Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Khương Trung

TUYETMINH| 18/07/2006 17:12

(HNMĐT)- Làng Khương Trung nằm trong vùng “Tam Khương” (ba làng Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ), đầu thế kỷ XIX cả ba làng nằm trong xã Khương Đình thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội, từ 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

(HNMĐT)- Làng Khương Trung nằm trong vùng “Tam Khương” (ba làng Khương Thượng, Khương Trung và Khương Hạ), đầu thế kỷ XIX cả ba làng nằm trong xã Khương Đình thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng (từ 1831 là tỉnh Hà Nội, từ 1889 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi làm tỉnh Hà Đông).

Từ năm 1915, ba thôn của xã Khương Đình được tách thành ba xã độc lập: xã Khương Thượng thuộc tổng Yên Hạ, xã Khương Trung thuộc tổng Hoàng Mai cùng nằm trong huyện Hoàn Long, còn xã Khương Hạ vẫn nằm trong tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì. Trong kháng chiến chống Pháp, ba thôn lại sáp nhập thành xã Khương Đình thuộc quận VI.

Hòa bình lập lại, lúc đầu xã Khương Đình thuộc quận VII ngoại thành Hà Nội; về sau hai thôn Khương Thượng và Khương Trung thuộc khu Đống Đa (Hà Nội), rồi trở thành các tiểu khu riêng biệt, đến năm 1981 đổi thành hai phường thuộc quận Đống Đa; từ đầu năm 1997, hai phường chuyển về quận Thanh Xuân mới được thành lập.

Địa dư của làng Khương Trung xưa kia khá rộng : phía Đông giáp đồng làng Phương Liệt (tức làng Vọng), phía Nam giáp hai làng Khương Hạ và Định Công, phía phía Tây tiếp giáp sông Tô Lịch ngăn cách làng với các làng Thượng Đình, Hạ Đình; phía Bắc và Tây Bắc giáp các làng Láng Hạ, Thịnh Quang, Khương Thượng, Vĩnh Hồ. Tổng cộng có đến trên 300 mẫu, nhưng đến năm 1919, hơn hai phần ba ruộng đất của làng (tập trung ở cánh đồng Vơn) bị thực dân Pháp chiếm để làm sân bay Bạch Mai. Về dân số, Khương Trung cũng là một làng lớn, với 1159 nhân khẩu (năm 1928).

Xưa kia, dân làng Khương Trung làm ruộng là chính, sau khi bị Pháp lấy mất để làm sân bay, chỉ còn ít ruộng giáp sông Tô Lịch, dân làng chuyên trồng các loại rau để bán cho người trong nội thành; phụ nữ thì đi lấy phân về bán nam giới đi làm thuê các nghề, kéo xe, khuân vác, một số ít làm thợ nề, sửa chữa cơ khí. Đặc biệt, làng có một bộ phận đông vào Nam buôn bán, làm phu đồn điền, có người sang cả Tân Thế Giới.

Làng Khương Trung có hai họ lớn, cũng là hai họ gốc là họ Phạm và họ Vũ. Họ Phạm có ông Phạm Công Chí đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1769), làm quan Đốc đồng trấn Hưng Hóa. Làng có 4 xóm là : xóm Trên (ở giáp đường từ Ngã Tư Sở đi vào nội thành), xóm Hồng và xóm Đầm (ở giữa làng) và xóm Dộc giáp làng Khương Hạ. Trai đinh trong làng xưa kia sinh hoạt trong 4 giáp : Thịnh, Thượng, Nhất, Nhì.

Làng Khương Trung trước đây có một cụm di tích đình - chùa và văn chỉ nằm sát nhau, ở cánh đồng Vàng, rìa trường bay Bạch Mai. Trong kháng chiến chống Pháp, cả cụm di tích này bị hủy hoại, mãi đến gần đây mới phục hồi được đình và chùa, đến năm 1993, hai di tích được xếp hạng. Đình làng theo lưu truyền lúc đầu thờ một nữ thần, có công chiêu tập những người nghèo làm ăn, dựng thành làng xóm.; về sau lại thờ thêm hai nhân thần khác, nhưng không được soạn thần phả và phong sắc.

Làng Khương Trung tổ chức hội vào ngày mồng 5 tháng Giêng, có rước thần, tế lễ bằng cỗ chay vào ban đêm. Trong hội có chèo hát, đánh vật, chọi gà.

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Khương Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.