Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2015

Thanh Hà| 15/12/2015 10:01

(HNMO) – Năm 2015 sắp trôi qua với nhiều thăng trầm, một năm không yên bình của thế giới khi tiếng súng chiến tranh vẫn vang lên ở nhiều khu vực, những vụ khủng bố kinh hoàng, bất ổn và căng thẳng địa chính trị gia tăng…Sau đây là 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm qua do HNMO bình chọn.

Từ đầu năm 2015, hàng trăm nghìn người tị nạn chạy trốn các cuộc chiến tranh ở Trung Đông đã tràn vào châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng. Các chính phủ châu Âu đã không thể tìm được tiếng nói chung về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng này. Trong khi Đức nới lỏng quy định nhập cư đối với những người tị nạn Syria và xây dựng nhiều cơ sở tiếp nhận người tị nạn thì các quốc gia khác như Áo, Hungary lại tiến hành kiểm soát chặt chẽ biên giới để ngăn dòng người nhập cư.

Sau nhiều cuộc họp, EU nhất trí phân bổ bắt buộc người nhập cư tới các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều người lo lắng về rủi ro bất ổn an ninh do nhiều phần tử khủng bố có thể trà trộn vào dòng người nhập cư để vào lục địa già.


2.Trung Quốc có nhiều động thái làm nóng tình hình Biển Đông

Trong năm 2015, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, khiến vùng biển này lại dậy sóng. Hành động của Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Cũng trong năm qua, Mỹ đã quyết định điều tàu tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.


Tình hình mới trên biển Đông đã làm nóng các diễn đàn an ninh trong khu vực như Đối thoại Shangrila 2015 và Hội nghị tương lai châu Á.

3.Cuộc chiến Syria ngày càng khốc liệt

Cuộc chiến tại Syria không còn bó hẹp trong khuôn khổ một cuộc nội chiến giữa phe nổi dậy và chính phủ, mà còn kéo theo hệ quả địa chính trị rộng lớn hơn, với sự tham gia của các cường quốc, bao gồm Nga, Mỹ và liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gồm hàng chục quốc gia và nhiều nhóm vũ trang đối lập khác.


Ngày 30/9/2015, Nga tiến hành đợt không kích đầu tiên tại chiến trường Syria, làm thay đổi cục diện cuộc chiến, nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời làm lu mờ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.


4.Chủ nghĩa khủng bố bành trướng hoạt động

Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mở rộng mạng lưới hoạt động với nhiều nhánh và phần tử tham gia ở khắp nơi trên thế giới. Căn cứ hoạt động tại Syria không chỉ kiểm soát một phần lãnh thổ của Syria và Iraq mà còn vươn sang Libya, Ai Cập, Nigeria và nhiều khu vực khác tại châu Phi. Những nhóm thánh chiến thề trung thành với IS thì trải dài hoạt động tới Afghanistan, Indonesia, Pakistan, Algeria, Malaysia, Philippines…

IS đã nhận trách nhiệm gây ra hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu tại nhiều khu vực trên thế giới như 6 vụ khủng bố liên hoàn tối 13/11 làm rung chuyển thủ đô Paris nước Pháp, cướp đi sinh mạng của 130 người, đặt bom gây ra vụ rơi máy bay Nga thảm khốc ở Ai Cập hôm làm 224 người chết hay vụ xả súng ở California ngày 3/12 khiến nước Mỹ bàng hoàng.


Các nhóm khủng bố nguy hiểm khác như al-Qaeda, mặt trận Al-Nusra, Boko Haram… cũng đã gây ra hàng loạt các vụ tấn công kinh hoàng ở Yemen, Nigeria, Iraq, Afghanistan, Lebanon,…

Không chỉ hoạt động tại các điểm nóng Trung Đông hay tấn công nhằm vào các quốc gia phương Tây, năm 2015 chủ nghĩa cực đoan đã gõ cửa châu Á. Điển hình là vụ phiến quân Duy Ngô Nhĩ đánh bom ngôi đền Erawan, trung tâm thủ đô Bangkok, Thái Lan đã khiến 20 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương.


5.Căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 24/11, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ở khu vực biên giới với Syria, với cáo buộc máy bay Nga vi phạm không phận. Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải hối hận vì hành động này.


Vụ bắn hạ máy bay đã làm dấy lên căng thẳng giữa hai quốc gia. Nga đã ban bố hàng loạt các biện pháp cấm vận về kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo sẽ tung bằng chứng giới chức Ankara buôn bán dầu với IS.

6. Động đất kinh hoàng tại Nepal

Trận dộng đất mạnh khoảng 7,8 độ Ricter tại thủ đô Kathmandu, Nepal, ngày 25/4 đã cướp đi sinh mạng hơn 8.000 người và làm khoảng 18.000 người khác bị thương. Liên Hợp Quốc ước tính có 8 triệu người bị ảnh hưởng bởi trận động đất này, trong đó 1,4 triệu người cần được hỗ trợ về lương thực.



7.Quan hệ Mỹ - Cuba cải thiện

Ngày 20/7, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, quốc kỳ của Cuba lại tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ bên cạnh quốc kỳ những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tại thủ đô La Habana, Đại sứ quán Mỹ cũng mở cửa trở lại trong buổi lễ có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba. Đây là bước đi cho thấy sự tan băng trong mối quan hệ giữa hai nước, một động thái đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro khởi xướng hồi cuối năm 2014.



8.Nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân, Trung Quốc

Vụ nổ kho hóa chất của Công ty Kho vận Quốc tế Thụy Hải, Thiên Tân, Trung Quốc đêm 12/8 đã khiến 123 người thiệt mạng, hơn 500 người khác bị thương, phá hủy nhiều tòa nhà lân cận và thiêu rụi hơn 1.000 chiếc ôtô. Sau vụ nổ này, giới chức trách Trung Quốc đã bắt giữ 12 người có liên quan và siết chặt quy định về tiêu chuẩn an toàn tại các nhà máy sản xuất công nghiệp khắp cả nước. Tuy nhiên, ước tính trong năm qua vẫn có gần 100 vụ nổ lớn nhỏ xảy ra tại nhiều nhà máy hóa chất ở Trung Quốc.


9. Thảm họa giẫm đạp ở Mecca

Khoảng 2070 người đã người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng xảy ra hôm 24/9 tại lễ hành hương thường niên của người Hồi giáo ở Arab Saudi. Vụ giẫm đạp xảy ra ở Mina, cách thành phố thánh địa Mecca của Arab Saudi 5 km, khi khoảng hai triệu người tập trung ở đây để tham gia lễ hành hương thường niên Hajj. Đây là vụ giẫm đạp có hậu quả nghiêm trọng nhất trong lễ hành hương Hajj kể từ năm 1990, khi đó hơn 1.400 người thiệt mạng.


10. Thỏa thuận lịch sử chống biến đổi khí hậu

Ngày 12/12, tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21), đại diện của 196 bên tham gia đã chính thức thông qua thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm lên của trái đất, với mục tiêu quan trọng nhất là giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời điểm tiền công nghiệp cuối thế kỷ 19, đồng thời kèm theo khuyến nghị quyết tâm đạt được mức 1,5 độ C.


Thỏa thuận này sẽ phát huy hiệu lực từ sau năm 2020, kết thúc sự tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.