Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trĩu nặng nỗi lo tăng giá

Hương Ly| 25/08/2012 06:35

(HNM) - Sau hai tháng giảm liên tiếp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng trở lại do giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: xăng, dầu, gas, viện phí đã đồng loạt tăng cao.


Theo quy luật hằng năm, quý III và quý IV là thời điểm giá hàng hóa thường biến động theo chiều hướng tăng. Thêm vào đó, chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn cho các dự án trọng điểm và việc các ngân hàng sẽ tích cực giải ngân nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay sẽ tạo ra những tác động đáng kể đến tốc độ tăng lạm phát. Giữ ổn định giá hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, sốt giá là một trong những thách thức lớn của cơ quan quản lý giá trong những tháng cuối năm.

Giá xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục “nóng” trong những ngày tới. Ảnh: Bá Hoạt

Đồng loạt tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, CPI cả nước trong tháng 8 đã tăng 0,63%. Tại hai đầu tàu kinh tế lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hầu hết các nhóm hàng trong "rổ hàng hóa" tính CPI đều đồng loạt tăng cao. Nhận xét về tốc độ tăng CPI tháng 8, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp dụng giá viện phí mới đã khiến chỉ số giá của nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 5,44%. Nhiều mặt hàng thiết yếu liên tiếp điều chỉnh giá đã tạo ra những áp lực dây chuyền đẩy giá nhiều loại hàng hóa dịch vụ tăng cao. Từ ngày 1-7, giá điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh điều chỉnh với mức tăng tương đương 5%. Một mặt hàng thiết yếu khác cũng có tốc độ tăng mạnh là gas với mức tăng khoảng 70.000 đồng/bình 12kg.

Đặc biệt, 3 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp vào các ngày 20-7, 1-8 và 13-8 đã góp phần đẩy giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trong đó có cước vận tải, taxi tăng cao. Việc tăng giá xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục "nóng bỏng", bởi trong những ngày gần đây, đại diện nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, giá cơ sở xăng đã cao hơn giá bán lẻ hiện hành gần 1.000 đồng mỗi lít. Đối với dầu, mức chênh lệch khoảng 500 đồng mỗi lít. Như vậy, việc giá xăng dự kiến tăng khoảng 1.000 đồng/lít và giá dầu tăng 500 đồng/lít là điều khó tránh khỏi bởi trong 10 ngày gần đây giá xăng, dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao.

Trong bối cảnh thu nhập của người dân không theo kịp tốc độ tăng giá, việc điều tiết và bình ổn của cơ quan quản lý giá đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn nguy cơ hình thành một mặt bằng giá mới.

Rà soát yếu tố gây biến động giá

Các chuyên gia kinh tế dự báo, thời điểm cuối năm nay sẽ có nhiều yếu tố tác động tới tốc độ tăng lạm phát. Bởi theo yêu cầu của Chính phủ, những tháng cuối năm sẽ giải ngân nhanh toàn bộ số vốn ngân sách và trái phiếu chính phủ với tổng trị giá khoảng 130.000 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo tổng cầu cho nền kinh tế, giải quyết hàng tồn kho và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Như vậy bình quân mỗi tháng sẽ giải ngân khoảng 21.000 tỷ đồng cho những dự án đã được phê duyệt theo kế hoạch. Bên cạnh những tác động tích cực, việc nền kinh tế phải hấp thụ một lượng tiền lớn sẽ tạo ra những tác động làm gia tăng lạm phát. Thêm vào đó, theo phân tích của ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, 7 tháng qua tín dụng toàn hệ thống ngân hàng chỉ tăng 1,06%, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước dự báo cả năm nay, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức 6-8%. Như vậy, nếu tháng 8 và 9 tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm, thì giải ngân có thể được bung ra trong 3 tháng cuối năm nay. Nếu không kiểm soát cẩn thận, vòng quay lạm phát sẽ trở lại trong năm 2013…

Trước những diễn biến tăng giá thời gian gần đây, đặc biệt là giá xăng dầu, Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá trên địa bàn, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ yêu cầu các đơn vị rà soát tính toán chi phí để xây dựng giá cước hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và bảo đảm việc kê khai điều chỉnh giá phù hợp với tỷ lệ tác động của biến động giá, tránh lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá cước bất hợp lý. Bên cạnh việc triển khai kịp thời giải pháp hỗ trợ của Nhà nước về giãn, giảm thuế, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như: sữa, thuốc chữa bệnh cho người, gas, cước vận tải, lương thực, thực phẩm… và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý giá.

Tại Hà Nội, UBND TP đã triển khai chương trình bình ổn giá ngay từ đầu năm 2012 và đầu tư 376 tỷ đồng vốn ngân sách lãi suất 0%, tạm ứng vốn cho các DN dự trữ 10 nhóm mặt hàng thiết yếu. DN tham gia chương trình phải cam kết đăng ký giá bán với Sở Tài chính và chỉ được tăng giá khi có ý kiến bằng văn bản của Sở Tài chính. Mặc dù nhiều biện pháp bình ổn giá đã được tích cực triển khai, song việc quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người dân đang kỳ vọng những hành động quyết liệt hơn nữa của cơ quan quản lý giá trong việc minh bạch hóa các yếu tố hình thành giá xăng, giá điện… qua đó góp phần giữ ổn định giá thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trĩu nặng nỗi lo tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.