Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sửa Hiến pháp: Cần quy trình đặc biệt

Hà Phong| 30/07/2011 07:02

(HNM) - Theo kế hoạch, ngày 4-8 tới, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là công việc vô cùng hệ trọng, không ít chuyên gia pháp luật cho rằng phải làm theo một quy trình đặc biệt.


Không khởi động ngay sẽ muộn


Những bất cập trong quy hoạch Thủ đô có thể được tháo gỡ trong Hiến pháp mới. Ảnh: Xuân Chính


Đang có một cuộc bàn luận sôi nổi trong giới học thuật về sửa Hiến pháp. Với tư cách là một người làm nghề luật, TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ là tiền đề để tiến hành xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Chúng ta đang có thuận lợi là đã trải qua 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 20 năm thực hiện Hiến pháp, các nhà khoa học cũng có nhiều đề tài nghiên cứu về vấn đề này... Đó là cơ sở để tìm ra cái gì phù hợp, cái gì không phù hợp. Nhưng nếu muốn tổng kết kỹ để đi đến sửa đổi cơ bản thì phải có thời gian ít nhất là vài năm. Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đặt ra không thể trì hoãn, kéo dài được. Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ liên quan đến những luật cụ thể cần ban hành sớm, vào năm 2012, chẳng hạn như Luật Tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Thủ đô, Luật Đất đai, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật Tổ chức Viện KSND, Luật Tổ chức TAND... Đây đều là những định hướng lớn liên quan đến các quy định tương ứng trong Hiến pháp. Nếu đạo luật gốc chưa sửa thì những bất cập về quy hoạch Thủ đô, chồng chéo trong làm sổ đỏ, án tuyên nhưng chưa có điều kiện thi hành, thừa cán bộ kém, thiếu chuyên viên giỏi… muốn khắc phục sớm cũng không có cơ sở thực thi. Điều này đòi hỏi giải pháp kết hợp đồng thời, khi chuẩn bị sửa Hiến pháp thì cũng tổng kết để sửa đổi những luật liên quan. Như vậy mới có thể đáp ứng được mục tiêu lâu dài và cả trước mắt.

Quy trình đặc biệt

Quá trình nghiên cứu Hiến pháp năm 1992 cho thấy sự trùng lắp khá nhiều. Chẳng hạn giữa Hiến pháp với Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp nhà nước, hay thậm chí cả Luật Thể dục thể thao và Luật Du lịch. Pháp luật về các thị trường và các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô cũng chưa hoàn thiện nhằm hướng đến tối đa hóa hiệu quả kinh tế, chống thất thoát, lãng phí các nguồn lực của Nhà nước và xã hội; đất nông nghiệp của nông dân không được bảo vệ nghiêm ngặt. Đáng lẽ, trong tất cả các dự án có tính thương mại, chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại quyền sử dụng đất của nông dân theo giá thỏa thuận, thống nhất quản lý nhà và các thửa đất thành một chỉnh thể…

Để khắc phục tất cả những vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần làm theo một quy trình đặc biệt. Phương pháp mà ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh là phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân; phải biết lắng nghe, kể cả những ý kiến trái chiều, nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đúng. Nên huy động cả sự đóng góp của bà con người Việt ở nước ngoài, tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế, người nước ngoài có tâm huyết với Việt Nam. Việc tổng kết thi hành, sửa đổi Hiến pháp cần dựa trên các tiêu chí: Tính dân chủ, công khai được thể hiện trong Hiến pháp đã đủ mức mang tính chỉ đạo để xây dựng các văn bản pháp luật khác cũng như điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội chưa; tính nhân dân (dân biết, dân bàn, dân kiểm tra), vai trò của quần chúng trong quá trình xây dựng Hiến pháp.

Bước tiếp theo, cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thể hiện qua việc luật hóa các quyền hiến định của công dân theo hướng: nghiên cứu xây dựng, ban hành mới các luật về những quyền chưa được cụ thể hóa. Như quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, quyền biểu tình, quyền được trưng cầu dân ý, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin.

Thực tế cho thấy, kinh nghiệm của Nam Phi rất đáng tham khảo. Quá trình soạn thảo hiến pháp của nước này được chia thành ba giai đoạn: Thu hút các đóng góp, thu hút các bình luận về văn bản dự thảo và hoàn thiện/thông qua văn bản. Đáng chú ý, tất cả thủ tục, trình tự chung và các tài liệu, văn bản đều được đưa lên mạng. Ở giai đoạn khởi điểm, các ủy ban chuyên đề của Hội đồng Lập hiến đã mời nhân dân góp ý kiến qua văn bản, điện thoại hoặc trực tiếp trong 1.000 cuộc hội thảo với 95.000 người dân tham gia. Bước tiếp theo, 4 triệu bản phô tô dự thảo Hiến pháp (kèm theo giải thích chi tiết về sự cần thiết của từng nội dung) đã được gửi đi lấy ý kiến. Kết quả là 250.000 ý kiến đóng góp được tiếp nhận và được biên tập trong các báo cáo chuyên đề gửi đến Hội đồng Lập hiến… Làm theo cách này tránh được tình trạng quy định rất nhiều điều mà không thể thực hiện được đang tồn tại bấy lâu nay.

Luật sư Nguyễn Ngọc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội:

Lần sửa đổi Hiến pháp gần đây nhất (năm 2001) cơ bản vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy như trước. Bản thân Chính phủ khi chuẩn bị các dự án luật đã bị "đụng trần" nhiều lần. Chẳng hạn, vấn đề đổi mới vị trí, vai trò của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Chính trị từng ra kết luận là từ năm 2010 phải chuyển đổi sang mô hình Ngân hàng Trung ương, độc lập quyết định chính sách tiền tệ giống như các nước theo thể chế kinh tế thị trường trên thế giới. Nhưng chủ trương này vượt ra khỏi quy định của Hiến pháp hiện hành (Chính phủ quyết định chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên nội các...), khiến cho Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể đưa ra các dự thảo sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước "mang tính chất cải lương". Đây là vấn đề cần khắc phục ngay.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, ở quận Hà Đông, Hà Nội:

Khi sửa Hiến pháp thì nên thừa nhận nhiều chế độ sở hữu về đất đai: Sở hữu tư nhân, tập thể, nhà nước. Đây là vấn đề căn bản để sửa các đạo luật khác, đồng thời giúp giải quyết sự mập mờ trong các văn bản quản lý đất đai hiện nay.

GS-TS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp:
Việc Hiến pháp 1992 trao cho Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước là không khả thi. Bởi vì Quốc hội nước ta phần đông là đại biểu không chuyên trách nên giám sát tất cả là không thể. Theo tôi, Quốc hội chỉ nên tập trung giám sát hoạt động của hành pháp mà không nên giám sát hoạt động của tư pháp. Bởi vì TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nên phải để họ bảo đảm tính độc lập theo cơ chế và thủ tục tư pháp.

Bách Sen lược ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa Hiến pháp: Cần quy trình đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.