Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Văn Tố - Một nhân cách văn hóa cao đẹp

Quốc Bình| 15/12/2015 14:42

(HNMO) - Sáng 15-12, Thành uỷ Hà Nội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Nguyễn Văn Tố-Cuộc đời và sự nghiệp” tại quận Hoàn Kiếm, là nơi sinh thành cụ Nguyễn Văn Tố-Trưởng Ban Thường trực Quốc hội khoá I.


PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và TS. Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ chủ trì hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy điều hành hội thảo


Khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ: “Việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Văn Tố nhằm đánh giá khách quan, chính xác những công lao và cống hiến to lớn với cách mạng Việt Nam đối với nhà trí thức, liệt sĩ Nguyễn Văn Tố thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố. Tấm gương của cụ Nguyễn Văn Tố góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô.

Đề dẫn hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Thân, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng khẳng định: 58 tuổi đời sống vì dân tộc, cụ Nguyễn Văn Tố đã để lại nhiều công trình nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu, bao quát nhiều lĩnh vực khoa học xã hội như sử học, văn học, văn bản học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hoá học, văn hoá dân gian… Tuy nhiên, những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của ông đến nay chưa thật toàn diện và sâu sắc, đòi hỏi cần được tiếp tục làm rõ.

Cụ Nguyễn Văn Tố, sinh năm 1889, trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thời Pháp thuộc ông làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ, một trung tâm nghiên cứu khoa học của Việt Nam và cả Đông Dương. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung và văn hoá Hà Nội nói riêng. Là người hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước, một nhà tri thức có uy tín, giữ nhiều trọng trách: Hội trưởng Hội Trí Tri, Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ, những năm trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Tố đã cùng với những trí thức yêu nước như Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức xoá mù chữ, nâng cao dân trí và ý thức chính trị trong nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ thành lập, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, mời ông tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông đã tổ chức vận động nhân dân chống “giặc đói” và “giặc dốt”. Tháng 9-1945, Hà Nội đã có hơn 2000 thanh niên, nam nữ xung phong làm giáo viên giảng dạy, phát hành hàng vạn sách học đánh vần, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học tại các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa… thu hút hàng vạn người theo học vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối, nhờ đó đã xoá mù chữ cho hàng triệu người. Là người có uy tín và bằng biện pháp tích cực, nạn đói đẩy lùi, đời sống nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, sản xuất được phục hồi, nền tảng của chế độ mới thêm vững chắc. Đó chính là công lao to lớn mà Nguyễn Văn Tố đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Kỳ họp thứ nhất, ngày 2-3-1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà các đại biểu đã nhất trí bầu Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, ông có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai văn bản Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, tạm thời hoà hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Ông còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mà nhiều Điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Được Bác tin tưởng giao giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ, Nguyễn Văn Tố có nhiều đóng góp trong việc kiến thiết xây dựng nước nhà. Toàn quốc kháng chiến, ông cùng Chính phủ lên Việt Bắc hoạt động. Tháng 10-1947, trong một lần giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Cạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, ông bị bắt và hy sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta” tại lễ truy điệu vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trước họng súng quân thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế truy điệu cho liệt sỹ Nguyễn Văn Tố.

Mặc dù tư liệu còn rất thiếu, nhưng các nhà khoa học đều đi đến khẳng định: cụ Nguyễn Văn Tố sinh ra trong gia đình nhà nho, ở mảnh đất địa linh nhân kiệt Hà Nội, đã bồi đắp nên cốt cách, con người nhà tri thức yêu nước, tài ba này. Ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Tố đã bộc lộ tư chất thông minh. Ở con người nhà tri thức này có những giá trị của dân tộc, cốt cách con người Việt Nam chân chính, điều kiện hiện nay, càng có giá trị giáo dục cho con em chúng ta hôm nay. Trên những cương vị được giao, cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp rất lớn, nhất là truyền bá văn hoá, khơi nguồn có truyền thống nâng cao dân trí của đất nước.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, Chủ tịch Quốc hội và Quốc vụ khanh đầu tiên, cụ có đóng góp rất lớn xây dựng chính quyền thời kỳ non trẻ. Làm bất kỳ việc gì, trên cương vị nào, cụ đều hết sức tận tuỵ, để lại những dấu ấn đặc biệt, rất riêng. Cụ Nguyễn Văn Tố gắn bó mật thiết, thật sự là người cộng sự, bạn chiến đấu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà yêu nước Nguyễn Văn Tố đến với chúng ta là một nhân cách văn hoá cao đẹp; một con người giản dị khiêm tốn, đời thường; là học giả chân chính, đau nối đau dân tộc. Qua những đóng góp quan trọng cho cách mạng dân tộc của cụ Nguyễn Văn Tố, chúng ta càng thấy sáng rõ hơn về sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong việc dụng nhân tài.

Kết luận cuộc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về cụ Nguyễn Văn Tố cần thực hiện một số việc cần thiết như xây dựng phòng tư liệu, hoàn thành tiểu sử cụ Nguyễn Văn Tố một cách chính xác, sớm đề nghị các cơ quan chức năng đặc biệt là Quốc hội, Ban Bí thư cho phép xem xét lại, cần thiết xét nghiệm lại AND về hài cốt cụ Nguyễn Văn Tố. Sau này trên cơ sở khảo cứu đề tài, xây dựng các khu tưởng niệm, đền đài tri ân cụ Nguyễn Văn Tố để giáo dục con cháu sau này. Đây cũng là cách viết tiểu sử về các bậc tiền nhân có công đóng góp xây dựng đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Văn Tố - Một nhân cách văn hóa cao đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.