Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực

Vân An| 26/09/2011 19:27

(HNMO) - Chiều 26/9, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta đang có nhiều dấu hiệu tích cực.


Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực

Theo báo cáo của Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP quý III cao hơn các quý trước (đạt 6,11%), mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất kể từ đầu năm và tháng thứ hai liên tiếp đạt dưới 1%; sản xuất kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao (lũy ké 9 tháng ước đạt trên 70 tỷ USD, gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được QH thông qua); thu ngân sách tăng; bội chi ngân sách nhà nước giảm dần; lãi suất ngân hàng đang từng bước được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật ổn định và còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao; đời sống nhân dân, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng bị lũ lụt còn nhiều khó khăn, tai nạn giao thông vẫn còn cao; các tệ nạn xã hội còn nhiều bức xúc.

Về vấn đề lạm phát cao, Chính phủ thống nhất nhận định, lạm phát ở nước ta cao và kéo dài do nhiều nguyên nhân, trong đó có cầu kéo, chi phí đẩy và một số yếu tố đặc thù tác động làm gia tăng các yếu tố cầu kéo và chi phí đẩy. Nhưng nguyên nhân chủ yếu chính là cầu kéo (tổng mức đầu tư vượt quá tiết kiệm, tín dụng, tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh…).

Để giảm lạm phát, trước mắt Chính phủ sẽ kiên định chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ; điều phối lượng tiền tín dụng hợp lý trong cả năm, thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên và giảm bội chi ngân sách; đồng thời, củng cố lòng tin của công chúng vào VND bằng việc minh bạch hóa chính sách, tiếp tục lộ trình xóa bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa; kiểm soát thị trường giá cả, lựa chọn lộ trình thực hiện giá thị trường…

Về lâu dài, Chính phủ kiểm soát tổng cầu và kiểm soát cung ứng tiền cho nền kinh tế; thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế mà trọng tâm tập trung vào 3 khâu là tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao hiệu quả nền kinh tế; tăng cường công tác phân tích, dự báo, thông tin tuyên truyền…

“Tinh thần trong mọi vấn đề Chính phủ sẽ nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị, không tô hồng mà cũng không bôi đen… Ổn định vĩ mô đã có những dấu hiệu tích cực”, Bộ trưởng Đam nói.

Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết 11 của Chính phủ sẽ được thực hiện không chỉ trong năm nay mà cả những năm tới, mục tiêu cơ bản của cả nhiệm kỳ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.


Dựa trên những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong 9 tháng đầu năm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6% đã đề ra. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng, mà phải có những giải pháp quyết liệt, trong đó chú trọng vào cơ cấu lại đầu tư, tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm, hiệu quả cao, sắp hoàn thành...

Sẽ trình CP nghị định về quản lý vàng trong tuần này

Trước tình hình giá vàng trong nước hiện đang biến động và cao hơn nhiều so với giá thế giới, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận, đúng là giá vàng đã có biến động những ngày qua, làm giá trong nước và quốc tế chênh nhau nhiều. Vì vậy, ông khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, thận trọng trong mua, bán vàng. Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và có những giải pháp phù hợp, có thể cho nhập khẩu vàng.

Về nghị định quản lý giá vàng, ông Tiến cho biết, Bộ Tư pháp đã hoàn thành việc thẩm định, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp thu các thẩm định này và sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định ngay trong tuần này.

Khoảng 2 tuần nữa sẽ có kết luận thanh tra các DN kinh doanh xăng dầu


Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, chủ trương nhất quán của Chính phủ sẽ là điều hành giá theo lộ trình, tiến tới đưa giá xăng dầu về sát giá thị trường, đồng thời, công khai minh bạch giá, sử dụng quỹ bình ổn giá theo đúng quy định và công khai việc sử dụng; công khai việc kinh doanh, lỗ, lãi của các doanh nghiệp.

Liên quan đến cách tính lỗ, lãi giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, phương pháp tính là lấy doanh thu trừ đi chi phí. Tuy nhiên, con số cụ thể như thế nào thì phải qua kiểm tra.

Thứ trưởng cho biết, khoảng 2 tuần nữa sẽ có kết quả thanh tra của các bộ về các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu.

Về nợ quốc gia, Thứ trưởng khẳng định, nợ của Việt Nam vẫn ở trong ngưỡng an toàn, hiện đang chiếm khoảng 42% GDP. Trong số này, 62% là nợ nước ngoài của Chính phủ, nhưng trong đó chiếm tới 93% là nợ ODA và vay ưu đãi với lãi suất thấp và thời gian trả nợ dài.

“Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín dụng S&P xếp ở mức BB. Nếu so với các nước có cùng chỉ số xếp hạng, nợ quốc gia của Việt Nam ở mức trung bình”, Thứ trưởng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.