hàng chục năm). Thứ hai là khu vực của các phần đất còn lại sẽ được khai quật toàn bộ khi có điều kiện, mỗi vị trí được xây dựng mới ở đây nhất thiết phải được xin phép thăm dò và khai quật trước. Để làm được điều này, các cơ quan xây dựng phải báo cho các cơ quan văn hóa về vị trí công trình được xây dựng trước ít nhất là 1 năm. Các cơ quan quản lý văn hóa và nghiên cứu sẽ khai quật và bàn giao mặt bằng từ 1 đến 3 tháng trước khi xây dựng. Khu vực II gồm toàn bộ mặt Bắc là đường Hoàng Hoa Thám đến Đốc Ngữ, theo đường Giảng Võ về Đội Cấn, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh ... Tại đây sẽ không có khu giành riêng cho khảo cổ học, các công trình xây dựng mới ở đây sẽ được thăm dò khảo cổ và khai quật (nếu cần thiết) trước khi xây dựng. Còn khu vực III là các vùng còn lại trong vòng La Thành và cũng cần thiết phải được thăm dò khảo cổ trước khi có các công trình xây dựng. Nếu có di tích thì tùy theo tính chất để quyết định quy mô khai quật, nếu không sẽ bàn giao mặt bằng cho việc xây dựng. Còn khu vực A Cổ Loa sẽ bao gồm di tích thành Cổ Loa và các xã phụ cận ở quanh thành Cổ Loa. Đây là khu vực nông thôn có tốc độ đô thị hóa không lớn, do vậy việc quy hoạch khảo cổ học ở đây không hoàn toàn giống như khu vực nội thành. Ngoài hai khu vực A nói trên, các phần đất còn lại của thành phố đều thuộc khu B. Công tác khảo cổ học ở khu B chỉ cần chú ý đến việc bảo vệ và nghiên cứu ở các điểm đã được ghi trong bản đồ quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần lắm một quy chế khảo cổ học đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.