Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng diện phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Bách Sen| 19/10/2012 06:48

(HNM) - Chiều 18-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" với tỷ lệ tán thành 100%.

* Chưa thu phí điều tiết điện lực
(HNM) - Chiều 18-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc. Trước đó, UBTVQH đã biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" với tỷ lệ tán thành 100%.

Theo đó, từ ngày 1-1-2013 tới, việc tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" sẽ được mở rộng đến các mẹ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ, còn lại 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Với việc bổ sung quy định này, các trường hợp được tặng hoặc truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" bao gồm: có 2 con trở lên là liệt sỹ; chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; có 1 con là liệt sỹ và có chồng hoặc bản thân là liệt sỹ; hoặc có 1 con là liệt sỹ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Tổng hợp kết quả báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành về số gia đình có 2 liệt sỹ trở lên do địa phương (ngành lao động - thương binh và xã hội) đang quản lý và chi trả, dự kiến số lượng bà mẹ được tặng hoặc truy tặng theo Pháp lệnh sửa đổi là 19.992 mẹ. Trong đó, 6.785 mẹ còn sống (khoảng 33,93%).

Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về một số ý kiến còn khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; kết quả rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Đáng lưu ý, với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nêu quan điểm, vấn đề quy hoạch điện lực cần phải gắn chặt với quản lý thiên tai. Về việc thu phí điều tiết điện lực theo đề nghị của Bộ Công thương (Ban soạn thảo), Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cần phải giải trình rõ về sự cần thiết phải thu phí điều tiết điện lực. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích, do lâu nay Cục Điều tiết điện lực vẫn phải nhờ Tập đoàn Điện lực Việt Nam "gánh vác" giúp một phần kinh phí hoạt động.

Như vậy hoạt động giám sát không thể khách quan, nên rất muốn thu phí từ người dân để trang trải hoạt động. Sắp tới, khi thị trường điện lực phát triển đầy đủ hơn, cơ quan điều tiết hoạt động điện lực phải có vị trí, vai trò độc lập, tổ chức thực hiện nhiệm vụ điều tiết hoạt động điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm công bằng, minh bạch. Xem xét toàn diện vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không thể quy định thu phí điều tiết ngay. Chỉ trong trường hợp hình thành cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì khi đó sẽ nghiên cứu thêm, và có thể bổ sung vấn đề này trong một văn bản khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng diện phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.