Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ trưởng KH&ĐT nhận trách nhiệm về sai phạm tại các tập đoàn

V.A| 13/06/2012 17:23

(HNMO) - Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục với phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Bộ trưởng được khá nhiều đại biểu “hoan nghênh” về phần trả lời quanh nội dung đầu tư công và việc quản lý phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.


Bộ KH&ĐT có trách nhiệm trong sai phạm tại các tập đoàn

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bùi Quang Vinh “nóng” ngay từ đầu khi các đại biểu chất vấn mở đầu là Chu Sơn Hà – Hà Nội, Lê Thị Nga – Thái Nguyên đề cập ngay đến việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Đại biểu Nga thắc mắc tại sao Nhà nước có giám sát quản lý thường xuyên tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà vẫn để sai phạm kéo dài, chậm phát hiện. Vậy trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào?

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận phần lỗi của Bộ trong việc tham mưu cho Chính phủ về các chế tài quản lý DN nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, theo các quy định của Nhà nước hiện hành, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được quyền quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền doanh nghiệp mà không phải báo cáo nên Bộ thật sự không nắm được, cụ thể là cả với Vinashin và Vinaline. Bộ trưởng cho rằng, để khắc phục bất cập này, cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Hiện Bộ đã xây dựng các phương án quản lý phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước nhưng khi trình Chính phủ, còn nhiều ý kiến khác nhau, nên chưa ban hành được.

Đánh giá việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng là “thẳng thắn”, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng cần chỉ rõ hơn những điểm chưa phù hợp về luật định để đề nghị Quốc hội sửa. Điều khiến đại biểu này băn khoăn là vì các tập đoàn không báo cáo nên các bộ không biết. Vậy làm sao Bộ KH&ĐT có thể tham mưu cho Chính phủ để chống thất thoát vốn và tài sản Nhà nước?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, chính từ thực tiễn phát hiện lỗ hổng, Bộ đã có báo cáo và với chức năng của mình, Bộ đã đề nghị bổ sung sửa đổi 2 luật lớn: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

“Vì trong luật quy định doanh nghiệp là người quyết định, chỉ báo cáo chủ sở hữu vốn chứ không báo cáo Bộ nên chúng tôi rất khó nắm bắt. Nhưng là Bộ quản lý chung, chúng tôi có nói không có trách nhiệm cũng không được”, Bộ trưởng nói.

“Bộ trưởng có xót xa không khi mà một nguồn lực lớn của nhân dân giao cho một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bị sử dụng sai mục đích, lãng phí, nhưng các bộ lại gần như đứng ngoài cuộc trong các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp này do phân cấp của luật, do chậm ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh?”, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh chất vấn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trả lời “có”. Bộ trưởng không chỉ xót xa mà còn trăn trở về việc sử dụng vốn Nhà nước sai. Theo Bộ trưởng, hầu hết luật cơ bản chưa được hoàn thiện nhưng không thể đổ lỗi chính cho việc này mà những sai phạm vừa rồi chủ yếu liên quan đến con người. Việc quan tâm đến phẩm chất cán bộ theo Bộ trưởng là rất quan trọng. Chính phủ đang quyết tâm làm rõ chủ thể đại diện doanh nghiệp Nhà nước là ai và phân rõ ai chịu trách nhiệm về các doanh nghiệp Nhà nước.


Góp ý thêm cho khâu quản lý, đại biểu Trần Hoàng Ngân – TP Hồ Chí Minh cho biết, ông hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng nhưng chưa thật yên tâm về các giải pháp sử dụng, quản lý vốn Nhà nước. Theo ông, quan trọng là phải giảm nhanh số lượng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bằng cổ phần hóa; quan tâm đến vấn đề con người ở các tập đoàn và tiến hành kiểm toán hoạt động của các tập đoàn một cách độc lập, công khai, minh bạch.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, trong quá trình tái cấu trúc tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước, khâu lúng túng nhất hiện nay là tách bạch giữa quyền quản lý nhà nước và vai trò của quản lý Nhà nước với chủ sở hữu. Chính vì vậy, Bộ đã đề xuất thành lập cục quản lý và giám sát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Bộ trưởng thừa nhận, hiện vai trò giám sát tại các doanh nghiệp Nhà nước rất lỏng lẻo, do đó, cần tăng cường giám sát ở cả 3 tầng: bản thân các tập đoàn; vai trò các chủ sở hữu và giám sát của các cơ quan nhà nước.

Về trường hợp của Vinaline, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ đã nhiều lần có văn bản báo cáo Chính phủ tình hình hoạt động tại Vinaline giai đoạn 2009-2010 và đã có khuyến cáo cũng như cảnh báo cụ thể với tổng công ty. Chính qua các vụ việc ở Vinashin, Vinaline, Chính phủ mới đặt vấn đề tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước.

Về trách nhiệm tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật, Bộ Tài chính đã xây dựng một loạt quy định và sẽ ban hành trong thời gian tới.

Khắc phục dàn trải đầu tư: Không nên để các địa phương làm nhiệm vụ kinh tế


Câu chuyện đầu tư công được “khơi mào” bằng bất cập lớn nhất hiện nay đó là đầu tư dàn trải, lãng phí, dai dẳng cơ chế “chạy chọt”, xin-cho.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – Hải Phòng cho biết, việc chạy dự án lâu nay vẫn râm ran, đặc biệt là với các dự án do Bộ KH&ĐT chỉ định thầu. Vậy có chuyện này không, bao giờ chấm dứt? Những dự án bị giãn, hoãn do đầu tư dàn trải thì khắc phục thế nào? Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng truy vấn trách nhiệm của Bộ KH&ĐT trong việc để cắt giảm đầu tư công quá mức gây nhiều hệ lụy khiến nhiều dự án quy hoạch treo, nhiều dự án đình hoãn gây lãng phí…

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, nền kinh tế nước ta còn đang nhỏ bé nên nhu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng là rất lớn. Do đó, địa phương phải bố trí nhiều dự án. Mặc dù chúng ta đã mạnh tay phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương nhưng chưa đủ chế tài để quản lý. Các địa phương được quyết định đầu tư từ nhóm A đến nhóm C, Quốc hội và Chính phủ chỉ còn quyết các công trình có vốn từ 35.000 tỷ đồng trở lên nên Trung ương không quản lý hết được và cũng chưa có chế tài giám sát chặt chẽ. Quy định là các địa phương phải báo cáo lại Bộ nhưng Bộ cũng rất ít khi nhận được báo cáo. Do đó, trách nhiệm trong việc đầu tư dàn trải, lãng phí có cả 2 phía.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, một nguyên nhân nữa gây ra sự phân tán trong đầu tư công là vì các địa phương phải làm cả nhiệm vụ kinh tế nên không địa phương nào không phải lo đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

“Nếu chúng ta giữ nguyên cơ chế này thì khó thay đổi”, Bộ trưởng nói.


Đánh giá Bộ trưởng có quyết tâm rất cao để đổi mới phân bổ đầu tư, nhưng đại biểu Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh nhận xét, như vậy là Bộ chuyển trách nhiệm sang các bộ, ngành khác nhưng cơ chế xin-cho thì chưa được triệt để khắc phục.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chính vì để khắc phục cơ chế xin-cho, Chính phủ đã thay đổi việc phân bổ ngân sách theo hướng vẫn phân cấp như cũ nhưng Trung ương không duyệt chi tiết từng dự án mà chỉ duyệt tổng vốn, các địa phương tự lựa chọn danh mục đầu tư để quyết định theo nguyên tắc của Quốc hội và Chính phủ và tự chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn, nếu lo đủ mới ký, nếu ký mà làm thất thoát, kéo dài thì người ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Kể từ năm nay, Bộ KH&ĐT đã giao ngân sách cho các địa phương, các bộ sử dụng vốn theo nguyên tắc “một cục”, cho giai đoạn từ 3-5 năm để các địa phương biết mà cân đối, chọn dự án mà làm, không phải chạy nữa.

“Nếu chúng ta làm tốt được việc này thì sẽ chủ động, hiệu quả hơn nhiều trong đầu tư, sử dụng vốn”, Bộ trưởng khẳng định.

Hoan nghênh quyết tâm chống đầu tư dàn trải của Bộ trưởng, nhưng đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh còn băn khoăn, liệu cách thức đó có triệt được cái gốc vấn đề của dàn trải? Theo ông, gốc của bệnh dàn trải là cách lập kế hoạch, cách hướng dẫn làm cơ cấu kinh tế của địa phương.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhất trí, các giải pháp của chúng ta đang làm là rất quyết liệt nhưng đúng là chưa triệt để. Bộ trưởng đồng tình rằng, căn cơ của dàn trải rất sâu sa, là do chúng ta giao nhiệm vụ kinh tế cho các địa phương trong khi nguồn lực không đáp ứng được. Vì vậy, để thay đổi, cần nghiên cứu chức năng làm nhiệm vụ kinh tế của Trung ương và địa phương, đổi mới tư duy kinh tế sâu hơn, thay đổi thể chế.

“Nhưng chúng ta không thể làm mọi việc trong một lúc, mà phải làm dần. Trước mắt, phải ngăn chặn tình trạng dàn trải bằng các giải pháp vừa thực hiện”, Bộ trưởng nói.

Truy vấn sâu hơn về căn bệnh đầu tư dàn trải, lãng phí, đại biểu Đỗ Văn Đương – TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ trưởng làm rõ xem có bao nhiêu dự án đầu tư công dàn trải, lãng phí, không hiệu quả, chủ yếu diễn ra ở đâu, trầm trọng nhất từ khi nào, tính từ 2002 đến nay? Trách nhiệm thuộc về ai?

Câu hỏi của đại biểu Đương được Bộ trưởng trả lời là “quá tầm” của Bộ trưởng. Bộ trưởng cho biết, để có số liệu cụ thể, cần cả 63 tỉnh, thành rà soát và báo cáo thì Bộ mới tổng hợp và trả lời được. Còn về trách nhiệm, truy cứu phải theo luật pháp, “ai sai phạm thế nào thì luật pháp không thể bỏ qua được”.

“Tôi hứa những gì thuộc trách nhiệm sẽ cố gắng làm tốt. Tất nhiên năng lực đến đâu làm đến đó, miễn là làm nhiệt tình”, Bộ trưởng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng KH&ĐT nhận trách nhiệm về sai phạm tại các tập đoàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.