Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Quán La

TUYETMINH| 28/03/2006 15:07

(HNMĐT)- Làng Quán La được hình thành từ lâu đời, xưa có tên là động Già La. Thời thuộc Đường (thế kỷ VII - X), động Già La nằm bên bến Lâm ấp ở ven Hồ Tây. Đây là vùng đất khá cao nhưng bằng phẳng, có sông Già La, tức sông Thiên Phù chảy qua. Sông này từ Nhật Tân nối với bãi sông Hồng, hạ lưu nối với sông Tô Lịch ở Bưởi, tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư sản xuất, đánh cá và buôn bán.

(HNMĐT)- Làng Quán La được hình thành từ lâu đời, xưa có tên là động Già La. Thời thuộc Đường (thế kỷ VII - X), động Già La nằm bên bến Lâm ấp ở ven Hồ Tây. Đây là vùng đất khá cao nhưng bằng phẳng, có sông Già La, tức sông Thiên Phù chảy qua. Sông này từ Nhật Tân nối với bãi sông Hồng, hạ lưu nối với sông Tô Lịch ở Bưởi, tạo điều kiện thuận lợi cho dân cư sản xuất, đánh cá và buôn bán. Đó là cơ sở để hình thành một trung tâm buôn bán sầm uất trước khi La Thành (tức là Kinh thành Thăng Long sau này) ra đời.

Do vị trí giao thông quan trọng và buôn bán phát triển, động Già La là nơi đóng trụ sở của các quan cai trị nhà Đường. Viên Thứ sử Giao Châu khi đến đây đã đặt tên cho động này là An Viễn (ngụ ý nơi yên ổn ở phương xa). Thời kỳ này, Đạo giáo từ Trung Quốc sang Việt Nam rất phát triển, tại động Già La xuất hiện một quán lớn, là quán Khai Nguyên, nên làng An Viễn lại đổi tên thành Khai Nguyên, sau lại đổi thành Quán La. Vào đầu thế kỷ XI, sông Thiên Phù bị lấp, vị thế kinh tế - hành chính của động Già La bị mất dần.

Cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Quán La là một xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (từ năm 1831 thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Tuy là một xã, nhưng làng có dân số rất ít (năm 1926 có 363 nhân khẩu). Trong kháng chiến chống Pháp, Quán La nhập với các làng Xuân Tảo sở, Quán La sở, Vệ Hồ thành xã Xuân La, lúc đầu thuộc quận Lãng Bạc, sau thuộc huyện Ngoại thành. Hòa bình lập lại, xã Xuân La thuộc quận V của ngoại thành Hà Nội, từ năm 1961 thuộc huyện Từ Liêm và từ cuối năm 1996, xã Xuân La chuyển thành một phường thuộc quận Tây Hồ.

Quán La còn bảo lưu nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trước hết là quán Khai Nguyên. Tục truyền, khi đến động Già La (đầu thế kỷ VII), viên Thứ sử Lư Hoán thấy nơi đây đất đai bằng phẳng, cây cối lơ thơ, có dòng nước Già La uốn lượn như một bức vẽ thiên nhiên liền cho dựng quán, đặt tên là Khai Nguyên theo tên niên hiệu Khai Nguyên của Vua Đường Thái Tông (thế kỷ VIII), trở thành nơi hành đạo của nhiều đạo sĩ, nơi tham quan của du khách. Thời Lý, quán vẫn còn, các vua Lý thường đến du ngoạn. Vào thời Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), Nhà sư Văn Thao cho trùng tu quán rồi đổi thành chùa, đặt tên là An Dưỡng tự. Sau vì không chịu sự tạp nhiễu, nhà sư chuyển đi nơi khác nên chùa bị hoang phế. Đến giữa thời Lê (cuối thế kỷ XVII), chùa mới được dựng lại. Nay chính là chùa Khai Nguyên. Như vậy, từ ngôi quán biến thành chùa là nét nổi bật của chùa Khai Nguyên. Trong chùa còn quả chuông đúc vào tháng Chạp năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (khoảng đầu năm 1842), sau khi quả chuông đúc năm Nhâm Thân niên hiệu Chính Hòa (1692) bị thất lạc. Đặc biệt có tấm bia niên hiệu Thái Đức thứ 11 triều Tây Sơn (1778) nói về quá trình tu bổ chùa.

Đình Quán La nằm trên gò Thất Diệu, tức bảy ngọn núi như hình chùm sao Bắc Đẩu. Những nơi có Thất Diệu là đát thiêng nên thường được Đạo giáo chọn làm nơi dựng quán, đền. Đình gồm ba gian thờ dọc (giống như đình Yên Phụ), hai gian Tiền tế và một gian Hậu cung. Đình thờ vị Sơn thần. Phía sau đình có một hang sâu gọi là động Thông Thiền, tương truyền dựng vào thời Vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), tương truyền là nơi tu luyện của các đạo sĩ. Trong kháng chiến chống Pháp, do sợ du kích trú ngụ nên địch đã cho lấp bỏ động.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng Quán La

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.