Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 10: Cha mẹ làm gương, nhà trường định hướng

Vân Vũ| 07/10/2012 05:26

(HNM) - Truyền thống ứng xử thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đang chịu nhiều thử thách. Làm gì để sự kết tinh mạnh hơn sự pha loãng, để người Hà Nội không chỉ ứng xử đúng mà còn đẹp? Có lẽ, chưa bao giờ giải pháp giáo dục trong nhà trường và gia đình ở một tầm mức mới lại cần thiết như lúc này.

Nâng cao hiệu quả giáo dục gia đình

Từ xưa, "gia phong, gia lễ, gia giáo" đã được quy chuẩn, chủ yếu để tạo nên một gia đình ấm êm. Điều đó cho thấy ông cha ta đã luôn coi giáo dục gia đình là "gốc". Trải qua thời gian, vai trò của giáo dục gia đình bị xao nhãng và hệ quả của sự lãng quên hoặc từ bỏ nhiều giá trị của gia đình là sự xuống cấp của lối sống, nếp sống, trong đó có ứng xử giữa con người với con người và với môi trường, xã hội. Để khơi trong dòng chảy văn hóa, giúp thế hệ trẻ ứng xử văn minh, thanh lịch thì không có gì tốt hơn là bắt đầu từ gia đình.


Sự phối hợp giáo dục chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình sẽ mang lại hiệu quả trong văn hóa ứng xử cho giới trẻ.Ảnh: Bá Hoạt

Vai trò của gia đình đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn. Nghị quyết Đại hội đã chỉ rõ : "Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách". Một chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam sẽ sớm được xây dựng, gắn với các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa một cách có chiều sâu, thiết thực. Tuy nhiên, bên cạnh định hướng vĩ mô, những phong trào rộng lớn, mỗi "tế bào" xã hội có thể góp phần đắc lực vào việc giáo dục thế hệ trẻ bằng việc đơn giản: Cha mẹ hãy làm gương. Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hằng ngày, từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người ở trong gia đình cho đến ngoài xã hội sẽ trực tiếp tác động đến nhận thức, tình cảm và niềm tin của trẻ mà không cần nhiều lời. Song, làm gương thế nào cho đúng là điều mà nhiều người băn khoăn bởi họ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Theo Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe gia đình Vũ Oanh, muốn trả lại cho cha mẹ vai trò "người thầy đầu tiên" thì cần coi giáo dục gia đình là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, như nhiều nước trên thế giới đã thành công.

Vai trò chỉ dẫn, định hướng

Trong thực tế, có những bậc cha mẹ rất gương mẫu nhưng giáo dục gia đình lại thất bại, hoặc ngược lại, bởi sự tác động của các môi trường giáo dục khác, trong đó nhà trường đóng vai trò quan trọng. Tại một cuộc hội thảo về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, GS.TS Hoàng Xuân Sính kể về điều bà thấy khi ra nước ngoài, rằng ở Trung Quốc có những tấm biển đề nghị "Nói khẽ", ở Thái Lan là "Không xả rác", ở Singapore là "Thừa 1 lạng thức ăn phải trả 10 đô la" - tất cả được viết bằng tiếng Việt! Kể lại câu chuyện buồn ấy, GS.TS Hoàng Xuân Sính chỉ rõ điểm yếu trong cách dạy làm người ở nhà trường.

Trong bối cảnh chung ấy, Hà Nội đã tìm ra được một giải pháp để cải thiện tình hình bằng việc triển khai đề án "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh". Với việc triển khai tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội", học sinh từ lớp 1 đến 11 được chỉ dẫn thực hành ứng xử văn minh, thanh lịch. Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, 100% cán bộ giáo viên và 90% cha mẹ học sinh được hỏi đều khẳng định sự cần thiết phải đưa nội dung giáo dục này vào nhà trường, nhất là khi gần 90% học sinh tiểu học Hà Nội ở trường cả ngày. Qua hai năm triển khai đại trà, hành vi nói tục đã giảm, thói quen "cảm ơn", "xin lỗi" bước đầu hình thành. Cái được lớn nhất là học sinh tự thấy cần phải biết cách ứng xử văn hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản về thói quen, về nhân lực và về cơ sở vật chất trên con đường đến mục tiêu mà ngành giáo dục Thủ đô đặt ra, là phấn đấu đến năm 2015, 100% học sinh Hà Nội có hành vi phù hợp chuẩn mực, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa và phong cách người Hà Nội. Để các thế hệ người Hà Nội tương lai không phải "tư duy" mỗi khi nói lời cảm ơn hay xin lỗi, mà điều đó trở thành phản xạ, thói quen, rất cần sự quyết tâm và lòng kiên trì của những người thầy trong vai trò chỉ dẫn, định hướng.

Hình thành dư luận đúng


Trao đổi về giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch, một nhà giáo có nhiều đóng góp cho công tác giáo dục nếp sống cho học sinh đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông. Ông cho rằng, tạo dư luận phê phán cái xấu, biểu dương, cổ vũ nét đẹp là một cách định hướng hành vi ứng xử: "Pháp luật là công cụ hỗ trợ, nhưng sự lên án của xã hội hay hơn và có tác động mạnh mẽ hơn". Lý giải cho quan điểm này, ông nêu ví dụ: Luật quy định khi tham gia giao thông gặp tín hiệu đèn đỏ thì phải dừng xe. Nhưng, dừng xe mà văng tục vì đang vội mà phải dừng thì người ta vẫn tuân thủ pháp luật nhưng lại ứng xử không văn hóa. Ở đây, không thể dùng pháp luật để điều chỉnh vì họ không vi phạm luật mà chỉ có thái độ của những người xung quanh mới có thể khiến cho người ta thấy ngượng mà thay đổi hành vi.

Để tạo dư luận xã hội, vai tròcủa báo chí là vô cùng quan trọng. Nhưng hiện các cơ quan truyền thông vẫn nặng về phê phán mà nhẹ về biểu dương, thậm chí có lúc "quên" mất vai trò định hướng dư luận. Thay đổi được thực trạng này cũng là một giải pháp quan trọng để giáo dục văn hóa ứng xử cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Biết sợ, biết nể, biết nhịn, và biết ngượng
Bà Nguyễn Hồng Mai, nguyên giảng viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội:

Thật khó giữ nét đẹp ứng xử vốn đã làm nên nét riêng của người Hà Nội khi môi sinh văn hóa đang bị hao mòn. Giờ đây, một Hà Nội rộng dài với vô số tòa nhà chọc trời, những đại lộ nghẹn khói xăng và dòng người cuồn cuộn không nhìn rõ mặt, những lá phổi thiên nhiên - cây xanh, mặt nước - ngày càng bị thu hẹp, ô nhiễm. Một Hà Nội ồn ào, hối hả, không còn chỗ cho sự thâm trầm, nhã nhặn truyền thống của chính người Hà Nội mà thậm chí còn có nguy cơ làm "tha hóa" nếp sống chất phác, thuần hậu của nhiều người nhập cư.

Người yêu Hà Nội trăn trở với câu hỏi "vì sao?". Vì tốc độ đô thị hóa nhanh và lượng người nhập cư ồ ạt, vì mặt trái nhức nhối của nền kinh tế thị trường, vì sự tiếp nhận thiếu chọn lọc trong giao lưu văn hóa, vì nhiều gia đình trong lúc mải mê phục hưng kinh tế đã coi nhẹ chữ "Lễ", và vì bao nhiêu nguyên nhân khác nữa… Tất cả khiến cho cái bất bình thường trở thành bình thường, yếu tố thanh lịch thị thành dần dần bị pha loãng, bị xâm lấn bởi lối sinh hoạt tùy tiện, xô bồ.

Người Hà Nội hôm nay - hãy khoan nói đến thanh lịch - trước hết cần tạo được nếp sống có văn hóa từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ sinh hoạt cá nhân đến ứng xử nơi công cộng. Phải làm sao loại bỏ được lối sống tùy tiện, tự giác tuân thủ pháp luật và quy ước cộng đồng như một thị dân hiện đại đích thực cần có. Trong cách ăn mặc, nói năng, giao tiếp ứng xử… nếu học tập được vài điều của tiền nhân như "biết sợ", "biết nể", "biết nhịn" và đặc biệt là "biết ngượng" thì theo tôi, người Hà Nội đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bè bạn lắm rồi.

PGS. TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái

Vấn đề lớn nhất trong văn hóa Hà Nội hiện nay, theo tôi, là cách người Hà Nội ứng xử với môi trường tự nhiên, nơi vẫn lưu giữ "mảnh hồn làng" với nhiều cái cần buông bỏ mà vẫn ít nhiều lưu luyến. Điều đáng ưu tư nhất về Hà Nội là bộ mặt văn hóa giao thông đô thị, thường đập ngay vào mắt khách du lịch và cả người Hà Nội khi hằng ngày phải ra đường. Tôi ao ước Hà Nội có bộ mặt đúng là của thành phố phương Đông, hòn ngọc của châu thổ Bắc bộ. Chúng ta phải cố làm sao cho văn hóa giao thông Hà Nội tử tế, lịch lãm. Nhà nước nên quy hoạch chiến lược cho đường sá thật thuận lợi cho giao thông Hà Nội.

Theo tôi, Hà Nội đang có ba vấn đề về văn hóa giao thông: Quản lý đô thị, cảnh sát giao thông, người giao thông. Người Hà Nội khi đi lại trong đô thị vẫn giữ thói quen như đi trong làng, rất ẩu, dường như chẳng bao giờ muốn nhường nhịn nhau. Nên chăng, người Hà Nội nên thực hiện slogan: "Văn hóa giao thông của người Hà Nội là văn hóa nhường nhịn"?

Tôi nghĩ, Hà Nội cần thanh lọc, cần để lại sau lưng không tiếc thương những "rác tinh thần" và "rác vật chất" hiện vẫn mắc míu trong hành trang của sự phát triển hiện đại. Và Hà Nội cần đổi mới theo xu thế tích cực trong sự phát triển tất yếu, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa mà vẫn giữ được tinh hoa "mảnh hồn làng" - nét tinh hoa văn hóa cổ truyền của mình trong sự kết hợp nhuần nhuyễn với hồn vía đô thị Châu Á, đặc biệt là đô thị Việt Nam.

Thúy Quỳnh ghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 10: Cha mẹ làm gương, nhà trường định hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.